Quan trọng là do cách suy nghĩ của từng người và doanh nhân đó mong muốn cuộc sống như thế nào.
Vai năm trước, ngay sau khi được tạp chí Forbes công bố là tỷ phú đô la, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long từng có buổi nói chuyện thân tình cùng báo giới. Trả lời phỏng vấn báo Trí thức trẻ, vị tỷ phú này thẳng thắn chia sẻ triết lý cuộc sống của mình. Ông cho rằng dù là doanh nhân điều hành tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam nhưng khi làm việc không nghĩ đến tiền, cũng chẳng biết mình có bao nhiêu tiền. Tuy vậy nhưng cuộc sống của ông không quá bận rộn hay áp lực như trong hình dung nhiều người.
“Tôi không muốn cuộc sống cứ phải đầu tắt mặt tối, hai tay hai điện thoại, hay không có đủ thời gian để ăn sáng, ăn trưa hay tối cùng gia đình. Ví dụ từ sáng đến giờ là tôi chỉ có một cuộc điện thoại nhưng đó là họ gọi nhầm chứ cũng không phải vì ai đó gọi để bàn công việc“, chủ tịch Trần Đình Long chia sẻ.
Theo đó ông vẫn có thời gian để làm những điều mình thích, những sở thích bình dị như cà phê bụi, tập thể thao. Những sở thích cá nhân như đọc sách, xem tivi, xem phim hay bóng đá vẫn được tỷ phú này duy trì và không hề phải vứt bỏ. Thậm chí là trà đá vỉa hè với những người bạn đã 20 năm của mình. Đó là điều ông rất tự hào.
Không chỉ dành thời gian cho bạn bè, gia đình cũng là ưu tiên số 1 với ông Long. “Có người bận rộn không còn thời gian đi du lịch nhưng như tôi thì mỗi năm phải đi ít nhất 4 lần và lúc nào cũng đi với cả gia đình“, tỷ phú này chia sẻ. Ông Long còn rất tự hào là người ăn đủ 30 bữa cơm nhà trong một tháng, thậm chí đủ cả 365 ngày trong năm.
Quan điểm cân bằng công việc với cuộc sống của ông Long cũng không phải là hiếm trong giới tỷ phú Việt Nam. Cách đây khá lâu, trong một cuộc trả lời phỏng vấn chủ tịch Thế giới di động cũng chia sẻ khá nhiều về cuộc sống đời thường của ông.
Là người xông xáo, nhanh nhẹn, vị doanh nhân này không chỉ giỏi kinh doanh mà còn khéo léo sắp xếp thời gian cho gia đình. Ông Tài thường dành thời gian cuối tuần cho các hoạt động thư giãn và nghỉ ngơi, đi bơi hay đạp xe cùng con.
“Tôi cùng thường dành thời gian đi du lịch nước trong nước ngoài để xem thiên nhiên, con người ra sao. Tôi đi rất nhiều dịp trong năm.“, ông Tài chia sẻ về sở thích du lịch của mình. Trong những dịp này, nhà sáng lập Thế giới di động cũng không ngại thử thách bản thân bằng những trò chơi mạo hiểm như nhảy dù.
“Tuy nhiên tôi cố gắng tách biệt công việc và giải trí“, ông Tài chia sẻ cách để cân bằng cuộc sống và công việc.
Ngoài ra trong thời gian rỗi ông thích đọc sách, đặc biệt là sách dạy về giá trị sống, dạy làm người.
“Nếu như 3 năm, 5 năm trước đây ai đó có cơ hội nói chuyện với anh Tài sẽ thấy anh này dữ dằn. Nói chuyện chỉ có thắng hoặc thua, đúng hoặc sai. Sau 1 thời gian đọc nhiều, chiêm nghiệm nhiều tôi thấy cuộc đời không chỉ có đúng sai. Đúng sai không có ý nghĩa nhiều vấn đề mình đem lại cho người khác là gì, mình đóng góp được gì. Điều đó mới là giá trị hạnh phúc đích thực“, ông Tài nói về sự thay đổi của chính bản thân mình như đọc sách.
Hay như mới đây, nữ tướng Nguyễn Thị Sơn- người sáng lập tập đoàn Sơn Kim cũng chia sẻ quan điểm cân bằng công việc và cuộc sống gia đình của một doanh nhân. Bà viết trong tâm thư gửi tới các học sinh, phụ huynh và giáo viên như sau:
“Tôi kể cho các anh chị nghe một chuyện mà tôi tự hào khi dạy con tôi mặc dù con tôi là người lớn: Con trai tôi làm giám đốc doanh nghiệp, việc kinh doanh phát triển nên rất bận rộn, cả ngày giải quyết công việc, tối lại phải đi tiếp khách, về đến nhà có khi 12 giờ đêm, phảng phất mùi rượu. Tôi thương con dâu, tối nào cũng thức chờ chồng, ở chung với mẹ chồng chịu đựng không dám lên tiếng nặng nhẹ với chồng. Lúc đầu tôi lớn tiếng hạch hỏi con trai, con trai tôi giải thích làm ăn thì phải tiếp khách. Tôi không chấp nhận lý lẽ này vì tôi cũng từng là giám đốc doanh nghiệp, tôi không tiếp khách đến nửa đêm sao công việc vẫn trôi chảy. Khách hàng cần mua hàng hoá tốt của nhà sản xuất để bán chứ đâu có cần ngồi uống rượu, tuy rằng thỉnh thoảng các đối tác cũng cần mời nhau bữa cơm thân mật để bày tỏ thiện chí trong hợp tác kinh doanh. Vì thế tôi yêu cầu con tôi dù bận cách mấy cũng phải về nhà trước 11 giờ khuya, sau 11 giờ không thấy về là tôi điện thoại nhắc nhở và ngồi chờ. Vài lần như thế thì con trai tôi không dám về trễ nữa.“
Mộc An–Theo Trí Thức Trẻ