Đế quốc Khmer hay Đế quốc Angkor là đế quốc rộng lớn nhất Đông Nam Á với diện tích lên đến 1,2 triệu km², bao gồm cả Myanmar, Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia, và vùng Nam bộ thuộc Việt Nam ngày nay. Trong khi đó, diện tích của Đại Việt thời nhà Lý chưa đến 111.000 km².
Nếu so về diện tích thì Đại Việt quá bé nhỏ, nhưng nền văn minh Đại Việt thời điểm đó không hề thua kém. Thời nhà Lý thuộc giai đoạn phát triển rực rỡ trong sử Việt với niềm tin tín ngưỡng là nền tảng cho sự phát triển.
Đế quốc Angkor cực thịnh
Di sản lớn nhất của đế quốc Angkor là kinh đô Angkor Wat. Năm 2007 các nhà nghiên cứu trên thế giới đã kết luận rằng Angkor là thành phố thuộc thời kỳ tiền công nghiệp lớn nhất thế giới với diện tích 1.150 dặm vuông. Thành phố cạnh tranh tiêu chí này gần nhất với Angkor là thành phố Tikal của văn hóa Maya ở Guatemala, có tổng diện tích khoảng 50 dặm vuông.
Năm 1113, vua Suryavarman II của đế quốc Angkor lên ngôi, đây được xem là một trong những vị Vua vĩ đại nhất của đế quốc này. Kinh đô Angkor Wat được khởi công xây dựng, là quần thể kiến trúc mang tầm cỡ thế giới đương thời.
Với sự hưng thịnh của mình, vua Suryavarman II liên tiếp tổ chức những cuộc hành quân xâm lấn các nước láng giềng để bành trướng lãnh thổ, vùng đất phía tây Chiêm Thành cũng liên tục bị tấn công cướp phá. Tham vọng bành trướng của vua vua Suryavarman II hầu như không có điểm dừng, và Đại Việt cũng nằm trong số đó.
Đại Việt cực thịnh
Lúc này Đại Việt đặt dưới sự cai trị của vua Lý Nhân Tông. Dù đất nước bị kẹt giữa gọng kìm là liên minh Tống – Chiêm, nhưng dưới sự phò tá của Lý Thường Kiệt, Đại Việt đã phá Tống – bình Chiêm, phá tan liên minh gọng kìm này. Nhà Vua là người mộ Đạo, dùng Phật Pháp để giáo hóa dân chúng, khiến Giang Sơn thái bình, Xã Tắc ổn định.
Giáo dục Đại Việt được phát triển mạnh. Năm 1075 đánh dấu kỳ thi khoa bảng đầu tiên bằng khoa thi “Tam trường” để chọn Minh kinh Bác học, Trạng nguyên Lê Văn Thịnh chính là Trạng nguyên khoa bảng đầu tiên của Đại Việt.
Năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho xây dựng trường Quốc Tử Giám bên cạnh Văn Miếu, đây được xem là trường đại học đầu tiền của Việt Nam. Rất nhiều nhân tài giúp Giang Sơn Xã Tắc giàu mạnh đều xuất thân từ ngôi trường này. Đại Việt nhờ đó mà phát triển cực thịnh, sẵn sáng chống trả những cuộc xâm lăng của đế quốc Khmer hiếu chiến.
Lần tấn công thứ nhất
Ngày 4 tháng Chạp năm Đinh Mùi 1127, vua Lý Nhân Tông mất, Lý Thần Tông lên nối ngôi khi mới 12 tuổi. Nghe tin vua Đại Việ mất, vua mới lại còn nhỏ tuổi, vua Suryavarman II cho rằng thời cơ đã đến liền nhanh chóng cất quân chinh phục Đại Việt.
Tháng 2/1128, Đế quốc Angkor huy động hơn 2 vạn quân tiến đánh Đại Việt. Quân Khmer tiến đến bến Ba Đầu, châu Nghệ An.
Nghệ An là vùng biên giới phía nam nên được bố trí phòng thủ kỹ càng, trước sự tấn công của quân Khmer, quân Đại Việt Nghệ An vừa ra sức phòng thủ vừa cho báo tin gấp về Kinh thành. Vua sai Thái phó Lý Công Bình lĩnh cấm quân (quân tinh nhuệ) phối hợp cùng quân ở châu Nghệ An đánh giặc.
Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép rằng:
“Mậu Thân, Thiên Thuận năm thứ 1[1128]. Mùa xuân, tháng giêng… Ngày Giáp Dần, hơn hai vạn người Chân Lạp vào cướp bến Ba Đầu ở châu Nghệ An. Xuống chiếu cho Nhập nội thái phó Lý Công Bình đem các quan chức đô cùng người châu Nghệ An đi đánh”.
Chỉ chưa đầy 1 tháng, Lý Công Bình đã đánh quân Khmer tan tác, bắt được tướng giặc, cho người báo tin mừng về Kinh thành.
Vào ngày đinh mão tháng 2 năm 1128, khi các quan đang dâng biểu mừng Vua mới lên ngôi cũng là ngày nhận tin báo thắng trận từ Nghệ An.
Lần tấn công thứ hai
Bị thua đau ở Đại Việt, vua Suryavarman II quyết tâm tiến đánh phục thù.
Sau hơn nửa năm chuẩn bị, tháng 8/1128 đế quốc Angkor huy động đội quân đông hơn lần trước nhiều lần cùng 700 chiến thuyền tiến đánh Đại Việt. Quân Khmer tiến đến hương Đỗ Gia thuộc châu Nghệ An (nay thuộc Hà Tĩnh).
Phía Đại Việt đã đoán trước quân Khmer thua trận sẽ lại tiến sang, nên đã cử tướng Dương Ổ ở châu Nghệ An, Nguyễn Hà Viêm đóng ở Thanh Hóa đưa quân đón đánh, quân Khmer một lần nữa bị đánh tan.
Dù thua trận, nhưng vua Suryavarman II muốn ỷ thế nước lớn gửi tới vua Lý Thần Tông một phong quốc thư, yêu cầu Đại Việt cử sứ giả đến, nhưng phía Đại Việt không trả lời. Điều này cho thấy Đại Việt không hề sợ Angkor dù Đế quốc này thu phục nhiều nước khác khiến lân bang phải e sợ.
Sau thất bại này, vua Suryavarman II không hề từ bỏ ý định Đánh Việt, để chuẩn bị cho lần tấn công thứ 3 này, Đế quốc Khmer phải mất 4 năm, phối hợp cùng quân Chiêm Thành cùng tiến đánh Đại Việt.
Cuộc chiến lần thứ ba và lần thứ tư
Sau 4 năm chuẩn bị, mùa thu năm 1132, vua Suryavarman II quyết định tiến đánh Đại Việt lần thứ 3, lệnh cho vua Chiêm Thành là Jaya Indravarman III phải đem binh thuyền đến hỗ trợ.
Liên quân Khmer – Chiêm Thành theo đường biển tiến đến Nghệ An, chiến trận lan đến Thanh Hóa. Nhưng cuộc chiến đã được định đoạt khi Thái úy Dương Anh Nhĩ dẫn thêm quân từ Triều đình đến đánh bại quân Khmer.
Sau thất bại này Đế quốc Angkor tạm thời không nghĩ đến việc thôn tính Đại Việt nữa, năm 1135 còn cử sứ giả đến bang giao với Đại Việt.
Nhưng năm 1135-1136, các đại thần trụ cột trong triều đình Đại Việt là Thái úy Dương Anh Nhĩ, Thái sư Trương Bá Ngọc (tên thật là Lê Bá Ngọc), Lưu Khánh Đàm lần lượt qua đời, trấn thủ Nghệ An là Mâu Du Đô bị bãi chức.
Nhận thấy đây là cơ hội tốt, vua Suryavarman II lại sai tướng Phá Tô Lăng đem quân tấn công Đại Việt, lệnh cho Chiêm Thành cử quân phối hợp. Thế nhưng Chiêm Thành quá mệt mỏi vì chiến tranh, nên phút cuối cùng đã không đưa quân tham chiến.
Năm 1137, tướng Phá Tô Lăng cùng quân Khmer tiến đến Nghệ An, sử sách ngày nay không còn nguồn nào ghi rõ số quân Khmer tiến đánh.
Nhận tin cấp báo vua Lý Thần Tông xuống chiếu cử Thái úy Lý Công Bình dẫn quân đến đánh, quân Khmer lần thứ 4 chịu thảm bại, tướng Phá Tô Lăng cho quân rút lui, từ đó không dám vô cớ đánh Đại Việt nữa.
