Hôm nay tôi sẽ kể về 4 nhân viên xuất sắc nhất trong 200 nhân viên trước đây của mình, có thể họ không quá “to tác” gì nếu so với những “ông lớn” hiện nay, nhưng ít ra tôi đã chính mắt quan sát được sự phát triển của họ trong suốt một chặng đường dài, vì thế những gì tôi chia sẻ sau đây chắc chắn sẽ có giá trị tham khảo thực tế rất cao.
Họ nổi bật trong môi trường bình thường, và đạt được một chiến thắng bình thường, có lẽ những câu chuyện này sẽ có thể truyền cảm hứng cho bạn.
1. Kiên định
Khổng Lâm hiện là trưởng nhóm kinh doanh của một công ty nằm trong danh sách Fortune 500. Lúc đầu gặp mặt, tôi không mấy đề cao cậu ấy lắm, Khổng Lâm học vấn rất thấp, nói chuyện thì không rõ ràng trôi chảy. Nhưng, trong 10 năm, cậu ấy đã dùng chính thành tích của mình để phá vỡ định kiến của tôi.
Khi mới vào nghề môi giới bảo hiểm, cậu ấy đã phải rất vất vả để sinh tồn, nguồn thu nhập chủ yếu đều từ những đơn hàng nhỏ. Thậm chí còn phải ngủ trên ghế tựa công viên vào những khi xui rủi nhất.
Sau 3 năm theo nghề, cuối cùng cậu ấy cũng đã “câu” được một đơn hàng lớn, kể từ đó mới có thể “cá chép hóa rồng”.
Đơn hàng đó là của một công ty lớn, để mò vào được trong đó đã là một chuyện rất bất khả thi rồi, huống chi là có thể ngồi lại thuyết phục họ mua bảo hiểm. Vì thế nên hầu hết mọi người đều chọn rút lui.
Còn Khổng Lâm thì lại kiên trì bám riết không buông như một cái bã kẹo cao su. Cách 3 hoặc 5 ngày thì cậu ấy lại đến công ty đó 1 lần, các dịp lễ tết thì đều đều đặn gửi tặng lịch treo tường, v.v.
Sự xuất hiện liên tục không ngừng nghỉ của cậu ấy đã khiến cho khách hàng nhớ mãi “không được phép quên”. Kiên trì một lần là tốn tận 3 năm trời, cuối cùng Khổng Lâm đã gặt được quả do mình gieo trồng.
Cụ thể là công ty đó cần mua bảo hiểm thiết bị cho lô hàng mới gấp, nhưng không may hôm đó lại là ngày thứ 7, chủ nhật, công ty bảo hiểm mà họ thường mua không chịu tăng ca nên tổng giám đốc mới đành hỏi thử Khổng Lâm. Khổng Lâm lúc đó đã lập tức đồng ý tăng ca, vì thế đã giành được đơn hàng lớn này.
Vì những trải nghiệm này, Khổng Lâm càng thêm kiên định về chiến lược “kẹo cao su” của mình, cậu ấy còn phát minh ra một khái niệm gọi là “hiệu ứng điểm đứt”.
Có nghĩa là dù mối quan hệ giữa khách hàng và đối thủ cạnh tranh có tốt đến đâu và sản phẩm có chất lượng đến mấy, miễn là thời gian mình đeo bám đủ lâu thì sẽ có “điểm đứt”, đủ lâu thì sẽ có sơ hở và cơ hội.
2. Khéo léo, tinh tế
Vương Nhất hiện là tổng giám đốc của một công ty ô tô mô hình 4S. Trước đây thì công ty này là khách hàng của cậu ấy.
Vương Nhất linh hoạt hơn Khổng Lâm rất nhiều, cậu ấy rất hay nói, là người mà mọi người đều yêu thích. Đặc điểm lớn nhất của Vương Nhất là rất tinh tế, biết cách chăm sóc người khác và chu đáo y như một người phụ nữ.
Một lần chúng tôi lái xe đường dài đưa một khách hàng có hơi lớn tuổi đến Trung Quốc để công tác. Trời lạnh nên khách nói muốn uống chút nước nóng, nhưng ở cái nơi “khỉ ho cò gáy” này thì nước nóng ở đâu ra?
Rất khó khăn chúng tôi mới đến được một khu dịch vụ, thấy có nước nóng, tôi liền đến lấy thì phát hiện không có ly, khiến tôi lúng túng một phen. Vương Nhất nói trời lạnh quá, bảo tôi và khách lên xe chờ trước, để cậu ấy đi tìm cách. Cậu ấy mua một chai trái cây ngâm lớn, đổ trái cây ra, sau đó tráng chai thủy tinh rồi đổ đầy nước nóng vào. Tôi cũng tìm được mấy tấm khăn tay úp vào chai để cách nhiệt. Vị khách hàng kia uống một ngụm nước nóng liền khen chúng tôi thật chu đáo.
Vương Nhất cũng đã phát huy hết thế mạnh này của mình, nên đã hòa hợp rất tốt với OEM, cửa hàng bán hàng và nhân viên các cấp. Chắc cũng vì đặc điểm này nên chủ tịch công ty ô tô kia mới mời cậu ấy sang làm việc như hiện nay.
