Theo Sputnik, việc Nga bị loại khỏi SWIFT sẽ có tác động đến nguồn cung cấp năng lượng của chính EU, thậm chí thúc đẩy Nga gia nhập hệ thống thanh toán của Trung Quốc.
Theo trang tin tài chính CLS của Trung Quốc, vào thứ Bảy tuần trước (26/2), Mỹ, Ủy ban Châu Âu (EC), Pháp, Đức, Italia, Anh và Canada đã cùng đưa ra một tuyên bố rằng sẽ cấm một số ngân hàng cụ thể của Nga sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT nhằm “cắt đứt liên lạc của các ngân hàng này với hệ thống tài chính quốc tế va làm suy yếu khả năng hoạt động của các ngân hàng này trên toàn cầu”.
Động thái này chắc chắn là một “quân bài lớn” trong các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tuy nhiên, phía Nga đã nhanh chóng phản ứng về việc này. Ngân hàng Trung ương Nga đã thông báo rằng, họ sẽ sử dụng một phiên bản nội địa của SWIFT – Hệ thống nhắn tin tài chính (SPFS) – cho các giao dịch thanh toán bên trong nước Nga.
Theo hãng thông tấn Sputnik của Nga, việc Nga bị loại khỏi SWIFT bởi Mỹ và phương Tây có thể đẩy nhanh việc thành lập hệ thống thanh toán độc lập giữa các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và sẽ có tác động đến nguồn cung cấp năng lượng của chính EU, thậm chí có thể thúc đẩy Nga gia nhập Hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng Nhân dân tệ (CIPS) của Trung Quốc.
Nga đẩy nhanh thiết lập hệ thống thanh toán riêng
Theo dữ liệu từ trang web của Ngân hàng Trung ương Nga, ít nhất 331 ngân hàng trong và ngoài nước Nga đã gia nhập hệ thống SPFS, bao gồm 23 ngân hàng nước ngoài đến từ Armenia, Belarus, Đức, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Thụy Sĩ.
Andrey Klimov – Chủ tịch Ủy ban bảo vệ chủ quyền nhà nước và ngăn chặn can thiệp vào công việc nội bộ của Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga – cho biết: “Việc Nga bị loại khỏi SWIFT không gây ra mối đe dọa cho các thanh toán nội bộ của chúng tôi, mà còn thúc đẩy sự phổ biến của đồng Rúp như một loại tiền tệ quốc tế, đồng thời làm giảm nguy cơ phương Tây có những kiểm soát mang tính phá hoại đối với hoạt động thanh toán của chúng tôi”.
Theo Sputnik, lâu nay, Nga đã phi đô la hóa nền kinh tế và chuyển sang thanh toán bằng đồng tiền của mình với các nước ở châu Á, Trung Đông và Mỹ Latinh, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela.
Sergio Rossi – Giáo sư kinh tế vĩ mô và kinh tế tiền tệ tại Đại học Fribourg (Thụy Sĩ) – cho biết: “Việc các nước BRICS tự phát triển hệ thống thanh toán riêng để cạnh tranh với SWIFT đã có từ lâu. Nếu các ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT, thực sự có thể đẩy nhanh việc thiết lập hệ thống này”.
Nga tăng tốc gia nhập hệ thống của Trung Quốc
Hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng Nhân dân tệ (CIPS) của Trung Quốc cũng trở thành tâm điểm chú ý khi Nga đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi SWIFT.
Sputnik dẫn lời bà Suranjali Tandon – trợ lý giáo sư tại Học viện Chính sách và Tài chính Công Quốc gia Ấn Độ – cho biết: “Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga chắc chắn sẽ đẩy nhanh việc Nga gia nhập CIPS, miễn là các giao dịch ngoại hối của Nga được tính bằng đồng Nhân dân tệ”.
Bà Tanton nói thêm: “Nhiều khả năng Nga và Trung Quốc sẽ hợp tác để tạo ra một hệ thống thanh toán bằng hai loại tiền tệ, qua đó tất cả các giao dịch của Nga bằng đồng Rúp hoặc Nhân dân tệ sẽ được thực hiện thông qua một thỏa thuận thanh toán tổng thời gian thực. Đây là tiêu chuẩn công nghệ thông tin trong các hệ thống thanh toán phương Tây, vì nó làm giảm rủi ro khi thanh toán cho tất cả các bên liên quan”.
Bà Tanton cũng nói: “Nga và Trung Quốc đã tìm kiếm hợp tác trong việc phát triển hệ thống thanh toán thay thế. Các biện pháp trừng phạt gần đây có thể khuyến khích việc áp dụng hệ thống thanh toán chung”.
Truyền thông Nga cũng nhấn mạnh, việc loại Nga khỏi SWIFT sẽ làm đình trệ hoạt động xuất nhập khẩu và dòng vốn giữa Nga với các đối tác, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) và tiếp tục làm cho lạm phát tăng cao ở châu Âu và Mỹ.
Bà Tanton cho biết, điều này sẽ gây phản ứng dữ dội tại các quốc gia duy trì thương mại với Nga hoặc dựa vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, bao gồm cả các nước thành viên EU.
Bà Tanton giải thích: “Việc gián đoạn nguồn cung do hạn chế thanh toán có thể gây ra hậu quả đáng kể cho các đối tác thương mại. Ngoài ra, các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Nga cũng sẽ gặp bất lợi”.
Theo Trí Thức Trẻ