Tiêu chuẩn nhà ở công vụ đối với Bí thư tỉnh ủy, chế độ với viên chức quốc phòng chuyển ngành … là các chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 04/2022.
Tiêu chuẩn nhà ở công vụ đối với Bí thư tỉnh ủy
Tại Quyết định 03/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 về tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ có hiệu lực từ ngày 15/4/2022 và thay thế Quyết định 27/2015/QĐ-TTg .
Theo đó, Bí thư tỉnh ủy và cấp tương đương được bố trí cho thuê một trong hai loại hình nhà ở công vụ sau:
* Nhà liền kề đảm bảo yêu cầu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 của Quyết định 03/2022/QĐ-TTg :
– Diện tích đất từ 200 m2 đến 250 m2;- Trang bị nội thất dời quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 của Quyết định 03/2022/QĐ-TTg .
* Căn hộ chung cư:
– Diện tích sử dụng từ 145 m2 đến 160 m2;- Trang bị nội thất dời quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 của Quyết định 03/2022/QĐ-TTg .
* Định mức kinh phí tối đa trang bị nội thất đồ dời cho nhà liền kề và căn hộ chung cư công vụ quy định tại khoản này là 250 triệu đồng.
Nguyên tắc bổ sung, đưa ra khỏi Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH ban hành Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động có hiệu lực từ ngày 15/4/2022.
Theo đó, quy định nguyên tắc sửa đổi, bổ sung, đưa ra khỏi Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như sau:
– Việc rà soát, đánh giá phải được thực hiện đối với nghề, công việc thuộc ngành, lĩnh vực cụ thể.
– Quá trình chọn mẫu để rà soát, đánh giá phải được thực hiện phù hợp với từng loại hình, quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đại diện vùng, miền lấy mẫu.
– Kết quả rà soát, đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động được sử dụng để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc đưa ra khỏi Danh mục nghề là kết quả rà soát, đánh giá được thực hiện trong thời gian không quá 12 tháng cho đến tháng đề xuất.
Ngoài ra, theo Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH , việc sửa đổi, bổ sung, đưa ra khỏi Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được thực hiện như sau:
– Căn cứ vào kết quả phân loại lao động theo phương pháp được quy định tại Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH , trường hợp cần thiết sửa đổi, bổ sung hoặc đưa ra khỏi Danh mục nghề thì người sử dụng lao động có văn bản gửi bộ quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan để xem xét, tổng hợp, đồng thời gửi Bộ LĐTBXH.
– Bộ quản lý ngành, lĩnh vực rà soát nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; xem xét ý kiến của người sử dụng lao động để đề xuất sửa đổi, bổ sung Danh mục nghề phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội, khoa học công nghệ và quản lý trong từng thời kỳ, gửi Bộ LĐTBXH.
Chế độ với viên chức quốc phòng chuyển ngành
Đây là nội dung tại Nghị định 19/2022/NĐ-CP quy định biện pháp thi hành chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc theo quy định của luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, có hiệu lực từ ngày 15/4/2022.
Theo đó, chế độ với viên chức quốc phòng chuyển ngành sang làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước bao gồm:
– Được bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành.
– Được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp băng 01 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi chuyển ngành, do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng quản lý quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng trước khi chuyển ngành chi trả (Chế độ này được thực hiện từ ngày 01/7/2016).
– Khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, được thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành nhưng không được áp dụng cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ để tính lương hưu theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Nghị định 19/2022/NĐ-CP .
Sửa tiêu chuẩn trình độ với giảng viên trường cao đẳng sư phạm
Từ ngày 19/4/2022, Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT , trong đó sửa đổi tiêu chuẩn trình độ với giảng viên trường cao đẳng sư phạm như sau:
– Tiêu chuẩn trình độ với giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III):
+ Có bằng đại học trở lên phù hợp với vị trí việc làm, chuyên ngành giảng dạy;
+ Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (đối với giảng viên không tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc đại học sư phạm kỹ thuật);
+ Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm.
– Tiêu chuẩn trình độ với giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II):
+ Có bằng thạc sĩ trở lên phù hợp với vị trí việc làm, ngành và chuyên ngành giảng dạy;
+ Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (đối với giảng viên không tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc đại học sư phạm kỹ thuật);
+ Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm.
– Tiêu chuẩn trình độ với giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I):
+ Có bằng tiến sĩ phù hợp với vị trí việc làm, ngành hoặc chuyên ngành giảng dạy;
+ Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (đối với giảng viên không tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc đại học sư phạm kỹ thuật);
+ Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm.
Hồng Vân-Theo Nhịp sống kinh tế-Theo Nhịp sống kinh tế