3. Giỏi tích hợp
Lưu Ninh hiện đang khởi nghiệp, chủ yếu là cho vay ngành chăn nuôi. Cậu ấy không thích nói chuyện, nhưng lại rất thông minh và quyết đoán.
Tôi đã từng làm việc với cậu ấy với tư cách là giám đốc sản phẩm. Sau này, Lưu Ninh đến quản lý một công ty bảo hiểm nông nghiệp, rồi chuyển sang kinh doanh riêng, chuyên cho các chủ chăn nuôi vay các khoản nhỏ.
Bởi vì ngành kinh doanh này rất rủi ro nên có rất ít người sẵn sàng tham gia. Tuy nhiên, Lưu Ninh đã tạo ra một hệ thống chặt chẽ bằng cách tích hợp chủ chăn nuôi, công ty bảo hiểm, nhà máy thức ăn chăn nuôi và công ty của chính mình lại.
Chủ chăn nuôi đã dùng gia súc thế chấp để vay tiền của công ty Lưu Ninh, công ty Lưu Ninh cũng hoạt động như một đại lý bảo hiểm, song song khoản vay, cậu ấy cũng thu một khoản phí bảo hiểm nhất định từ chủ vật nuôi, do đó rủi ro chết của vật nuôi cũng có thể được giải quyết.
Đồng thời, xét thấy khoản vay nếu trực tiếp đưa cho chủ hộ chăn nuôi thì có khả năng họ sẽ lạm dụng nó để dùng cho việc khác, nên khoản vay được công ty đưa trực tiếp cho nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tương ứng và chủ hộ chăn nuôi chỉ được dùng số tiền này để mua thức ăn chăn nuôi mà thôi.
Hơn nữa, để ngăn chặn trường hợp chủ chăn nuôi sử dụng vật nuôi chưa được mua bảo hiểm để làm giả bồi thường, Lưu Ninh còn đưa vào một công nghệ cao, gọi là “công nghệ nhận dạng khuôn mặt vật nuôi”, nó có thể nhanh chóng xác định “danh tính của con vật”.
Tôi hỏi cậu ấy: “Cậu đầu tư lớn như vậy, liệu có chắc là kiếm được tiền không?”
Lưu Ninh nói: “Tất nhiên, bảo hiểm và xưởng thức ăn chăn nuôi đều phải nộp phí đại lý, chỉ riêng những khoản thu nhập này thì cũng kiếm được kha khá rồi…”
Thành thật mà nói, tôi khá ngưỡng mộ Lưu Ninh, anh ấy có thể kết nối nhiều lĩnh vực không liên quan với nhau một cách chặt chẽ, đó là một tài năng hiếm có. Đây là thời đại của sự tiện ích, nếu bạn có thể tích hợp nhiều thứ lại với nhau, thì bạn sẽ đạt được thành công to lớn.
4. Có mục tiêu rõ ràng
Dương Quân là một doanh nhân trẻ, công ty của cậu ấy được một tổ chức đầu tư nổi tiếng nhìn trúng, hiện đang trong giai đoạn cấp vốn vòng C.
Cậu ấy tốt nghiệp chuyên ngành tin học, thuộc tuýp người dám làm dám chịu và rất quyết đoán. Tôi đã rất ấn tượng ngay từ lần đầu gặp mặt.
Lúc đó, tôi đang viết email thì nhân viên lễ tân đưa Dương Quân đến và nói rằng cậu ấy muốn xin việc ở bộ phận của tôi. Xem sơ yếu lý lịch của cậu ấy thì là: “Cử nhân khoa học máy tính, thạc sĩ khai thác dữ liệu, 2 năm làm việc tại một ngân hàng lớn…”
Tôi hơi ngạc nhiên hỏi cậu ấy, chuyên môn giỏi như vậy thì nên vào công ty internet, sao lại vào công ty bảo hiểm?
Dương Quân nói: “Tôi đang tìm kiếm điểm chung giữa ngành tài chính và web di động, vì muốn nghiên cứu một mô hình kinh doanh để khởi nghiệp. Vì vậy, sau khi làm việc trong một ngân hàng trong 2 năm, tôi muốn làm tại một công ty bảo hiểm thêm 2 năm nữa, để hiểu rõ hơn về hệ thống tài chính.”
Tôi rất ngạc nhiên bởi sự thẳng thắn của cậu ấy, bởi vì công ty nào không muốn nhân viên trung thành?
Nhìn thấy sự do dự của tôi, cậu ấy nói: “Xin anh đừng lo lắng, tôi có thể đảm bảo sẽ chuyên tâm làm việc trong 2 năm này, nhất định sẽ mang lại giá trị cho anh.”
Giọng điệu của cậu ấy rất kiên định và trầm ổn, tạo cho người nghe một sự tin tưởng vô điều kiện.
Kết quả đúng như lời cậu ấy nói, trong vòng hai năm, cậu ấy đã tạo ra doanh thu hàng tỷ bạc cho công ty. Và tất nhiên, sau cùng cậu ấy cũng đã tìm ra mô hình kinh doanh, khởi nghiệp theo đúng ý tưởng của riêng mình và gặt hái được nhiều thành công, mở chi nhánh ở nhiều nơi.
Theo Trần Anh–Doanh nghiệp và tiếp thị