“Bỏ đói” không đúng cách, tế bào ung thư chưa kịp chết thì người bệnh đã suy kiệt.
Ung thư là một trong những căn bệnh nguy hiểm mà con người phải đối mặt hiện nay. Tuy nhiên, trên 80% bệnh ung thư có thể khỏi ở giai đoạn sớm. Dù vậy, nếu không có hiểu biết đúng đắn, việc phòng ngừa và điều trị ung thư một cách mù quáng sẽ gây tác dụng ngược.
Trong những năm gần đây, câu nói “bỏ đói tế bào ung thư” đã trở nên rất phổ biến, nhưng nhiều người dường như vẫn hiểu sai về việc tế bào ung thư có thể bị “chết đói” hay không và làm thế nào để đạt được hiệu quả.
Đặc điểm chính của bệnh ung thư là tế bào khối u phát triển không kiểm soát và vô thời hạn. Trong quá trình phát triển nhanh chóng này, tế bào ung thư cần rất nhiều năng lượng, vì vậy nhiều bệnh nhân mặc nhiên cho rằng nếu họ hạn chế ăn uống và ăn ít thì tế bào ung thư sẽ không nạp đủ năng lượng nên có thể bị “chết đói”. Tuy nhiên, cách làm này hoàn toàn phản khoa học, thậm chí nếu không cẩn thận sẽ làm bệnh nặng thêm và không có lợi cho việc điều trị ung thư.
Bỏ bữa có thể “bỏ đói” tế bào ung thư?
Cong Minghua, Phó giám đốc Bệnh viện Ung thư Tổng hợp thuộc Học viện Khoa học Y khoa Trung Quốc cho biết “bỏ đói” các tế bào khối u bằng cách không ăn là một phương pháp rất phản khoa học.
Khi bệnh nhân ung thư giảm lượng dinh dưỡng, ăn ít hoặc bỏ bữa sẽ bị suy dinh dưỡng, khả năng chống lại tế bào khối u của cơ thể cũng suy giảm. Các tế bào khối u sẽ không bị “chết đói” mà các tế bào của cơ thể chúng ta là những tế bào đầu tiên bị “chết đói” nếu không ăn.
Ở một góc độ khác, ngay cả khi bạn không ăn, tế bào khối u sẽ tạo ra một số chất chuyển hóa để phân hủy tế bào của cơ thể và tạo ra năng lượng cung cấp cho sự phát triển của tế bào khối u.
“Bỏ đói tế bào ung thư”, hãy chú ý đến phương pháp và cách thức
Ngay từ vài thập kỷ trước, Giáo sư Folkman của Đại học Harvard đã đề xuất ý tưởng “bỏ đói tế bào ung thư”, cơ sở lý thuyết chính là cắt đứt nguồn cung cấp máu và chất dinh dưỡng của tế bào ung thư.
Kể từ đó, nhiều nhà khoa học đã tiến hành rất nhiều thăm dò theo hướng này. Ví dụ, vào năm 2011, các nhà nghiên cứu từ Đại học Hoàng gia London đã phát hiện ra rằng một loại protein được gọi là “NF-kappa-B” đóng vai trò quan trọng trong quá trình thu nhận năng lượng trong các tế bào khối u. Nếu bạn có thể ức chế chức năng của protein này, nó sẽ làm tăng khả năng bỏ đói các tế bào ung thư trong cơ thể.
Tiến sĩ Johannes Coy, nhà sinh vật học người Đức cũng nhấn mạnh trong cuốn sách “Chế độ ăn uống chống ung thư” rằng bằng cách điều chỉnh chế độ ăn và giảm lượng glucose hấp thụ, các tế bào ung thư phụ thuộc lâu dài vào đường để cung cấp dinh dưỡng sẽ đi chết nhanh chóng.
Năm 2021, một nhóm nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Ung thư Toàn diện Koch của MIT đã công bố kết quả nghiên cứu mới nhất trên tạp chí hàng đầu Nature cho biết trong một nghiên cứu trên chuột, họ thấy rằng chế độ ăn giàu chất béo và ít carbohydrate có thể ức chế sự phát triển của khối u ở chuột.
