Năm 2021, bất chấp dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn và hạn chế, Metfone vẫn tăng trưởng tốt.
Công ty Metfone – thương hiệu của Tập đoàn Viettel ở Campuchia – hôm 19/2 vừa kỷ niệm 13 năm hoạt động tại thị trường này với tuyên bố về sứ mệnh kiến tạo “một xã hội được kết nối bằng kỹ thuật số” ở Campuchia, theo Phnom Penh Post.
Sau hơn một thập kỷ không ngừng nỗ lực phát triển, hiện tại Metfone sở hữu mạng lưới hạ tầng viễn thông lớn nhất Campuchia, phủ sóng khắp các khu dân cư và cung cấp dịch vụ cho gần 9 triệu người dùng trên khắp nước này.
Metfone có được thành công này là nhờ sự hỗ trợ tích cực của chính quyền bản địa và các tổ chức, ban ngành liên quan, cũng như sự cống hiến, tinh thần làm việc chăm chỉ của đội ngũ 2.000 nhân viên hùng hậu của công ty, những người đã nỗ lực xây dựng Metfone trở thành một trong những công ty tốt nhất tại Campuchia.
Trong năm 2021, tuy dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn và hạn chế cho toàn thế giới nói chung và Campuchia nói riêng, nhưng Metfone vẫn tăng trưởng tốt.
Chia sẻ với ICT News, ông Phùng Văn Cường, CEO Metfone cho biết: Lĩnh vực viễn thông của Metfone tăng trưởng 7%, giữ vững vị trí công ty viễn thông số 1 ở Campuchia với 42% thị phần dịch vụ di động và 62% cố định băng rộng. Lĩnh vực mới tăng trưởng trên 30%; góp phần đóng góp chung vào tăng trưởng 9,6% của cả công ty.
Không chỉ dừng lại ở những lĩnh vực sẵn có, Metfone còn mạnh mẽ chuyển dịch và mở rộng sang các lĩnh vực mới, theo ông Cường.
Nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và tăng trưởng doanh thu, Metfone đã triển khai nhiều chiến lược chuyển dịch số với nhiều sản phẩm như Super App CamID, Ứng dụng Tài chính eMoney, Game/esport; đồng thời triển khai toàn diện hệ sinh thái số bao gồm các hoạt động marketing, bán hàng, chăm sóc khách hàng.
Metfone cũng đã hoàn thành tốt việc chuyển dịch thuê bao di động sang Data, tỷ lệ khách hàng data đạt mốc 87% trong đó 95% là khách hàng 4G. Theo lời ông Cường, đây là mức cao nhất tại các thị trường mà Viettel đang đầu tư.
“Để đạt được sứ mệnh kiến tạo nên ‘xã hội được kết nối bằng kỹ thuật số’, chúng tôi sẽ xây dựng mạng viễn thông tiên tiến nhất, với các công nghệ hiện đại nhất như kết nối 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (Internet of Thing – IoT), dữ liệu lớn (Big Data), và và triển khai các giải pháp và dịch vụ CNTT-TT cho chính phủ, bộ ngành, doanh nghiệp, tổ chức và hộ gia đình Campuchia bao gồm thành phố thông minh, chính phủ điện tử và các dịch vụ điện toán đám mây”, ông Cường cho hay.
“Chúng tôi cũng sẽ đầu tư vào các dịch vụ VAS (dịch vụ giá trị gia tăng) và nội dung truyền thông, cùng với các dịch vụ kỹ thuật số như trò chơi, video và ứng dụng miễn phí cho tất cả các khách hàng”, ông Cường nói thêm.
Theo ông Cường, trong năm 2021, Metfone đã tham gia rất mạnh mẽ vào công cuộc chuyển đổi số của Campuchia, hợp tác toàn diện với Chính phủ Hoàng gia Campuchia và với các ngành giáo dục, y tế, cộng đồng doanh nghiệp để triển khai dịch vụ viễn thông.
Đặc biệt, ông Cường cho biết giải pháp công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho Khối chính phủ, doanh nghiệp (B2B) và dịch vụ số cho khách hàng cá nhân của Metfone tăng trưởng 32%, chiếm lĩnh số 1 tại thị trường láng giềng của Việt Nam. Ông Cường nói rằng “đây là con số khiêm tốn nhưng chiếm hơn một nửa thị phần về ví điện tử tại Campuchia”.
Theo đó, dịch vụ ví điện tử eMoney của Metfone giúp người dân Campuchia thanh toán thuận lợi, đơn giản hơn và được nhiều khách hàng, đặc biệt là giới trẻ, đón nhận nồng nhiệt.
Triển vọng của Metfone
Ông Cường đánh giá cơ hội để Metfone tiếp tục lớn mạnh như Tập đoàn mẹ Viettel ở Việt Nam là lớn, vẫn còn nhiều lĩnh vực tiềm năng để phát triển bên cạnh nền tảng hiện có.
Nói về những thách thức của thương hiệu thuộc tập đoàn Viettel ở Campuchia, CEO Metfone nhấn mạnh rằng nhiệm vụ hàng đầu của công ty là chuyển đổi thành một tổ chức số để trở thành công ty viễn thông và công nghệ số, có dịch vụ khách hàng, trải nghiệm khách hàng số 1 ở Campuchia.
Tiếp đó, Metfone cần xác định các lĩnh vực có ảnh hưởng bao trùm xã hội của Campuchia để khai thác, chẳng hạn như y tế, giáo dục, tài chính, giao thông… Khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân cũng sẽ có những nhu cầu khác biệt cần được chú trọng.
“Đó là những tham vọng rất lớn của Metfone. Chúng tôi không có dự án nào đặc biệt riêng lẻ, mà tất cả mục tiêu đề ra đều thực hiện song song”, ông Cường cho biết.
Vấn đề năng lực và nguồn lực của công ty cũng cần được cải thiện để chuyển dịch sang lĩnh vực mới. Từ vấn đề nguồn lực, Metfone sẽ tiếp tục phải đương đầu với thách thức “làm sao thuyết phục khách hàng, đào tạo khách hàng, tạo cho họ thói quen từ trải nghiệm đến sử dụng và sử dụng thường xuyên” – ông Cường dự đoán quá trình này sẽ mất thời gian tương đối lâu.
Mặc dù vậy, CEO Metfone cũng xác định rằng thách thức lớn của công ty là “vượt qua chính mình”, do tại Campuchia “chưa có đối thủ nào lớn để thúc đẩy sức cạnh tranh giống như tại Việt Nam”.
Metfone cũng mang trong mình sứ mệnh là biểu tượng cho tình hữu nghị Việt Nam – Campuchia, do đó, ông Cường cho biết công ty cần phải “hết sức giữ hình ảnh, có trách nhiệm và cống hiến nhiều”./.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị