Việc Nga ban hành Sắc lệnh thanh toán bằng đồng Rúp có tác động gì đến châu Âu, Mỹ và các nước khác? Ai được lợi và ai chịu thiệt? Liệu vòng ảnh hưởng của đồng Rúp có mở rộng?
Từ ngày 1/4, theo quy định của Nga, để mua khí đốt tự nhiên của Nga, “các quốc gia và khu vực không thân thiện” như châu Âu và Mỹ phải mở tài khoản đồng Rúp tại ngân hàng Nga. Nếu từ chối thanh toán theo cách này, sẽ bị phía Nga coi là vi phạm hợp đồng và mọi hậu quả sẽ do người mua chịu.
Sắc lệnh thanh toán bằng đồng Rúp
Ông Dmitry Peskov – Thư ký báo chí của Tổng thống Nga – ngày 3/4 cho biết, do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, độ tin cậy của đồng USD và đồng Euro đã bị giảm và Nga sẽ mở rộng phạm vi áp dụng Sắc lệnh thanh toán bằng đồng Rúp từ khí đốt tự nhiên hiện tại sang các hàng hóa xuất khẩu khác.
Trước đó, đối mặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có của phương Tây nhằm vào Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 23/3 tuyên bố, khi cung cấp khí đốt cho “các quốc gia và khu vực không thân thiện” như các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Nga sẽ yêu cầu thanh toán bằng đồng Rúp. Theo Thời báo Hoàn Cầu, động thái này của chính phủ Nga thể hiện rõ ràng quyết tâm bảo vệ vị thế của đồng Rúp.
Thị trường ngoại hối đã nhanh chóng phản ứng với một loạt các biện pháp chống trừng phạt tài chính của chính phủ Nga. Sau khi trải qua “thảm họa ngoại hối” 139 Rúp đổi 1 USD vào tháng 2 năm nay, tỷ giá đồng Rúp/USD hiện gần bằng với tỷ giá trước khi nổ ra xung đột quân sự Nga – Ukraine, ở mức 84 Rúp đổi 1 USD.
Hãng thông tấn BBC (Anh) bình luận rằng, Tổng thống Nga Putin nói rõ rằng Sắc lệnh thanh toán bằng đồng Rúp là nhằm ổn định chủ quyền kinh tế và tài khóa của Nga; nhưng các nhà bình luận cho rằng, động thái của ông Putin là một nỗ lực nhằm “đẩy áp lực kinh tế sang phía phương Tây” và hy vọng rằng nhu cầu ngoại hối nhiều hơn đối với đồng Rúp của quốc tế có thể làm tăng giá trị đồng Rúp.
Một số nhà phân tích cho rằng, động thái của ông Putin cũng có những cân nhắc chính trị trong nước: ông muốn tạo dựng hình ảnh cứng rắn đối với phương Tây ở Nga và giữ thể diện cho chính mình.
Theo Thời báo Hoàn cầu, những người dân thường Nga có cảm xúc lẫn lộn về tỷ giá “lên xuống như tàu lượn” của đồng Rúp.
Một người dân Moscow nói: “Đồng Rúp tăng giá nhanh chóng là một điều tốt. Nó mang lại niềm tin cho người dân và cho mọi người thấy khả năng của chính phủ trong việc xử lý khủng hoảng”.
Tuy nhiên, điều mà người dân Nga quan tâm nhất là tỷ giá có ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm hàng ngày hay không. Do mức tăng giá hàng hóa ở Nga được kiểm soát trong vòng 5% nên giá cả vẫn nằm trong mức chấp nhận được. Nhưng giá hàng hóa nhập khẩu đã tăng nhanh gấp đôi, khiến người dân nước này gần như không thể mua nổi.
Biện pháp đối phó của Nga tác động đến nước nào?
Trong danh sách “các quốc gia và khu vực không thân thiện” do Nga công bố, ngoại trừ một số nước như Mỹ và Na Uy không mua năng lượng của Nga, “các quốc gia và khu vực không thân thiện” khác sẽ bị ảnh hưởng bởi yêu cầu thanh toán bằng đồng Rúp. Các nước phụ thuộc nhiều hơn vào Nga về năng lượng có nhiều khả năng phải chấp nhận thanh toán bằng đồng Rúp.
Hiện tại, Belarus, Hungary và Slovakia đã tuyên bố rõ ràng rằng họ chấp nhận thanh toán bằng đồng Rúp. Vòng ảnh hưởng của đồng Rúp có thể tiếp tục được mở rộng trong tương lai. Ví dụ, Ấn Độ – quốc gia có quan hệ tốt với Nga – hiện đang thảo luận chặt chẽ về vấn đề này.
Faisal Islam – biên tập viên kinh tế của BBC – cho biết, đối với Điện Kremlin, Sắc lệnh thanh toán bằng đồng Rúp này nhằm gợi ý về sự leo thang quy mô lớn của cuộc chiến kinh tế giữa phương Tây và Nga về vấn đề Ukraine.
Nhưng vẫn theo Islam, như các quan chức Nga đã nhắc đi nhắc lại trong nhiều thập kỷ, ngay cả ở đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, việc cung cấp năng lượng của Nga cho phương Tây vẫn không bị gián đoạn. Cuối cùng, Nga vẫn cần kiếm tiền qua hoạt động xuất khẩu khí đốt và vẫn hy vọng rằng một khi thỏa thuận hòa bình với Ukraine được ký kết, sẽ vẫn có thị trường xuất khẩu khả thi cho sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Nga.
Biên tập viên Islam nhận định, đối với các nước EU, nhiều nước đã có các biện pháp khẩn cấp để quản lý nhu cầu năng lượng. Và hiện tại đã là thời điểm chuyển giao giữa mùa xuân và mùa hè, do đó dễ đối phó với tình hình năng lượng này hơn là trong mùa đông lạnh giá.
Liệu Nga và EU có thể thực sự “đối kháng” đến cùng? Các nhà phân tích của cho rằng, câu trả lời là không. Bởi vì không thể thực sự cắt đứt quan hệ giữa Nga và châu Âu: châu Âu cần năng lượng của Nga, còn Nga cần các quỹ của châu Âu, đặc biệt là để giải quyết vấn đề thiếu hụt ngoại hối. Do đó, cuối cùng, khả năng cao là cả hai phía sẽ có những nhượng bộ, phương Tây giữ được thể diện và Nga có thể tiếp tục kiếm tiền từ khí đốt tự nhiên.
Theo Pháp luật và Bạn đọc