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng tế bào ung thư cần chất béo để xây dựng màng tế bào trong quá trình phát triển. Nếu không có chất béo trong mô, tế bào ung thư sẽ sử dụng enzym SCD để chuyển đổi axit béo bão hòa thành axit béo không bão hòa để tế bào ung thư sử dụng. Chế độ ăn hạn chế calo (giảm năng lượng mỗi bữa ăn từ 25% đến 50% so với bình thường) không chỉ khiến tế bào khối u đói chất béo mà còn ức chế các enzym SCD, làm suy giảm khả năng thích ứng của tế bào ung thư với điều này. Sự kết hợp của hai cơ chế có thể ức chế đáng kể sự phát triển của khối u.
Nói cách khác, “bỏ đói tế bào ung thư” không có nghĩa là hoàn toàn không ăn hoặc hạn chế khẩu phần ăn mà là điều chỉnh khẩu phần theo hướng có mục tiêu, giảm ăn chất béo và thức ăn nhiều calo, đồng thời tăng tính đa dạng của chế độ ăn uống như bổ sung thêm dinh dưỡng với chất xơ và protein chất lượng cao.
“Chế độ ăn” bệnh nhân ung thư nên áp dụng
Nếu chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư không được đáp ứng đầy đủ và đúng cách, ngoài việc khả năng miễn dịch vị suy giảm, quá trình phục hồi bị ảnh hưởng thì họ cũng có thể khó chịu đựng các phương pháp điều trị ung thư như phẫu thuật và hóa trị.
Vì vậy, bệnh nhân ung thư nên đảm bảo lượng dinh dưỡng hàng ngày và việc cần chú trọng là nâng cao sức đề kháng. Trong “Hướng dẫn chế độ ăn cho bệnh nhân có khối u ác tính” do Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ban hành năm 2017, các gợi ý sau đã được đưa ra:
- Tiêu thụ ngũ cốc và khoai tây
Duy trì lượng ngũ cốc hàng ngày thích hợp: Người lớn nên tiêu thụ 200 g đến 400 g mỗi ngày. Trong trường hợp chức năng tiêu hóa bình thường, hãy chú ý đến độ dày của ngũ cốc.
- Tiêu thụ thức ăn động vật
Ăn nhiều cá, thịt gia cầm, trứng và giảm lượng thịt đỏ một cách thích hợp. Đối với bệnh nhân bị tổn thương đường tiêu hóa do xạ trị và hóa trị, nên chế biến thức ăn động vật mềm hơn hoặc nghiền nhuyễn.
- Tiêu thụ đậu và các sản phẩm từ đậu nành
Tiêu thụ đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành với lượng vừa phải hàng ngày. Nên tiêu thụ một lượng đậu nành tương đương khoảng 50 g mỗi ngày.
- Ăn rau và trái cây
Lượng rau được khuyến nghị là 300 g ~ 500 g và lượng trái cây lag 200 g ~ 300 g mỗi ngày. Bệnh nhân nên ăn các loại rau có màu sắc khác nhau và các loại rau lá được khuyến khích.
- Lượng chất béo
Sử dụng loại dầu thực vật làm dầu ăn, 25g ~ 40g mỗi ngày. Ngoài ra, bệnh nhân có khối u ác tính nên tránh uống rượu bia và hạn chế đồ nướng (lửa, than), thức ăn động vật ướp muối, chiên rán.
Cung cấp đầy đủ năng lượng chính là cách dinh dưỡng khoa học và điều trị khoa học phòng chống các khối u ung thư. Đừng nghĩ rằng các tế bào khối u ác tính sẽ bị “chết đói” do chúng ta ít ăn uống, hãy nhớ rằng làm như vậy thì chúng ta sẽ là người bị hại đầu tiên.
(Theo Toutiao)-Ánh Lê-Theo Nhịp sống kinh tế