Đa số người Việt khi được hỏi đều có nhu cầu mua nhà, trong đó hơn nửa muốn mua nhà trong 2 năm tới ở khu vực ngoại ô, có không gian xanh. Tuy nhiên, việc giá nhà đang neo ở ngưỡng quá cao đang trở ngại cho người có nhu cầu thực mua nhà để ở.
Đa số người dân muốn mua nhà ở Việt Nam
Tại buổi công bố báo cáo tâm lý người tiêu dùng BĐS Việt Nam đầu năm 2022, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, có khoảng 92% người khảo sát, muốn mua nhà ở tại Việt Nam trong tương lai, trong đó có hơn một nửa đang tìm mua nhà trong vòng 2 năm tới. Trong đó, xu hướng tìm kiếm ở TP HCM chiếm tới 45%, Hà Nội chiếm 34%; tiếp đến là các tỉnh, khu vực giáp ranh 2 thành phố lớn này.
Tuy nhiên, có 52% số người tham gia khảo sát cho rằng giá BĐS tại Việt Nam hiện đang quá cao , là trở ngại lớn nhất đối với những khách hàng tiềm năng. Trong đó, có tới 72% thừa nhận, rằng họ có nhu cầu mua BĐS và nhận thấy giá BĐS đã giảm do dịch COVID-19.
Cũng tại đây, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết, có khoảng 55% người Việt Nam đang sống trong các căn nhà đất thổ cư , tỷ lệ người dân sống tại các căn hộ chung cư chiếm khoảng 25%. Số người từng sở hữu ít nhất một căn nhà chiếm 80%; những gia đình có thu nhập tốt thường sở hữu từ 2 BĐS trở lên.
Bên cạnh đó, có tới 61% người thích sống gần không gian xanh và sân vườn, 45% đang muốn chuyển ra ngoại ô và các khu vực ít đông đúc hơn. Trong đó, các yếu tố hàng đầu mà người mua nhà tìm kiếm là có khu vui chơi hoặc khu học tập cho trẻ em, gần cây xanh và các phương tiện giao thông công cộng. Tỷ lệ này cao hơn ở những người Việt Nam lớn tuổi, đã lập gia đình và có thu nhập trung bình. Ngoài ra, gần một nửa dự đoán nhu cầu mua ngôi nhà lớn hơn sẽ ngày càng tăng, nhất là những người từ 30-39 tuổi trở xuống và người có thu nhập cao.
Xu hướng dịch chuyển vùng ven
Báo cáo mới nhất của Savills cho thấy, thị trường BĐS Hà Nội năm 2022 có nhiều tín hiệu lạc quan. Nổi bật nhất là đà phát triển của thị trường tại các quận, huyện ngoài trung tâm và ngoại thành , và đây được dự báo sẽ là xu hướng dẫn dắt phân khúc BĐS nhà ở, văn phòng trong năm nay. Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills Hà Nội, tại một số đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM hiện có xu hướng dịch chuyển đầu tư sang các khu vực lân cận.
Bà Hằng cho rằng, một trong những nguyên nhân của hiện tượng này là giá của BĐS đang neo ở mức cao, nên khả năng sinh lời từ địa điểm này thấp hơn khiến nhà đầu tư tìm cơ hội ở những quận, huyện ngoài trung tâm và vùng xung quanh như Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Nhờ xu hướng dịch chuyển nội thành áp lực tăng giá tại những khu vực nội thành được giảm tải, tránh hiện tượng đẩy giá quá cao. Trong 5 năm qua, giá chào bán sơ cấp trung bình căn hộ hạng A tăng mạnh nhất ở mức 12% một năm, hạng B tăng 7% một năm, hạng C tăng 4% một năm.
Do đó, nguồn cung tương lai của thị trường nhà ở dự kiến chủ yếu đến từ các dự án đặt tại những quận, huyện lân cận và ngoại thành. Xét riêng về thị trường chung cư, năm ngoái, khu vực ngoại thành đã đóng góp 30% nguồn cung. Còn trong tương lai, dự kiến dự án chung cư tại 5 huyện sắp lên quận sẽ chiếm 27% nguồn cung. Bên cạnh đó, xét về thị trường biệt thự, nhà liền kề, nguồn cung tương lai chủ yếu đến từ huyện xa trung tâm, dẫn đầu là huyện Đan Phượng, kế đó là huyện Hoài Đức và Đông Anh.
Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills Hà Nội cho rằng, ngoài yếu tố về giá cả, yếu tố cơ sở hạ tầng đóng vai trò rất quan trọng trong xu hướng dịch chuyển ngoại thành của nhà đầu tư. Bởi theo kế hoạch, TP Hà Nội dự kiến dành hơn 51.000 tỷ đồng cho đầu tư công năm 2022, trong đó 30% đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng. Những năm sắp tới, các dự án được ưu tiên bao gồm đường vành đai 2,5; 3, 3,5; 4, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và Thượng Cát.
Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ cải thiện và nâng cao tuyến đường quốc lộ cùng việc hoàn thiện các dự án tàu điện. Hệ thống giao thông thuận tiện sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, hỗ trợ kết nối giữa các dự án ven đô và trong trung tâm.
Trao đổi với Tiền Phong, kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng cho rằng dự định đưa 3 huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh thành thành phố mới chỉ là ý tưởng, chủ trương cho nên trong quá trình thực hiện chính quyền Hà Nội cần có sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ cũng như phải có lộ trình nếu không sẽ tạo nên cơn “sốt đất ảo” đối với các khu vực kể trên.
Do đó KTS Phạm Thanh Tùng khuyến nghị người dân phải bình tĩnh trước những thông tin quy hoạch đi trước. Bởi nếu đầu tư ăn theo thông tin quy hoạch sẽ tạo nên cơn “sốt đất” ảo và cuối cùng người dân chính là đối tượng chịu thiệt thòi nhất.
Theo Tiền Phong