Từ mô hình chăn nuôi “thú cưng”-nuôi chó kiểng của ông Châu Văn Phong, ấp Hòa Thạnh A, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, Hội Nông dân tỉnh Bến Tre, huyện Giồng Trôm và xã Lương Hòa cùng phối hợp thành lập Chi hội Nghề nghiệp nuôi “thú cưng” sinh sản.
Chi hội Nghề nghiệp nuôi “thú cưng” sinh sản xã Lương Hòa vào tháng 11-2021. Mô hình chi hội Nghề nghiệp nuôi thú cưng xã Lương Hòa thật sự có hiệu quả kinh tế và khả năng nhân rộng rất cao.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Hòa Võ Văn Hải cho biết, từ năm 1990, ông Châu Văn Phong đã nuôi “thú cưng”-nuôi chó kiểng bán và có hiệu quả kinh tế cao.
Sau này phát triển mô hình chăn nuôi “thú cưng”-nuôi chó kiểng theo hộ gia đình với những giống chó ngoại nhập hiện nay, có giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với những giống chó trước đây.
Từ mô hình kinh tế nuôi chó kiểng của gia đình ông, Hội Nông dân xã đề xuất với Huyện hội thành lập Chi hội nghề nghiệp tại ấp Hòa Thạnh A, có 23 hộ tham gia. Với sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay của Hội Nông dân tỉnh Bến Tre ban đầu cho 14 hộ với 400 triệu đồng để đầu tư chó kiểng giống và làm chuồng trại.
Đến nay, chỉ sau hơn 5 tháng, qua đánh giá của Hội Nông dân xã, các hộ vay vốn nuôi chó kiểng đều có lãi và đủ khả năng hoàn vốn vay ban đầu.
Với các giống chó ngoại nhập mới như Phốc-sóc Pomeranian (của Ba Lan và Đức), Pug, Bull Pháp, Bull dog, Corgi, Rock, Chiwawa, chó Đốm…là những giống chó kiểng đang được Chi hội Nghề nghiệp nuôi “thú cưng” sinh sản ấp Hòa Thạnh A mua về để nhân giống.
Theo ông Châu Văn Phong, đây là những giống chó cảnh – “thú cưng”, ngoại nhập được thuần hóa, thích nghi tốt với điều kiện ở nước ta.
Nhiều loại chó kiểng có giá trị kinh tế rất cao như giống chó Phốc-sóc Pomeranian, Corgi, Bulldog…Nếu chó đực thì có giá từ 3,5 đến gần 4 triệu đồng/con (tùy vào màu sắc), chó cái có giá từ 6 – 7 triệu đồng/con.
Chó kiểng ngoại sau khi sinh khoảng 1,5 tháng là bán. Bình quân một con chó nái sinh sản mỗi lứa từ 2 – 8 con. Chó sinh sản khi mua về thì khoảng sau hơn 7 tháng là có thể phủ nọc, sau 60 ngày là sinh.
Với thời gian sinh sản nhanh, có giá trị kinh tế cao nên người nuôi chó ngoại có thu nhập rất nhanh. Hiện nay, chi hội chăn nuôi và cung cấp chó kiểng giống cho bà con trong tỉnh Bến Tre và các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL. Nhu cầu nuôi “thú cưng”, trong đó có nuôi chó kiểng hiện nay rất cao, gần như không đủ cung.
Ông Châu Văn Phong – Chi hội trưởng Chi hội Nghề nghiệp nuôi “thú cưng” sinh sản ấp Hòa Thạnh A cho biết thêm, Hội Nông dân xã cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn về chăn nuôi “thú cưng” sinh sản nhưng trên cơ sở là trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa “người đi trước” với “người đi sau”.
Mặt khác, chó kiểng là vật nuôi cũng dễ chăm sóc, nếu chó giống thì bà con mua thực phẩm về nấu cho ăn, riêng chó con mới sinh thì cho ăn thức ăn công nghiệp – ngoại nhập, cho đến khi xuất chuồng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Hòa Võ Văn Hải cho biết: Trung tuần tháng 4-2022 này, Hội Nông dân xã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) để tiếp tục giải ngân nguồn vốn vay hỗ trợ thành viên trong chi hội nhằm mở rộng quy mô chăn nuôi của các thành viên.
Ấp Hòa Thạnh A giờ được gọi là “Làng thú cưng” của xã, được người dân trong tỉnh Bến Tre và khu vực biết đến với việc nuôi “thú cưng” cung cấp ra thị trường. Đây là mô hình kinh tế hiệu quả mà xã Lương Hòa sẽ nhân rộng trong thời gian tới.
Thành Lập (Báo Đồng Khởi)