Nhiều quốc gia đang mở rộng các chương trình tiêm mũi tăng cường hoặc rút ngắn khoảng cách giữa các mũi tiêm khi các chính phủ nỗ lực chống lại biến thể Omicron. Một số nước cũng đang triển khai tiêm liều thứ tư trong bối cảnh lo ngại về khả năng bảo vệ của vaccine suy yếu.
Liều vaccine Covid-19 thứ tư có thực sự cần thiết?
Ngày 15/3, Pfizer và BioNTech đã yêu cầu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cho phép tiêm mũi vaccine thứ tư của họ cho những người từ 65 tuổi trở lên. Albert Bourla, Giám đốc điều hành của Pfizer, tin rằng mọi người sẽ cần liều vaccine thứ tư để ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2.
Để cho phép tiêm mũi thứ tư , FDA Mỹ sẽ xem xét các dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy khả năng miễn dịch do vaccine cung cấp đang suy yếu, điều này có thể khiến mọi người dễ bị ảnh hưởng hơn bởi các tác động nghiêm trọng của Covid-19.
Dữ liệu gần đây do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố cho thấy, khả năng ngăn ngừa nhập viện do Covid-19 đã suy giảm ngay cả sau khi tiêm mũi tăng cường của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna.
Từ tháng 8/2021 đến tháng 1/2022, khoảng thời gian xảy ra các đợt bùng phát của cả biến thể Delta và Omicron, mũi vaccine tăng cường ngăn ngừa khả năng nhập viện 91% trong 2 tháng đầu tiên sau tiêm, nhưng giảm xuống còn 78% trong 4 tháng sau tiêm.
“Chúng tôi không biết khả năng ngăn ngừa nhập viện sẽ là bao nhiêu trong 6 tháng, 7 tháng hoặc 8 tháng sau khi tiêm mũi thứ ba. Liệu 78% có giảm xuống 60%, 50% hay 40% không?”, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, nói.
“Vì lý do đó, chúng ta cần xem xét nghiêm túc về việc tiêm mũi thứ tư cho người cao tuổi và những người có một số bệnh nền nhất định”, ông Fauci nêu rõ.
CDC đã khuyến nghị liều vaccine mRNA thứ tư cho những người có suy giảm hệ miễn dịch, bao gồm bệnh nhân cấy ghép và đang điều trị ung thư.
Trong những tháng gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, việc sử dụng liệu trình vaccine chính, thay vì mũi tăng cường, nên được ưu tiên. Bên cạnh đó, WHO cũng khuyến nghị tiêm mũi tăng cường cho những người có vấn đề về sức khỏe.
Nhiều quốc gia đang mở rộng các chương trình tiêm mũi tăng cường hoặc rút ngắn khoảng cách giữa các mũi tiêm khi các chính phủ nỗ lực chống lại biến thể Omicron. Một số nước cũng đang triển khai tiêm liều thứ tư trong bối cảnh lo ngại về khả năng bảo vệ của vaccine suy yếu.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một liệu trình vaccine ban đầu, thường bao gồm 2 mũi tiêm, có thể không đủ để ngăn chặn sự lây nhiễm từ Omicron, nhưng một mũi tiêm tăng cường có thể sẽ giúp ích.
Cách các nước triển khai tiêm mũi vaccine thứ tư
Ngày 22/1, khi số ca mắc Covid-19 và số ca nhập viện tăng lên, Israel đã cho phép tiêm liều thứ tư của vaccine mRNA Pfizer-BioNTech cho nhân viên y tế, những người trên 60 tuổi và người làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao.
Quyết định này được đưa ra dựa trên dữ liệu ban đầu của Bộ Y tế Israel và các nhà nghiên cứu cho thấy, trong số gần 1 triệu người trên 60 tuổi đã tiêm chủng, liều vaccine thứ tư ngăn ngừa khả năng lây nhiễm gấp 2 lần và khả năng mắc bệnh nặng gấp 3 lần so với những người tiêm 3 mũi vaccine.
Từ ngày 8/2, Bỉ đã bắt đầu gửi lời mời tiêm liều thứ tư vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna cho những người bị suy giảm khả năng miễn dịch.
Thông báo của Bộ Y tế vùng Flanders nêu rõ mũi tiêm thứ tư được áp dụng cho những người đã tiêm liều thứ ba hồi tháng 9/2021. “Tại vùng Flanders, sẽ có khoảng 200.000 người được mời tiêm liều vaccine thứ 4. Đối với những người có hệ miễn dịch yếu, mũi thứ 3 được coi là bước hoàn thành lịch tiêm chủng cơ bản. Liều thứ 4 được coi là liều tăng cường của họ”. Bộ trưởng Y tế vùng Flanders Wouter Beke cho biết.
Ngày 10/1, Chile bắt đầu tiêm mũi vaccine thứ tư cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch từ 12 tuổi trở lên. Đây là quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latin triển khai mũi tiêm vaccine thứ tư. Chương trình tiêm chủng được mở rộng cho người dân nói chung vào tháng 2.
Đan Mạch sớm tiến hành tiêm mũi thứ 4 vaccine Covid-19 cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao. Điều này khiến Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu thực hiện tiêm liều thứ tư cho người dân.
Cụ thể, mũi tiêm vaccine Covid-19 thứ tư được triển khai tiêm từ giữa tháng 1 cho những người có bệnh nền nghiêm trọng, và đây là những người đã tiêm mũi vaccine thứ ba vào mùa thu năm 2021.
Tháng 12/2021, Anh xem xét tiêm liều vaccine Covid-19 thứ tư cho người cao tuổi và người có nguy cơ mắc bệnh cao. Nước này tiêm liều vaccine thứ tư cho người trên 75 tuổi, người trong các viện dưỡng lão và người bị ức chế miễn dịch trên 12 tuổi.
Hungary cho biết sẽ cung cấp mũi vaccine Covid-19 thứ tư cho những người đã nhận được sự tư vấn từ bác sĩ. Nước này cũng tiêm liều thứ tư cho những người dễ bị tổn thương nhất.
Italy đã khuyến nghị những người bị suy giảm hệ miễn dịch nghiêm trọng nên tiêm mũi vaccine thứ tư theo công nghệ mRNA để ngừa Covid-19, ít nhất là 120 ngày sau khi tiêm mũi thứ ba.
Thụy Điển đã bắt đầu cung cấp mũi tiêm thứ tư cho những người có hệ miễn dịch bị tổn thương và khuyến cáo rằng những người trên 80 tuổi nên tiêm mũi tăng cường lần thứ hai.
Ngày 14/2, Hàn Quốc xác nhận triển khai tiêm mũi thứ tư vaccine Covid-19 từ cuối tháng 2. Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) Jeong Eun Kyeong, dự kiến khoảng 500.000 người trên 18 tuổi sống hoặc làm việc tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi và 1,3 triệu người khác bị suy giảm miễn dịch sẽ đủ điều kiện tiêm mũi vaccine thứ tư.
Vào năm 2021, Mỹ vẫn giữ quan điểm liều vaccine thứ tư là chưa cần thiết, nhưng từ tháng 2/2022, FDA Mỹ đã bắt đầu xem xét cấp phép việc tiêm mũi thứ tư vào mùa thu năm nay./.
Theo VOV