Các nước NATO sẽ nhất trí cung cấp bộ dụng cụ đặc biệt để bảo vệ Ukraine trước bất kỳ cuộc tấn công hóa học, sinh học hoặc hạt nhân, nhân hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp trong ngày 24-3 (giờ địa phương).
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng yêu cầu Nga ngừng hành động đe dọa hạt nhân và lặp lại cảnh báo rằng Điện Kremlin có thể đang “kiếm cớ” để sử dụng vũ khí phi truyền thống khi chiến dịch quân sự tại Ukraine chuẩn bị bước sang tháng thứ 2.
Người đứng đầu NATO từ chối tiết lộ chính xác những gì sẽ được cung cấp cho Ukraine nhưng nhiều khả năng những thiết bị này bao gồm mặt nạ phòng độc và trang phục bảo hộ.
Hôm 22-3, người phát ngôn của Tổng thống Nga Dimitry Peskov nói rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Moscow nhận thấy “có mối đe dọa đến sự tồn vong”. Tổng thư ký NATO Stoltenberg mô tả các bình luận của Nga là “nguy hiểm và vô trách nhiệm”.
Ông Stoltenberg thừa nhận NATO “lo ngại về khả năng sử dụng vũ khí hóa học hoặc vũ khí sinh học” ở Ukraine, một phần vì tuyên bố sai lầm cho rằng Ukraine được hỗ trợ bởi các đồng minh NATO đang sản xuất và chuẩn bị cho việc sử dụng vũ khí hóa học.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy dự kiến sẽ hội đàm trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và các nhà lãnh đạo NATO trong ngày 24-3. Các lãnh đạo Mỹ và phương Tây nhóm họp ở Brussel để thảo luận về các biện pháp quân sự tiếp theo đối với cuộc khủng hoảng đang diễn ra.
Ông Stoltenberg cũng đã nhanh chóng loại bỏ mọi khả năng can dự quân sự trực tiếp tại Ukraine. Điện Kremlin cảnh báo các nước thành viên NATO không nên triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine khi cho rằng điều đó có thể dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.
Ông Peskov hôm 23-3 cảnh báo động thái triển khai lực lượng của NATO nếu diễn ra sẽ là một “quyết định liều lĩnh và cực kỳ nguy hiểm”.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại NATO cho biết liên minh quân sự này đang cân nhắc đóng quân vĩnh viễn dọc theo sườn phía Đông. Theo tờ Guardian, tổng thư ký NATO cho hay liên minh này dự định sẽ tăng cường điều động binh sĩ đến các nước thành viên phía Đông nhằm đối phó với khả năng tấn công bất ngờ.
Dự kiến lãnh đạo các nước thành viên tại cuộc họp thượng đỉnh bất thường trong ngày 24-3 sẽ đồng ý về việc tăng cường bố trí lực lượng lục quân, không quân và hải quân.
Ông Stoltenberg cho hay bước đầu là việc điều động 4 nhóm tác chiến mới của NATO đến Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia.
Theo Người lao động