Khi còn nhỏ, những con heo này con nào cũng có hình quả dưa với màu lông nâu sẫm và các sọc vàng chạy dọc thân.
Heo trắng được nuôi khá nhiều trong các trang trại chăn nuôi. Tuy nhiên, loại heo này hay bị bệnh, giá cả không ổn định, khó bán, khi bán thì hay bị ép giá. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là cám trong thời gian gần đây tăng cao, khiến người chăn nuôi lỗ nặng.
Để giảm thiểu những thiệt hại, nhiều gia đình đã luôn trăn trở và tìm hướng đi, phát triển nông nghiệp khác nhằm ổn định kinh tế gia đình và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Cặp vợ chồng người dân tộc thiểu số K’Ho là chị Ka Thoàn, anh K’Lâm, sống ở thôn Hàng Làng, xã Gung Ré, huyện Di Linh là một ví dụ điển hình. Tại địa phương, gia đình anh chị là một trong những hộ chăn nuôi có uy tín trong toàn xã, chuyên cung ứng heo đen giống bản địa và dê bách thảo lai.
Nói về việc “bén duyên” với nghề nuôi heo đen này, chị Ka Thoàn cho hay: “Trước đây, nhà nuôi heo trắng mà khó khăn quá, lứa bệnh, lứa giá xuống thấp, giá cám lại cao không thấy lãi lời gì. Giờ nhà chuyên nuôi heo đen giống và dê bán thịt thấy ổn định, thu nhập khá”.
Trại nhà anh chị có 5 heo nái mẹ sinh sản, 1 heo đực giống và trên 20 heo con sắp tới ngày xuất chuồng. Theo chị, heo nái mẹ là heo đen giống bản địa, lưng võng, mắn đẻ. Còn heo đực giống là heo rừng lai, gen rất mạnh khỏe. Một năm, heo nái mẹ đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 5-10 heo con.
Giống heo của gia đình chị Ka Thoàn mang đúng hình dáng của heo đen bản địa lai heo rừng. Khi còn nhỏ, con nào cũng có hình quả dưa với màu lông nâu sẫm và các sọc vàng chạy dọc thân. Chị Ka Thoàn cho biết, khi heo con đạt khoảng 20 kg, các sọc vàng sẽ biến mất dần, heo biến màu thành đen giống heo cha mẹ.
Heo đen là loại vật nuôi có sức đề kháng tốt, không kén thức ăn, dễ nuôi, dễ thích nghi với mọi điều kiện sống, nhất là những nơi rộng rãi, thoáng mát. Chuồng nuôi cần có mái che, các chuồng liền kề nhau, có khoảng trống giúp heo có thể có không gian sưởi nắng.
Về thức ăn, dù là loài động vật không kén ăn, tuy nhiên nếu chế độ ăn không đảm bảo, heo sẽ dễ mắc bệnh, nhất là tiêu chảy. Thức ăn cho heo đen gồm có các loại rau xanh, ngô, sắn… Ngoài ra, có thể bổ sung men ủ vi sinh để làm chín thức ăn tự nhiên, giúp heo hấp thụ thức ăn tốt nhất.
Khi cho heo ăn, tốt nhất chia thành 2 bữa với lượng thức ăn cân đối với độ tuổi heo. Tại trang trại nhà chị Ka Thoàn, gia đình thường cho ăn thân chuối rừng, thân khoai, cỏ voi, thêm chút ít cám tổng hợp. So với heo trắng anh chị từng nuôi thì lượng ăn của heo đen rất ít, chi phí thấp.
Tuy nhiên, chị Ka Thoàn cũng chia sẻ: “Heo đen nhà em nuôi bán thả rông, gia đình vây một khoảnh vườn để thả heo và có một dãy chuồng. Tối đến là bầy heo tự động vào chuồng, rất dễ nuôi. Nhưng gia đình cũng đảm bảo bầy heo được tiêm vắc xin đầy đủ theo lời khuyên của cán bộ thú y, như là tiêm ngừa tiêu chảy. Bởi tiêm đầy đủ nên heo không bệnh, heo mẹ, heo con đều khỏe mạnh, mau lớn”.
Loại heo đen này chậm lớn hơn heo trắng nhưng khi bán lại được giá hơn. Heo mang thai 2,5 tháng, nuôi 3 tháng là bầy heo con có thể xuất chuồng. Vì vậy mỗi năm, trại heo nhà anh chị có thể xuất chuồng khoảng 100 heo con nuôi làm giống. Một năm chị bán 2 đợt heo con, mỗi đợt 70 triệu, trừ chi phí còn lời 100 triệu.
Ngoài nuôi heo giống, gia đình chị Ka Thoàn còn nuôi bầy dê bách thảo lai với hình thức nuôi thả. Sáng sớm, chỉ cần mở cửa chuồng, bầy dê tự lên núi kiếm ăn, nhặt lá, nhặt củ, mầm. Tầm 4h chiều, con đầu đàn tự dẫn cả bầy vào chuồng.
Mỗi năm, bầy dê cho xuất chuồng 15 dê thịt với trọng lượng trung bình 30 kg/con. Bầy dê bán khoảng 15 con, trung bình hơn 2 tấn thịt với giá 150.000 đồng/kg. Tổng chung, chuồng heo và bầy dê, anh chị thu từ 150 – 200 triệu đồng/năm.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị