Hội chứng tăng độ nhớt máu có thể xuất hiện cùng các bệnh nguy hiểm khác như ung thư hạch, ung thư máu và bệnh bạch cầu.
Máu là một tổ chức di động bao gồm các thành phần hữu hình là các tế bào và huyết tương, lưu thông trong các động mạch, tĩnh mạch, mao mạch tới các mô tế bào và thực hiện nhiều chức năng sinh lý.
Độ nhớt của máu sẽ ảnh hưởng đến khả năng lưu thông của máu trong cơ thể. Tình trạng này có thể sẽ để lại nhiều biến chứng tùy vị trí và mức độ của cục máu đông. Đặc biệt, nếu như huyết khối này di chuyển tới và gây tắc mạch ở não, tim, gây tình trạng đột quỵ thì có thể cướp đi mạng sống bất cứ lúc nào.
Hội chứng tăng độ nhớt máu là gì?
Hội chứng tăng độ nhớt máu là một tình trạng làm cho máu không thể chảy tự do qua các động mạch. Trong hội chứng này, tắc nghẽn động mạch có thể xảy ra do quá nhiều tế bào hồng cầu, bạch cầu hoặc protein trong máu. Bệnh cũng có thể xảy ra khi hồng cầu có hình dạng bất thường, ví dụ như thiếu máu hồng cầu hình liềm.
Tăng độ nhớt máu xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Cụ thể, ở trẻ em, bệnh có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng do giảm lưu lượng máu đến các cơ quan quan trọng như tim, ruột, thận và não. Ở người lớn, hội chứng này có thể gặp cùng với các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp hoặc lupus ban đỏ; hoặc xuất hiện cùng các bệnh ung thư máu như ung thư hạch và bệnh bạch cầu.
Triệu chứng tăng độ nhớt máu
Các triệu chứng liên quan đến tình trạng này bao gồm đau đầu, co giật và nổi ban đỏ trên da. Nếu trẻ sơ sinh buồn ngủ bất thường hoặc không muốn bú, đây là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn.
Nhìn chung, các triệu chứng liên quan đến tình trạng này là kết quả của những biến chứng xảy ra khi các cơ quan quan trọng không nhận đủ oxy từ máu. Các triệu chứng khác của hội chứng tăng độ nhớt máu bao gồm:
Chảy máu bất thường
Rối loạn thị giác
Chóng mặt
Tức ngực, khó thở
Co giật
Hôn mê
Đi lại khó khăn
Ngoài ra, trẻ sơ sinh còn có thể gặp phải các vấn đề như vàng da, suy thận hoặc các bệnh lý hô hấp.
Nguyên nhân hội chứng tăng độ nhớt máu
Hội chứng tăng độ nhớt máu được chẩn đoán ở trẻ sơ sinh khi tỷ lệ hồng cầu trên 65 phần trăm. Nguyên nhân gây bệnh ở trẻ sơ sinh có thể do các bất thường phát sinh trong khi mang thai hoặc thời điểm chuyển dạ, bao gồm: Kẹp dây rốn muộn; các bệnh di truyền từ bố mẹ; các vấn đề về gen, chẳng hạn như hội chứng Down; tiểu đường thai kỳ…
Ngoài ra, bệnh cũng có thể do không có đủ oxy cung cấp cho các mô trong cơ thể thai nhi. Hội chứng truyền máu song thai– một tình trạng mà cặp song sinh không nhận được đồng đều máu trong tử cung là một ví dụ điển hình.
Hội chứng tăng độ nhớt máu cũng có thể do các rối loạn trong quá trình sản xuất tế bào máu gây nên, bao gồm: Bệnh bạch cầu, ung thư máu dẫn đến quá nhiều tế bào bạch cầu; bệnh đa hồng cầu, một loại ung thư máu dẫn đến quá nhiều tế bào hồng cầu; tăng tiểu cầu nguyên phát, một tình trạng máu xảy ra khi tủy xương sản xuất quá nhiều tiểu cầu trong máu; rối loạn sinh tủy, một nhóm các rối loạn máu gây ra số lượng bất thường của các tế bào máu nhất định, chiếm chỗ của các tế bào khỏe mạnh trong tủy xương và thường dẫn đến thiếu máu nặng.
Ở người lớn, hội chứng tăng độ nhớt máu thường biểu hiện triệu chứng khi độ nhớt trong máu cao hơn 6 đến 7 lần so với nước muối (ở người bình thường, độ nhớt máu so với nước muối là từ 1,6 đến 1,9).
Ai có nguy cơ bị hội chứng tăng độ nhớt máu?
Bệnh thường ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh, nhưng cũng có thể gặp ở người trưởng thành. Mức độ nặng của bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Trẻ nhỏ có nguy cơ mắc hội chứng này cao hơn nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh. Ngoài ra, những người có tiền sử bệnh tủy xương nghiêm trọng cũng có nguy cơ phát triển hội chứng này cao hơn.
Viện Y học ứng dụng Việt Nam; Healthline
Theo Nguyễn Phượng–Trí thức trẻ