Thật bất công khi phần lớn trí thông minh là do di truyền. Nhưng nếu đã học được 1 điều này, người thường vẫn có thể SỐNG TỐT đến già.
Trong số những người chúng ta biết chắc hẳn phải có một người ai cũng đều ca ngợi là kẻ thông minh. Những chắc hẳn chúng ta đều thấy ở những kẻ thông minh đó luôn có những điều ngu ngốc đến lạ kỳ mà chúng ta coi là cái giá của việc thông minh là phải “khác người”. Thân là một giáo sư, cấp bậc học hàm cao nhất trong nhà nhưng tôi vẫn hay thường xuyên bị gia đình mình chọc ghẹo, thích thú mỗi khi tôi mắc những sai lầm ngớ ngẩn. Vậy người thông minh thực chất có thông minh thật không? Đã thông minh rồi mà sao vẫn làm những hành động ngớ ngẩn như vậy nhỉ? “Người thông minh” thường là từ ngữ mà ai cũng vinh dự khi được gắn cái mác đó lên, là từ ngữ mà mọi người ở đâu cũng dùng hàng ngày nhằm mô tả một người hiểu biết và khôn ngoan.
Những lợi thế của kẻ thông minh là không thể phủ nhận được. Những kẻ thông minh luôn thường xuyên đạt được điểm số cao hơn bè bạn, được thầy cô trọng dụng và “sống ở một tầng mây khác so với cộng đồng xã hội của người thường”. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng họ ít có khả năng gặp những vấn đề rắc rối (ví dụ như phạm tội) khi ở tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, mặc dù trí thông minh có những lợi thế rành rành như vậy, sự thật đáng buồn là kẻ thông minh không thể nhờ cậy vào đó mà dự đoán kết cục cuộc sống đâu, chẳng hạn như mức độ hạnh phúc vậy. Những tưởng là trò giỏi ở trường, là quân tốt ở nơi làm việc có thể mang đến sự hài lòng hơn trong cuộc sống, nhưng chỉ số IQ cao thực chất lại không được chứng minh là có ảnh hưởng đến sự hạnh phúc nói chung và tuổi thọ về lâu dài đâu. Nhà tâm lý học Igor Grossmann của Đại học Waterloo và các đồng nghiệp của ông cho rằng hầu hết các bài kiểm tra trí thông minh đều không nắm bắt được khả năng ra quyết định trong thế giới thực và khả năng tương tác tốt của chúng ta với người khác. Nói cách khác, đây có lẽ là lý do tại sao những người “thông minh” lại làm ra những điều người thường cho là “ngu ngốc”.
Trong khi đó, một thứ mọi người hay lầm tưởng là trí thông minh – khả năng tư duy phản biện – mới lại là yếu tố nên được mọi người săn đón hơn. Tư duy phản biện không hề là trí thông minh. Tư duy phản biện là một tập hợp các kỹ năng nhận thức cho phép chúng ta suy nghĩ theo cách để tập trung vào mục tiêu và biết cách sử dụng các kỹ năng đó khi thích hợp. Những nhà tư tưởng phê bình là những người hoài nghi hòa nhã. Họ là những người suy nghĩ linh hoạt, những người luôn yêu cầu người khác phải chứng minh thì họ mới tin và thường phát hiện ngay ra những bẫy tư duy, mánh khóe người khác dùng để thuyết phục họ. Tư duy phản biện có nghĩa là vượt qua tất cả các loại thiên kiến về nhận thức.
Ví dụ một loại sai lầm tư duy phổ biến là thiên kiến xác nhận:
Minh ủng hộ việc ăn chay là tốt cho sức khỏe. Cô sẽ tìm kiếm những câu chuyện và những ý kiến mới để xác nhận việc ăn chay là tốt cho sức khỏe và những thông tin phù hợp với niềm tin của cô.
Mặt khác Phúc lại cực kỳ chống đối việc ăn chay là tốt cho sức khỏe. Anh ta tìm kiếm những nguồn dữ liệu, tin tức khớp với góc nhìn của anh ta. Khi anh ta bắt gặp những câu chuyện tin tức về các việc ăn chay, anh này sẽ hiểu câu chuyện theo hướng hỗ trợ cho quan điểm của mình.
Hai người này có quan điểm rất khác nhau về cùng một chủ đề và cách phiên giải của họ cũng khác nhau dựa trên niềm tin họ đang nắm giữ. Thậm chí ngay cả khi đọc cùng một câu chuyện, thành kiến này có xu hướng định hình cách người ta nhận định từng chi tiết, từ đó càng thêm xác nhận lại những niềm tin cố hữu của bản thân.
