Thông thường, những tác động của các lệnh trừng phạt đối với một quốc sẽ hiện rõ ngay trong tuần trước, đặc biệt là nước lớn như Nga. Song, “thông lệ” này dường như cần được xem xét lại.
Các biện pháp trừng phạt được phương Tây áp dụng với Nga có khả năng gây thiệt hại lớn hơn nhiều so với những gì Tổng thống Nga Vladimir Putin từng dự đoán. Với những “đòn giáng” mạnh vào các ngân hàng thương mại, NHTW và các lãnh đạo doanh nghiệp, chính trị và ngành công nghiệp của Nga, phương Tây đang áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế mà họ triển khai trong nhiều năm với những nước nhỏ hơn như Iran hay Triều Tiên.
Và cũng giống như một cuộc chiến thực sự, chiến tranh kinh tế toàn diện mang lại những hậu quả mà cả Mỹ và các đồng minh của họ có thể chưa nhìn thấy. Hiện tại, vẫn chưa rõ ràng rằng những lệnh trừng phạt có thay đổi quyết định của ông Putin hay không và sự gián đoạn sâu rộng cho phương Tây sẽ ở mức độ như thế nào.
Những tác động của lệnh trừng phạt với Nga
Kể từ năm 2014, khi Nga chịu các lệnh trừng phạt về việc sáp nhập Crimea, ông Putin đã có những động thái nhanh chóng để giảm bớt tác động. Nga có tài khoản vãng lai và thặng dư tài khoá, có nghĩa là họ không cần đi vay ròng từ các ngân hàng nước ngoài hoặc trong nước, tỷ lệ nợ cũng thấp, dự trữ ngoại hối đa dạng với tổng giá trị 630 tỷ USD và một NHTW chủ yếu đặt mục tiêu lạm phát 4%. Do đó, Nga đã tránh được những lỗ hổng thường gây ra khủng hoảng.
Tuy nhiên, Nga vẫn giao thương với cả thế giới, điều này đòi hỏi họ phải có khả năng chi trả. Trong bối cảnh khả năng tiếp cận nguồn dự trữ ngoại hối đang bị phương Tây hạn chế, NHTW Nga khó có thể mua đồng Rúp để hỗ trợ chính đồng nội tệ, trả lãi và gốc cho các khoản nợ nước ngoài. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ vỡ nợ hay các ngân hàng thương mại phải đối mặt với tình trạng người gửi ồ ạt rút ngoại tệ.
Ngoài ra, các nhà nhập khẩu Nga cũng không thể chắc chắn rằng ai sẽ trả tiền mua hàng hóa của mình. Theo WSJ, chính phủ các nước phương Tây dường như đang gây ra một kiểu khủng hoảng thường xuyên xảy ra với các thị trường mới nổi trong những năm 1980 và 1990.
Theo Sergey Aleksashenko – một cựu quan chức NHTW Nga hiện đang sống tại Mỹ, việc đồng Rúp sụt giảm mạnh kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine có thể khiến lạm phát nước này tăng thêm 4-5 điểm phần trăm, vốn đã ở mức 8,7% trong tháng 1. Để giảm thiểu tác động của lạm phát và đồng nội tệ đi xuống, NHTW Nga đã nâng lãi suất cơ bản từ 9,5% lên 20%. Elina Ribakova – phó trưởng kinh tế gia tại Viện Tài chính Quốc tế, dự đoán kinh tế Nga sẽ giảm ít nhất 10%, mức cao hơn so với cuộc khủng hoảng năm 1998.
Nga hiện vẫn được hỗ trợ bởi hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của họ, phần lớn vẫn không nằm trong các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, những lĩnh vực này cũng có giới hạn: dầu của Nga hiện đang được bán với mức giá khá thấp khi giá dầu toàn cầu đã ở mức hơn 100 USD.thùng và sẽ gặp nhiều rủi ro nếu kinh tế thế giới lao dốc. Ribakova cho hay: “Nga sẽ đối mặt với những rủi ro lớn khi khả năng tiếp cận tài chính bị hạn chế và biến động của giá dầu. Nga đã chi rất nhiều tiền để mở chiến dịch quân sự ở Ukraine và điều này sẽ làm tăng gánh nặng cho họ.”
Nga sẽ phải đối mặt với những mối lo dài hạn hơn. Những lệnh cấm của phương Tây với hoạt động kinh doanh công nghệ sẽ “làm suy yếu tiềm lực của ngành quân sự và dân sự Nga, kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế”, theo Aleksashenko. Ông nói thêm: “Động thái hiện tại chính là quả bom hạt nhân trong tương lai đối với Nga.” Trong khi đó, khi châu Âu đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, thì Nga phải phụ thuộc nhiều hơn vào việc bán khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc – thị trường ít cạnh tranh hơn so với châu Âu.
Hậu quả cho phương Tây
Song, dù các biện pháp trừng phạt được nhiều chuyên gia đánh giá là sẽ gây ra những hậu quả lớn, nhưng tác động cho đến nay vẫn chưa rõ ràng. Việc xóa bỏ một nền kinh tế lớn ra khỏi hệ thống tài chính một cách đột ngột như vậy có thể gây ra những tác động không thể lường trước, bà Ribakova cho hay. Theo bà, NHTW Nga “đóng vai trò quan trọng trên thị trường toàn cầu và không rõ liệu vị trí này sẽ thay đổi ra sao”.
Hiệu ứng gợn sóng từ cuộc khủng hoảng tài chính của Nga năm 1998 đã khiến Long-Term Capital Management – quỹ phòng hộ lớn của Mỹ, sụp đổ và thị trường trở nên căng thẳng. Trong bối cảnh thị trường toàn sụt giảm mạnh ở phiên 1/3, thị chứng khoán Mỹ và châu Âu lại trải qua diễn biến tồi tệ hơn nhiều. Đây là một dấu hiệu tiềm ẩn cho thấy sự lây lan của những tác động từ lệnh trừng phạt với hệ thống tài chính.
Xung đột về quân sự và các lệnh trừng phạt càng gây căng thẳng cho một cú sốc cung khác – vốn làm chậm đà tăng trưởng và đẩy lạm phát ở châu Âu, Mỹ lên cao. Trong khi đó, yếu tố này xảy ra khi phương Tây chưa áp lệnh cấm vận với dầu và khí đốt tự nhiên của Nga. Tuy nhiên, các công ty lọc dầy và ngân hàng đang né tránh giao dịch dầu thô của Nga và đẩy giá dầu tiếp tục lên mức cao. Khi tác động của những sự kiện này lan ra rộng hơn, thì quan điểm thống nhất trừng phạt Nga của phương Tây sẽ được cân nhắc lại.
Trong khi đó, Nga bị loại khỏi nền kinh tế toàn cầu sẽ là một nước Nga khó có thể tiếp cận được các đòn bẩy kinh tế. Trung Quốc có khả năng sẽ đáp trả bằng cách đẩy mạnh các nỗ lực tách rời phương Tây như họ đang thực hiện. Song, nền kinh tế toàn cầu đang phân tách thành những khối cạnh tranh từ trước khi Nga và Ukraine mâu thuẫn, còn các biện pháp trừng phạt chỉ đơn giản là đẩy nhanh quá trình này.
Tham khảo WSJ-Chi Lan–Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị