Tồng thư ký OPEC cho biết với nhu cầu hiện tại, gần như không thể thay thế 7 triệu thùng dầu từ Nga nếu dầu của nước này bị trừng phạt hoặc tẩy chay hoàn toàn.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nói với Liên minh châu Âu (EU) rằng sẽ “gần như không thể” thay thế dầu của Nga nếu nguồn cung bị cắt do các lệnh trừng phạt hoặc tẩy chay, theo báo cáo từ Reuters và Bloomberg.
Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết: Chúng ta có thể thấy hơn 7 triệu thùng dầu – gồm dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Nga sẽ biến mất do các lệnh trừng phạt hiện tại và tương lai hoặc các hành động tự nguyện khác”.
“Xem xét nhu cầu hiện tại, gần như không thể thay thế sự mất mát về khối lượng lớn như vậy”, ông Barkindo nói với EU, theo Reuters.
OPEC và EU đã gặp nhau hôm 11/4 trong bối cảnh EU gặp áp lực lớn trong việc áp đặt lệnh cấm đối với dầu của Nga. Khối này cũng đã kêu gọi OPEC xem xét tăng nguồn cung, một quan chức của EU nói với Reuters.
Khoảng 25% lượng dầu nhập khẩu của EU đang dựa vào Nga. Khối này vừa ban hành lệnh cấm vận với than của Nga và đang xem xét tiếp tục cấm vận dầu như một động thái loại bỏ việc sử dụng năng lượng có nguồn gốc từ Nga. Từ đầu năm, giá dầu đã tăng 30% do dòng chảy thương mại bị gián đoạn liên quan đến các cuộc tẩy chay và trừng phạt nhắm vào Nga.
Ông Barkindo cho biết thị trường biến động mạnh do các yếu tố về chính trị hơn là yếu tố cơ bản về cung-cầu của thị trường dầu mỏ.
“Đây là những yếu tố không cơ bản, hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi tại OPEC”, ông Barkindo nói.
Tháng trước, Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, cho biết OPEC+ gồm OPEC và các nhà sản xuất lớn khác như Nga – sẽ gạt bỏ yếu tố chính trị khỏi các quyết định của mình.
“Văn hoá đó đã ngấm vào OPEC+, vì vậy khi chúng tôi vào phòng họp OPEC hoặc toà nhà OPEC, mọi người sẽ đặt chính trường ở ngoài cửa của toà nhà đó”, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz Bin. Salman nói.
Tháng trước, OPEC+ cho biết sẽ tăng sản lượng khoảng 432.000 thùng/ngày trong tháng 5 để đáp ứng nhu cầu phục hồi của thị trường sau đại dịch.
Đức Nam–Theo Nhịp sống kinh tế