Trước câu hỏi “Moses đã đem bao nhiêu con vật lên chiếc thuyền cứu thế?”, nghiên cứu của Norbert Schwarz của trường ĐH Southern California chỉ ra rằng chỉ có 12% người trả lời đúng là đây là thuyền Noah cứu thế, chứ không phải Moses. Con người dễ dàng bị lừa vào những mánh khóe của thông tin dù cho có thông minh cỡ nào
Thành kiến xác nhận ảnh hưởng đến cách mọi người thu thập thông tin, nhưng chúng cũng ảnh hưởng đến cách mọi người giải thích và nhớ lại thông tin. Ví dụ, những người ủng hộ hoặc phản đối một vấn đề cụ thể sẽ không chỉ tìm kiếm thông tin hỗ trợ niềm tin của họ, mà họ còn giải thích các tin tức mới nghe được theo cách đề cao những ý tưởng hiện có của mình và ghi nhớ mọi thứ theo cách cũng củng cố quan điểm ấy.
Đây cũng là một lỗi tư duy mà người thông minh vẫn có thể mắc phải. Nghiên cứu tâm lý cho thấy rằng những thông tin sai lệch được thiết kế một khéo léo để vượt qua được những lý luận phân tích cẩn thận nhất, có nghĩa là nó có thể dễ dàng lọt vào tầm ngắm ngay cả của người thông minh nhất. Thậm chí đã có bằng chứng cho thấy những người thông minh hơn đôi khi thậm chí còn dễ bị đánh lừa bởi những thông tin nhất định, vì chính những thiên kiến sai lệch kia đi cùng với khả năng tư duy nhanh chóng đã khiến họ hợp lý hóa những niềm tin không đúng của chính mình.
Nhắc đến đây, ta thấy tư duy phản biện giúp người ta đối phó được với đa dạng các tình huống phức tạp trong cuộc sống hơn. Tư duy phản biện đo lường năm thành tố kỹ năng, bao gồm: lý luận bằng lời nói, phân tích lập luận, kiểm tra giả thuyết, xác suất và sự không chắc chắn, khả năng ra quyết định và giải quyết vấn đề.
Người có khả năng tư duy phản biện tốt được cho là sẽ không gặp những tình huống tiêu cực trong cuộc sống. Ít khi ta nhìn thấy họ mắc kẹt trong mớ bòng bong mà người thường hay thậm chí là người thông minh gặp phải: học tập (ví dụ: “Tôi quên kỳ thi”), pháp lý (“Tôi đã bị bắt vì lái xe không đúng quy định ”), giữa cá nhân (“ Tôi đã lừa dối người yêu tôi ”), tài chính (“ Tôi có khoản nợ hơn 5.000 đô la trong thẻ tín dụng ”), v.v. . Lí do có thể giải thích cho điều này chính là tư duy phản biện thường được liên tục học hỏi và trau dồi thông qua các trải nghiệm. Nên người có tư duy phản biện tốt sẽ biết cách xử trí trong nhiều tình huống, lĩnh vực của cuộc sống, thay vì chỉ “bác học” ở một thứ, mà lại “đãng trí” ở thứ khác như người thông minh.
Đã đến lúc cha mẹ, các nhà giáo dục và bất cứ người nào nên quan tâm nhiều hơn tới việc ca ngợi những người có khả năng tư duy phản biện. Để có thể cải thiện trí thông minh là rất khó khăn. Trí thông minh được quyết định bởi bộ gen cha mẹ truyền lại cho con cái. Do đó, thật bất công khi người ta đánh giá con người bởi một thứ họ khó có thể kiểm soát được.
Vả lại, vẫn chưa ai định nghĩa được chắn chắn 100% thông minh là gì, nhiều nhà khoa học vẫn tranh cãi rằng các loại bài kiểm tra trí thông minh từ cổ chí kim tới giờ có thể chưa đo đạc được hết các nhân tố khiến một con người nào đó được cho là thông minh hơn người. Trong khi đó, sử dụng tư duy phản biện để đánh giá khả năng của một người có vẻ là một lựa chọn công bằng hơn. Ai cũng có thể rèn luyện và học hỏi khả năng tư duy phản biện, ngay từ lúc lọt lòng, đến khi xuống hố. Những người như vậy sẽ luôn biết thời thế, biết người biết ta, không bao giờ sợ lỗi thời hay khó khăn trong cuộc sống. Chỉ khi biết cách làm vậy, bạn mới xứng làm “người thông minh”.
Theo Scientific American, The Guardian
Thu Ngân–Theo Pháp luật và bạn đọc