Angkor tiến đánh Chiêm Thành
Năm 1143 vua Angkor Suryavarman II lấy cớ Chiêm Thành không chịu đưa quân trợ giúp đánh Đại Việt, nên đưa quân tiến đánh Chiêm Thành. Vua Chiêm Thành là Jaya Indravarman III cùng toàn quân nỗ lực chống lại quân Khmer.
Cuộc chiến dai dẳng suốt 2 năm, Kinh đô Đồ Bàn (thành phố Quy Nhơn, Bình Định ngày nay) bị lọt vào tay quân Khmer. Trong một cuộc chiến ác liệt, vua Chiêm bị mất tích (có nguồn sử cho rằng nhà vua bị tử trận).
Triều thần tôn hoàng thân Parabrahman lên ngôi, lấy hiệu là Rudravarman IV. Lúc này Chiêm Thành kiệt quệ không thể chống lại quân Khmer, vua Rudravarman IV cùng gia đình và các triều thần chạy sang Đại Việt lánh nạn. Toàn bộ Chiêm Thành rơi vào tay Đế quốc Angkor.
Với sự giúp đỡ của Đại Việt, vua Rudravarman IV trở về Chiêm Thanh đến vùng cao nguyên dựa vào người Thượng rồi phát động khởi nghĩa, Người Champa và người Khmer theo rất đông.
Qua thời gian dài giao chiến, quân Chiêm Thành dần dần chiếm lại được Kinh thành Đồ Bàn cùng phần lớn lãnh thổ, nhưng quân Khmer vẫn chiếm đươc phần đất phía bắc nơi giáp với biên giới Đại Việt.
Cuộc chiến lần năm
Lúc này ở Đại Việt, vua Lý Thần Tông mất vào năm 1138, vua Lý Anh Tông lên ngôi nhưng còn rất nhỏ tuổi. Bấy giờ Linh Chiếu Hoàng thái hậu tư thông với Đỗ Anh Vũ và để ông ta làm Phụ quốc Thái úy, trở thành quyền thần bậc nhất trong triều đình. Để dễ bề thao túng Triều đình, Đỗ Anh Vũ dùng quyền lực của mình giết hại trung lương, nhà Lý bắt đầu bước vào giai đoạn suy thoái.
Năm 1140 – 1141 diễn ra cuộc nổi dậy của Thân Lợi, khiến nhà Lý phải vất vả dẹp loạn. Điều này đã làm khơi dậy ý muốn tấn công Đại Việt của vua Suryavarman II.
Sau thời gian dài chuẩn bị kỹ càng, năm 1150 quân Khmer tổ chức tấn công Đại Việt lần thứ 5, ngoài bộ binh và thủy binh, có cả có tượng binh.
Bản đồ cuộc tấn công của quân Khmer vào năm 1150. Quân Khmer còn được gọi là quân Chân Lạp. Năm 802, vua Chân Lạp đổi tên lãnh thổ của mình thành Đế quốc Khmer. (Ảnh từ nghiencuulichsu.com)
Dù nhà Lý đã suy yếu hơn, nhưng thời tiết đã chống lại quân Khmer. Khi đến núi Vụ Thấp (tức núi Vụ Quang ở huyện Hương Sơn tĩnh Hà Tĩnh ), quân Khmer gặp phải lam chướng, nắng nóng ẩm thấp mà chết rất nhiều. Vua Suryavarman II cũng chết tại đây, khiến toàn quân Khmer tan rã.
Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép như sau: “Canh Ngọ [1450], Đại Định năm thứ 11… Mùa xuân, tháng 3, hạn. Mùa thu, tháng 7 hạn. Tháng 9, người Chân Lạp cướp châu Nghệ An, đến núi Vụ Thấp gặp nắng nóng ẩm thấp, phần nhiều chết vì lam chướng bèn tự tan vỡ”.
Người Khmer vốn tự vào về Angkor Wat cùng vua Suryavarman II. Các nhà sử học khi nghiên cứu các văn khắc trên bia đá ở Angkor Wat đều cho thấy vua Suryavarman II từng mang quân chinh phục Chiêm Thành và Đại Việt. Nhưng không có một hòn đá nào ghi lại ngày tháng năm cũng như cái chết của vị Vua này khi tiến đánh Đại Việt.
Cùng với chiến công đánh Tống, bình Chiêm, 5 lần đánh bại Đế quốc Angkor là chiến công vang dội của thời nhà Lý, đánh dấu một thời văn minh rực rỡ của Đại Việt.
Trần Hưng