Không chỉ với câu chuyện kinh doanh, đây là những bài học cô áp dụng trong cả tài chính cá nhân.
Khi Rebecca VanderKooi ở tuổi thiếu niên, cô quyết định dấn thân vào một lĩnh vực mà ở thời đó những người đồng trang lứa chưa ai từng làm. Đó chính là startup – thành lập một công ty chuyên về tổ chức sự kiện với những chú ngựa nhỏ.
Cô đã điều hành công việc kinh doanh của mình trong gần 3 năm. Sau đó, do quá bận rộn với các khoá học ở đại học, cô quyết định đóng cửa doanh nghiệp của mình. Song, Rebecca chia sẻ rằng cô không hề hối tiếc về quãng thời gian lập nghiệp khi còn rất trẻ.
Kinh nghiệm này đã dạy cô rất nhiều về lập ngân sách và tiết kiệm. Những bài học đó đã theo cô cho đến hôm nay khi đã trưởng thành.
- Theo dõi tất cả khoản thu nhập và chi tiêu của bạn
Trong quá trình kinh doanh, Rebecca nhận ra tầm quan trọng của một bản báo cáo trực quan về doanh thu, chi phí và lợi nhuận. Từ đó, cô luôn lưu giữ và phân loại số liệu liên quan đến tiền bạc chi tiết và cẩn thận.
Khi mới bắt đầu kinh doanh, cô chỉ xem xét các khoản chi phí lớn như bảo hiểm, thức ăn cho ngựa và các khoản mua lớn khác. Tuy nhiên, sau đó cô đã gặp nhiều rắc rối liên quan đến tiền bạc khi kinh doanh. Cô bắt đầu nhận thấy giá trị của việc phân loại và liệt kê tất cả các chi phí, bất kể nhỏ đến mức nào.
Cho đến khi Rebecca bắt đầu tính tất cả chi phí nhỏ để duy trì công việc kinh doanh của mình, cô nhận ra trước đó bản thân đã có một bức tranh về thu nhập thiếu tính chính xác.
Điều này đã ảnh hưởng đến cách cô lập ngân sách. Khi đã trưởng thành như bây giờ, cô cũng cố gắng lưu giữ và ghi chú rõ ràng trong chuyện lập ngân sách và theo dõi chi tiêu cá nhân.
- Lập ngân sách hàng tháng và hàng năm
Là một chủ doanh nghiệp tuổi teen, Rebecca tự nhận rằng mình không có nhiều kinh nghiệm khi bắt đầu. Song, khi cô hiểu hơn về ý nghĩa của việc lập ngân sách, nó đã hoàn toàn thay đổi cách cô nhìn nhận về tài chính.
Trong vài tháng đầu, có một vấn đề lặp đi lặp lại là cô chi tiêu quá mức, vượt ngân sách riêng dành cho công việc kinh doanh. Sau đó, cô đã sử dụng tiền từ tài khoản cá nhân để thanh toán mọi thứ. Do vậy, Rebecca bắt đầu ý thức rằng cô phải tự xoay dòng tiền từ công việc kinh doanh chứ không phải lấy tiền cá nhân bù vào.
Với ý nghĩ đó, cô đã lập ngân sách sao cho đáp ứng được mục tiêu của mình. Thách thức lớn nhất là thu nhập hàng tháng từ công việc kinh doanh phụ thuộc vào số lượng cũng như loại sự kiện công ty nhận được. Cô cũng cần tính đến các khoản chi phí kinh doanh hàng năm như khám bệnh định kỳ cho những chú ngựa, cỏ khô và bảo hiểm.
Cuối cùng, Rebecca giữ ngân sách ở mức phù hợp. Tiết kiệm những gì có thể kiếm được trong những tháng thuận lợi cho các khoản chi tiêu lớn hàng năm hoặc đưa nó vào quỹ khẩn cấp.
Theo đó, cô giữ chi phí hàng tháng của mình là 4.5 triệu. Rebecca tính phí 3.5 triệu cho mỗi sự kiện kéo dài 1 giờ. Vì vậy, chỉ cần 2 sự kiện mỗi tháng để cô duy trì hoạt động kinh doanh của mình.
- Luôn có quỹ khẩn cấp
Khi một trong những con ngựa nhỏ của cô bị ốm nặng, cô cần phải đưa nó đến bác sĩ thú y cấp cứu. Rất may, nó đã sống sót, nhưng “ví tiền” của cô thì đã cạn kiệt khi nhận hóa đơn chữa trị lên tới 35 triệu đồng.
Vào thời điểm đó, công việc kinh doanh còn mới và chưa kiếm được nhiều tiền. Rebecca lúc đó mới tuổi teen, vì vậy cô cũng không có đủ tiền để xoay sở. Cô đã phải dùng quỹ đại học của mình để trả hoá đơn.
Sau đó, Rebecca biết mình cần một quỹ khẩn cấp . Nếu trường hợp tương tự xảy ra một lần nữa, cô có thể trang trải khoản phí đó mà không cần động đến những quỹ tiền khác.
Ảnh: Tổng hợp-Theo Rika-Pháp luật bạn đọc