Câu chuyện về cô bé ‘thần đồng’ khiến dân mạng xứ Trung tranh cãi gay gắt về việc ‘gắn mác’ tùy tiện cho những đứa trẻ rồi đặt áp lực quá lớn lên chúng.
Zhang Yiwen – cô bé sinh năm 2007 từng tạo ra cơn sốt tại Trung Quốc khi có thể thuộc làu 1.000 chữ Hán lúc mới 4 tuổi và đỗ đại học 6 năm sau đó. Thế nhưng, cuộc sống bế tắc hiện tại của Yiwen lại khiến nhiều người thương cảm.
Theo tờ Sohu, Zhang Yiwen sinh ra trong một gia đình trung lưu ở thành phố Thương Khâu, tỉnh Hà Nam. Bố mẹ cô đều là những lao động tri thức, làm việc trong tổ chức giáo dục và đặt nặng việc nuôi dạy con cái.
Ngay từ khi con gái chào đời, ông Zhang Mintao đã dành hết mọi tâm tư vào việc nuôi dậy, giáo dục con. Lo sợ chương trình giảng dạy tại trường học không thể phát huy được hết năng lực cho Yiwen, ông thậm chí còn tự thiết kế một “giáo án thần đồng” riêng, nghiêm ngặt từ sáng đến tối.
Thực tế, Yiwen không được đi học như bao đứa trẻ khác do ông Zhang Mintao không tìm được ngôi trường có chất lượng đào tạo ưng ý. Ông quyết định tự dạy con ở nhà và mở trường tư thục Shengtong để cùng vợ bồi đắp thêm kiến thức cho con.
Theo đó, mỗi ngày, Yiwen đều phải thu nạp một lượng lớn kiến thức mới. Phương thức giáo dục “nhồi nhét” dù khắc nghiệt song mới có thể thoả mãn được tham vọng của ông Zhang: giúp con gái hoàn thành chương trình tiểu học khi mới 6 tuổi.
Sau đó, ông tiếp tục cho con gái học hết sách giáo khoa cấp 2 và lên kế hoạch cho con thi đại học 2 năm sau đó. Yiwen sẽ chỉ được phép học các môn tự nhiên như toán lý hoá để đẩy nhanh quá trình.
Trong thế giới tuổi thơ của cô bé sinh năm 2007, không có gì khác ngoài lịch trình học tập đã được vạch sẵn: dậy học từ 5h sáng, ăn trưa một tiếng, ăn tối một tiếng và học tiếp đến 10h tối mới nghỉ.
Yiwen nhanh chóng rơi vào trạng thái cô đơn và mất đi niềm vui đơn giản như bao đứa trẻ khác, song ông Zhang Mintao cũng không hề quan tâm đến điều này. Ông cho rằng suy cho cùng, thời gian chẳng chờ đợi ai và việc học luôn phải được đặt lên hàng đầu. Sau hơn 2 năm khổ luyện, ông cho Yiwen thi đại học khi mới 9 tuổi. Tuy nhiên, do cô bé chưa từng tham gia một trường lớp chính quy nào, việc đăng ký thi tuyển gặp khá nhiều khó khăn.
Điều này không làm ông Zhang nản lòng. Ông nhờ cậy vào các mối quan hệ quen biết và xin cho con được cấp chứng chỉ tương đương trình độ giáo dục hiện tại, giúp con đăng ký thi đại học trót lọt. Không may, năm đó Yiwen chỉ đạt 172 điểm và không được nhận vào bất kỳ trường đại học nào.
Dẫu vậy, ông bố này vẫn quyết tâm không dừng lại. Ông gửi con gái đến một trung tâm luyện thi đại học để bổ sung kiến thức văn hóa, cốt để con thi đỗ ở lần đăng ký tiếp theo. Cuối cùng, Yiwen cũng vào được Học viện Công nghệ Thương Khâu với số điểm 352.
Câu chuyện cô bé 10 tuổi thi đậu đại học nhanh chóng gây bão và khơi nguồn nhiều luồng dư luận trái chiều. Bên cạnh sự ngưỡng mộ, không ít ý kiến cho rằng Zhang Yiwen chỉ là một “tài năng chín ép” bị mất đi nhiều kiến thức xã hội và kỹ năng sống quan trọng.
Tuy nhiên, bỏ ngoài tai những lời chỉ trách cho rằng mình dạy con quá hà khắc, ông Zhang vẫn giữ vững lập trường, đồng thời phấn đấu làm sao để con gái 13 tuổi có thể tốt nghiệp đại học, 20 tuổi tốt nghiệp tiến sĩ, sau đó là bước chân vào tầng lớp xã hội cao cấp.
Thế nhưng cuộc đời thực tế của Yiwen lại bước chệch khỏi quỹ đạo mà cha cô lập sẵn. Do khoảng cách thế hệ và khác biệt về tuổi, cô bé không có bạn và không thể tâm sự cùng ai.
Đến năm thứ 2 đại học, vì cảm thấy không phù hợp với chuyên ngành ban đầu, Yiwen quyết định chuyển sang ngành thiết kế hoạt hình theo sở thích cá nhân, sau đó tốt nghiệp với số điểm trung bình. Ra trường, cô tiếp tục rơi vào khủng hoảng khi không một công ty nào muốn nhận, cuối cùng chỉ có thể chọn làm trợ giảng ở ngôi trường tư thục của cha với mức lương 1.500 nhân dân tệ/tháng.
Lúc này, Zhang Mintao vẫn chưa thừa nhận thất bại. Ông cho biết sẽ để Yiwen dạy ở trường mình 2 năm, sau đó cho con bé học lên cao học chuyên ngành thiết kế đồ họa. Tuy nhiên, đáp lại tham vọng thái quá của ông bố nghiêm khắc chỉ là một cô bé 15 tuổi đang bước vào giai đoạn “nổi loạn”, lầm lì và luôn đổ lỗi cho cha mẹ vì đã kiểm soát cuộc sống của mình.
Theo: Sohu-Huệ Anh–Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị