Mọi mưu đồ trấn yểm của Cao Biền đều bị thánh thần và người An Nam đánh bại.
Theo chính sử, Cao Biền là một viên tướng tài nhà Đường (Trung Quốc), làm quan cai trị Việt Nam vào thế kỷ IX, có công đánh thắng quân Nam Chiếu và xây thành Đại La. Tuy nhiên, trong văn học viết và văn học dân gian, Cao Biền nổi danh là một phù thủy “giỏi thuật số, thông địa lý, thường cưỡi diều giấy bay trên không trung để yểm các nơi thắng cảnh…”, dùng “thần quyền” và “tâm linh” nhằm diệt ý chí giành độc lập của dân ta.
Cao Biền là ai?
Cao Biền (821-887) là người Bột Hải, sau ngụ ở U Châu (Bắc Kinh ngày nay), xuất thân trong một gia đình dòng dõi võ quan. Sách “Đại Việt Sử ký toàn thư”, tập 1 chép: “Cao Biền tự là Thiên Lý, cháu của Nam Bình Quận vương Cao Sùng Văn dưới thời vua Đường. Thuở nhỏ, Cao Biền học giỏi, chăm chú luyện kiếm bắn cung. Cao Biền có tài bắn cung xuyên đôi ngỗng đang bay trên trời, được người đời coi là bậc kỳ tài.
Cao Biền được cử làm Tiết độ sứ Giao Châu (tên gọi của nước ta lúc bấy giờ) thay cho Trương Nhân bị mất chức vì không dẹp được trộm cướp ở khu vực này. Sau khi đã bình định xong Giao Châu, Cao Biền cho xây thành Đại La để tập trung quyền lực về một mối”.
Tuy theo nghiệp võ nhưng Cao Biền lại là người giỏi văn, thường bàn luận chuyện lý đạo với các nho sĩ. Ông là nhà thơ Đường có nhiều bài thơ nổi tiếng. Trong thời kỳ Bắc thuộc lần thứ III, Cao Biền được Đường Hy Tông Lý Huyền phong chức Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, cai quản cả Giao Châu và Quảng Châu từ năm Hàm Thông thứ bảy (866) đến năm Càn Phù thứ hai (875).
Các chức quan của Cao Biền gắn với các cuộc chiến và ông đã cầm quân tham gia nhiều chiến trận như: dẹp loạn người Đảng Hạng, chiến thắng quân Nam Chiếu xâm lược Giao Châu, đánh quân Thục, dẹp loạn Hoàng Sào…
Cao Biền trở thành danh tướng khi đánh thắng quân Nam Chiếu. Song sau đó ông đã thất bại trong việc đẩy lui cuộc nổi dậy của Hoàng Sào và bị thất sủng. Cuối đời, ông mắc sai lầm khi ngày càng trở nên rất tin tưởng vào phương sĩ Lã Dụng Chi cùng 2 kì đảng, đến nỗi Lã Dụng Chi nắm quyền kiểm soát quân trên thực tế, bất cứ ai dám lên tiếng chống lại Lã Dụng Chi đều phải chết.
Tinh thông thuật trấn yểm nhưng Cao Biền vẫn thất thế ở An Nam
Cao Biền “nổi danh” ở đất Việt với những trò ma thuật và trấn yểm, “sinh nghề, tử nghiệp”, rốt cuộc chính bản thân ông đã chết vì ma thuật, dù sử sách chính thống ghi rằng những trò này là do thuật sĩ Lã Dụng Chi bày ra.
Trong “Lĩnh Nam chích quái” có truyện “Dấu trâu vàng ở huyện Tiên Du” (Bắc Ninh ngày nay) viết về Cao Biền “giỏi thuật số, thông địa lý, thường cưỡi diều giấy bay trên không trung để yểm các nơi thắng cảnh…”.
Truyện “Thần chính khí Long Đỗ” kể khi đắp xong La Thành thì Biền gặp “một dị nhân mặc áo màu sặc sỡ, trang sức trông kỳ lạ, cưỡi con rồng đỏ, lơ lửng trong mây khói, khí thế ngùn ngụt, bay lên lượn xuống” tự xưng là Long Đỗ Vương. Quá hoảng sợ, Cao Biền “lập đàn và dùng nghìn cân sắt đúc tượng theo hình dạng thần nhân để làm bùa yểm”. Nhưng khi vừa đọc thần chú bỗng trời đất mù mịt ngày đêm, mưa gió giật đùng đùng, tượng sắt nát vụn ra mà bay lên không. Biền sợ hãi, có ý muốn về phương Bắc…
Truyện “Tản Viên Sơn Thánh” miêu tả chi tiết chuyện “trấn yểm” của Cao Biền: “Khi Cao Biền nhà Đường ở An Nam, muốn yểm những nơi linh địa bèn mổ bụng con gái chưa chồng mười bảy tuổi, vứt ruột đi, nhồi cỏ bấc vào bụng, mặc quần áo vào, rồi đặt ngồi trên ngai, tế bằng trâu bò, hễ thấy cử động thì vung kiếm mà chém đầu”. Biền đem thuật này “áp dụng” hãm hại thần linh Tản Viên nhưng chỉ “thấy Vương cưỡi ngựa trắng ở trên mây, nhổ nước bọt mà bỏ đi”. Biền than rằng: “Linh khí ở phương Nam không thể lường được. Vượng khí đời nào hết được…”. Như vậy thần Tản Viên rất khinh thường tài “trấn yểm” của Biền…
Một dấu tích gắn với truyền thuyết về Cao Biền còn lại đến nay là cột đá (trên đỉnh núi Dạm (Bắc Ninh) được cho là vật trấn yểm. Truyền thuyết kể, tin rằng vùng đất Nam Sơn quanh núi Dạm là đất phát vương với thế rồng cuộn hổ ngồi, Biền bèn dựng cột đá ấy để phá. Nhưng kết cấu và hình dáng cột đá nặng khoảng trên 50 tấn này thì có phần “phản” lại truyền thuyết: Đó là tác phẩm điêu khắc rồng đá theo phong cách thời Lý. Nhưng giới nghiên cứu chưa đủ cứ liệu để khẳng định.
Lại có “Truyền thuyết mả Cao Biền” kể sau khi trấn yểm Đại La không thành, Biền sợ linh khí nước Nam mà đi mãi về phương Nam, đến tận Phú Yên. Đến một làng nhỏ ven biển thấy có long mạch, Biền bèn sinh sống tại đây rồi giúp dân nhiều việc, xem đất dựng nhà, xây mồ mả…Khi chết, Biền được dân làng chôn cất tử tế. Ngày nay, ở huyện Tuy An còn dấu tích mả Cao Biền nằm trên một ngọn đồi. Hình ảnh ấy được sinh động hóa trong câu ca dao: “Nhìn ra thấy mả Cao Biền/ Nhìn vào thấp thoáng Ma Liên, Chóp Chài”.
Sau khi Cao Biền chết 51 năm thì Ngô Quyền thắng quân Nam Hán, từ đó mở ra thời kỳ của quân dân Đại Việt luôn chiến thắng các cuộc xâm lược của bè lũ phong kiến phương Bắc. Như vậy “công lao” trấn yểm của Cao Biền đều hóa thành vô ích và lại càng chứng minh được tinh thần tự chủ của văn hóa Việt, tinh thần bảo vệ chủ quyền dân tộc của nước Việt thật sự lớn lao.
Nguyễn Phượng-Theo Trí Thức Trẻ