Chuyên gia chỉ ra rằng, tính đến thời điểm hiện tại, chưa một dung dịch nào có thể loại trừ dư lượng hóa chất thuốc bảo vệ thực phẩm trên rau củ và các thực phẩm khác. Nước muối chỉ có tác dụng sát khuẩn, hoàn toàn vô dụng trong việc loại bỏ hóa chất.
Hiện nay, tình trạng vệ sinh an toàn vẫn đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Mặc dù không đảm bảo, không được kiểm định kĩ càng và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhưng các bà nội trợ vẫn thường chọn mua thực phẩm tại chợ vì sự thuận tiện và giá thành rẻ.
Trước nỗi lo sợ về nguy cơ sức khỏe của những sản phẩm rau, củ, quả có khả năng nhiễm thuốc trừ sâu, nhiều người vẫn thường tin tưởng vào lời khuyên sử dụng nước muối để ngâm như là một bước cuối cùng trong quy trình rửa rau.
Mọi người vẫn thường lan truyền với nhau thông tin là muối biển chính là một trong những chất sát khuẩn tự nhiên cực mạnh, có thể giúp thực phẩm “nhả” hóa chất ra nước lại không gây hại sức khỏe. Hơn nữa, giá thành của mỗi túi muối biển chỉ vài nghìn đồng, làm sạch cho thực phẩm nhà mình bằng phương pháp này không chỉ dễ dàng, thuận tiện mà còn rẻ. Do đó, không ít người còn coi ngâm muối là bước bắt buộc, là bí quyết để đảm bảo thực phẩm mình ăn vào không còn nhiễm thuốc trừ sâu hay vi khuẩn, độc tố nào. Thậm chí nhiều đầu bếp, chuyên gia dinh dưỡng trên MXH cũng thường khuyến cáo cách làm này để bảo vệ sức khỏe cho gia đình và người thân.
Tuy nhiên, sự thật là ngâm rau, củ, quả với nước muối không hề có tác dụng loại bỏ hóa chất, thậm chí còn gây phản tác dụng
Ngâm rau, củ, quả bằng nước muối không có tác dụng thần thánh như lời đồn
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ trên Sức khỏe và Đời sống, hành động ngâm rau củ quả với nước muối chỉ có tác dụng gây ức chế hoặc diệt vi khuẩn một cách chừng mực chứ không phải cứ cho vào nước muối là tự động hóa chất độc hại trong thực phẩm sẽ bị loại bỏ.
Chưa kể, việc ngâm rau củ quả với nước muối quá lâu có thể gây mất chất, rau bị dập nát, khi nấu lên rau bị mất độ ngon. “Hàm lượng vitamin và khoáng chất trong rau củ quả được ngâm rửa kiểu này sẽ bị hao hụt đáng tiếc. Ngoài ra, hành động ngâm rau củ trong nước quá lâu còn gây hại cho sức khỏe, chất bẩn có nguy cơ thẩm thấu ngược lại”, ông Thịnh cho hay.
Chưa nói đến việc có thể loại bỏ được thuốc trừ sâu ẩn giấu trong thực phẩm tươi sống, PGS.TS Trần Hồng Côn (giảng viên khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) còn đưa ra khẳng định bất ngờ rằng: “Cho đến hiện tại cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định nước muối có thể diệt được trứng giun sán, vi khuẩn… chứ đừng nói đến việc loại bỏ hóa chất ra khỏi rau củ quả như nhiều người đang nghĩ”.
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu ngâm rau củ quả trong nước muối có nồng độ cao trong một thời gian dài sẽ làm tăng áp lực thẩm thấu khiến rau quả bị nhiễm mặn.
Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ tới 9,4g muối mỗi ngày, gần gấp đôi so với khuyến nghị là 5g muối một ngày. Như vậy, Việt Nam đã là một trong nước ăn mặn nhất trên thế giới. Đã chủ động cho nhiều muối vào khẩu phần ăn hàng ngày, việc ngâm thêm thực phẩm vào nước muối càng khiến gia đình bạn phải tiêu thụ nhiều muối hơn. Điều này tạo ra gánh nặng lớn cho thận, gây ra cao huyết áp và bệnh tim mạch.
Làm sao để rửa rau củ quả đúng cách
Rửa bằng nước sạch nhiều lần
Sau khi mua rau củ quả về, nhặt sạch thì nên rửa bằng nước sạch khoảng 4-5 lần, sử dụng chậu to với nhiều nước để rửa trôi đất cát tốt hơn
Gọt bỏ vỏ
Với các loại củ quả chứa nhiều thuốc trừ sâu như dưa leo, dưa chuột, cà tím, cà rốt…Cách tốt nhất người dùng nên rửa sạch và gọt bỏ vỏ trước khi ăn. Rửa sạch và gọt bỏ vỏ giúp loại bỏ hơn 96% các loại thuốc trừ sâu bám trên bề mặt rau củ quả.
Sử dụng nhiệt độ
Phơi nắng: ánh nắng mặt trời làm cho lượng thuốc trừ sâu trên rau bị phá vỡ, phân giải. Để rau dưới ánh nắng mặt trời 5 phút, lượng thuốc trừ sâu tàn lưu trên rau như thủy ngân hữu cơ, clo hữu cơ giảm được khoảng 60%. Trước khi sử dụng rau củ, bạn nên đem chúng đi phơi nắng trong khoảng 7-10 phút.
Chần nước ấm: làm nóng ở nhiệt độ cao cũng làm cho thuốc trừ sâu phân giải, một số loại rau chịu nhiệt như súp lơ, đỗ, rau cần… sau khi rửa sạch, chần qua bằng nước nóng 2 phút làm cho lượng thuốc trừ sâu suy giảm 30%, sau đó nấu ở nhiệt độ cao, như vậy sẽ tẩy trừ được 90% lượng thuốc trừ sâu vì nhiệt độ cao sẽ phá hủy liên kết dai dẳng của hóa chất trên thực phẩm.
Luôn ăn chín uống sôi chính là cách tốt nhất để giúp bạn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm!
Thu Ngân–Theo Trí Thức Trẻ