Để có được sự nghiệp rạng danh nơi đất khách quê người, anh Trúc Giang đã phải đối diện với không ít khó khăn nhưng chưa một lần than thở với mẹ.
– Nguyễn Kiến Trúc Giang (sinh năm 1986, quê Tiền Giang).
– 20 tuổi tốt nghiệp Đại học với tấm bằng ưu hạng nhất, có học bổng học thẳng lên tiến sĩ. 25 tuổi trở thành một trong những người trẻ nhất Việt Nam lấy được học vị tiến sĩ tại Trường Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore.
– Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về enzyme và protein.
– Sở hữu 7 bằng sáng chế và 25 nghiên cứu trên các tạp chí khoa học nổi tiếng.
– Hiện đang làm việc tại tập đoàn Wilmar, Singapore.
Những ngày tháng vất vả học tập nơi xứ người
Sở hữu thành tích học tập, nghiên cứu đáng nể, ít ai biết, anh Giang đã từng trải qua một tuổi thơ cực khổ, thiếu thốn tình cảm của cha. Nhưng anh đã không ngừng phấn đấu để có được ngày hôm nay.
Tốt nghiệp THPT, dù được tuyển thẳng vào Đại học trong nước, anh Giang vẫn quyết tâm ôn luyện để thi lấy học bổng đi du học bởi với anh kiến thức là một điều vô giá, đó cũng là một cơ hội để anh đổi đời. Hơn nữa từ nhỏ, mẹ đã luôn định hướng cho anh lớn lên sẽ cố gắng có thể đi du học.
Chỉ ôn luyện trong một thời gian ngắn nhưng anh Giang đã xuất sắc trúng tuyển vào 2 trường Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Kỹ thuật Nanyang. Vì gia đình có truyền thống theo ngành Y – Dược nên anh Giang đã chọn học ngành Y sinh tại Đại học Kỹ thuật Nanyang.
Khăn gói sang Singapore, thời gian đầu anh Giang gặp rất nhiều khó khăn, đầu tiên là về ngôn ngữ, sau đó là vấn đề kinh tế.
“Trường cho một khoản chi phí cố định để phục vụ vấn đề sinh hoạt nhưng không nhiều nên cần phải tiết kiệm thì mới đủ. Do đó mình phải ăn mỳ gói khá nhiều. Mình liên hệ với gia đình bằng cách gửi mail, vì thời điểm đó mạng xã hội chưa thịnh hành như bây giờ. Cước điện thoại thì rất đắt, mỗi tháng, mình chỉ dành tiền mua một chiếc card trị giá 20 SGD (hiện gần 330 nghìn đồng) để gọi về cho mẹ một cuộc điện thoại khoảng 10 phút“, anh Giang kể.
Mỗi lần trò chuyện với mẹ, anh Giang chủ yếu chỉ chia sẻ về cuộc sống, công việc, tuyệt đối không nói với mẹ về những khó khăn mà mình gặp phải khi đi du học. Bởi anh nghĩ, nếu mẹ biết thì cũng chỉ thêm lo chứ không giải quyết được vấn đề gì.
“Khi học lên tiến sĩ thì trường không cho ở ký túc xá nữa mà mình phải tự lo chỗ ở. Mình chọn thuê nhà chung với các bạn và lựa chọn ở phòng khách để tiết kiệm tối đa chi phí. Ngày nào mình cũng rời nhà từ 10h sáng, đến trường học, nghiên cứu rồi bắt chuyến xe buýt cuối cùng để về nhà, về đến nơi là khoảng 0h30 phút ngày hôm sau. Thường thì cả tuần mình đều đến trường chứ không ở nhà.
Chính vì giờ giấc sinh hoạt như vậy nên sức khỏe của mình khá yếu. Năm cuối Đại học, mình bị sụt liền 8kg, ho nhiều, mặt mũi xanh lét, sức khỏe giảm sút rõ rệt. Khi đi khám, ban đầu bác sĩ chẩn đoán mình bị bệnh lao nhưng rất may sau khi làm các xét nghiệm thì cho kết quả âm tính“, anh Giang kể thêm.
Vào những lúc khó khăn, mệt mỏi nhất, động lực để anh có thể vượt qua chính là nhờ nghĩ đến mẹ: “Bố mẹ ly thân, mình gần như không có bố mẹ bao bọc, chỉ mình mẹ lo cho hai chị em, mà mẹ tài chính cũng có hạn nên bản thân phải tự lập. Mình tự nhủ không được vấp ngã vì nếu ngã thì sẽ không có ai đỡ mình dậy. Những lúc strees thì mình tự viết vào tay phải cố gắng“.
25 tuổi lấy bằng tiến sĩ, thu nhập 2,5 tỷ đồng/năm
May mắn là đến khi học tiến sĩ được 1 năm thì cuộc sống của anh Giang đỡ vất vả hơn. Anh có được công việc làm trợ giảng cho các giáo sư với mức thù lao 40 SGD/giờ (gần 680 nghìn đồng/giờ).
25 tuổi lấy bằng tiến sĩ, anh Giang bắt đầu đi làm và được giới thiệu vào 1 dự án liên kết giữa Đại học Quốc gia Singapore và tập đoàn Wilmar. Hiện anh là một trong những nhóm trưởng dẫn dắt chương trình này. Mức lương của vị tiến sĩ trẻ nằm trong top 10% của Singapore, tương đương khoảng 2,5 tỷ đồng/năm.
Ở tuổi 36, anh Giang chưa lập gia đình vì dành nhiều thời gian cho công việc. Hơn nữa, chứng kiến bạn bè xung quanh lập gia đình nhưng không hạnh phúc, ly dị, anh bỗng thấy sợ và không muốn kết hôn.
Trước đây, mỗi năm anh Giang về thăm quê ít nhất 3 lần. Có 2 dịp lúc nào anh cũng về đó là Tết Nguyên đán và sinh nhật mẹ. Nhưng vì dịch bệnh nên 1 năm nay anh chưa thể về nhà.
Lần đầu nghe những chia sẻ của con trai trong quá trình học tập tại nước ngoài. Mẹ của anh Giang vô cùng xúc động. Bà nghẹn ngào: “Tôi hạnh phúc khi nhìn thấy niềm vui của con nhưng cũng rất buồn khi biết con có nhiều chuyện buồn. Con sợ tôi lo nên không nói ra mà chỉ giấu ở trong lòng một mình, điều đó làm cho tôi rất áy náy. Nhiều khi con thương tôi quá nên phải đè nén, chịu đựng mọi thứ một mình, không chia sẻ được với ai.
Giang ơi, mai mốt có buồn vui gì thì cứ nói với mẹ, đừng giấu một mình như vậy. Mẹ sẽ chia sẻ và cùng con gánh vác“.
Anh Giang cũng rơi nước mắt khi nghe những lời mẹ nói và nhắn nhủ bà hãy yên tâm về mình.
Nguồn: Người kết nối, ảnh: Facebook nhân vật
Theo Lam Giang-Nhịp sống Việt