Ở phương trời rất xa, chắc hẳn cố HLV Lê Thụy Hải sẽ nở nụ cười thật tươi để chúc mừng ông bạn già thân thiết. Thêm lần nữa, HLV Mai Đức Chung được nghe “Tổ quốc gọi tên mình”.
Vị tướng già “đứng mũi chịu sào”
Sự nghiệp của HLV Mai Đức Chung – nói không ngoa, là một chuỗi dài những lần “bị bắt nạt” vì hiền quá. Chẳng có ai như ông cả, ngay tại lễ ra mắt trên cương vị HLV tạm quyền của đội tuyển quốc gia, đã bị “bắt nạt” đến tối tăm mặt mũi, bởi những người tính ra là “sếp” của mình, những quan chức VFF như Trưởng ban chiến lược VFF Phạm Ngọc Viễn hay Ủy viên Ban chấp hành VFF Lê Văn Thành.
Ngày ấy, ông Lê Thụy Hải cực kỳ bức xúc với cái cách mà người ta đối đãi với người đàn em thân thiết của mình, khi bóng đá Việt Nam đang trong cơn “nước sôi lửa bỏng”, chỉ có duy nhất ông Mai Đức Chung là dám “xắn tay áo nhảy vào nồi nước sôi”, ấy thế mà họ “mắng” ông xơi xơi chỉ bởi vị tướng tạm quyền của đội tuyển quốc gia triệu tập Phí Minh Long và Mạc Hồng Quân. Đấy là quyền, cũng là trách nhiệm của ông. Ấy vậy mà họ chất vấn như thể ông phạm tội vậy.
“Tôi cho cháu lên đây chỉ để dự bị, tôi sẽ đào tạo tiếp cho cháu. Tôi nói vậy mong các anh hiểu và thông cảm. Tôi là nhà chuyên môn chứ không phải người thân, chú bác của Phí Minh Long. Tôi lấy ví dụ, nếu Công Phượng đá hỏng phạt đền cũng không gọi lên thì chúng ta mất một tài năng à? Chúng ta làm chuyên môn mà loại cầu thủ chỉ vì một sai lầm thì đấy là lỗi lớn của chúng ta“, ông Chung đã khẩn khoản đến như thế, ấy vậy mà rốt cuộc vẫn đi “đánh” đến rát mặt.
Nghe tin, ông Lê Thụy Hải đốp ngay: “Ông Viễn, ông Thành biết chuyên môn không mà hỏi ông Chung? Không có lãnh đạo nào lại như thế cả. Anh là lãnh đạo, mà những người bị lãnh đạo mắng thì họ biết làm sao?“.
Ông Hải vẫn thế, vẫn luôn “đốp thẳng mặt” những người dám coi thường thứ chuyên môn không hề cứng nhắc, mà ngược lại đầy tình người của ông và ông Chung. Cầu thủ gọi ông Hải bằng “bố”, còn với ông Chung, việc “trân mình chịu trận” chỉ để cho Phí Minh Long một cơ hội “làm lại” vốn đã quá đỗi bình thường, dù phải nhận phần thiệt thòi, ấm ức về mình.
Phí Minh Long không phải là cầu thủ duy nhất được HLV Mai Đức Chung trao “cơ hội thứ hai”. Cái ngày mà bóng đá Việt Nam “chạm đáy” với thất bại tủi hổ trong tay Hữu Thắng, U22 Việt Nam không phải là nạn nhân lớn nhất của HLV xứ Nghệ này, mà phải là Anh Đức.
Việc đầu tiên trên cương vị HLV tạm quyền đội tuyển Việt Nam của ông Chung là gọi cuộc điện thoại đem “tội nhân của bia miệng” Anh Đức trở lại. Ngày ấy, cái án “từ chối nghĩa vụ quốc gia” vẫn treo lơ lửng trên đầu tiền đạo Bình Dương.
“Đức ơi, bố quay về làm đội tuyển tạm thời. Bố mời lên tham gia đội tuyển, hỗ trợ giúp đỡ bố nhé“, HLV Mai Đức Chung kể lại cuộc điện thoại mời Anh Đức trở lại ngày ấy. Đấy là lời mời không thể từ chối – lời mời từ tận đáy lòng của “vị tướng già” không chỉ luôn hết lòng vì bóng đá Việt Nam, mà còn thương cầu thủ như con, như cháu. Anh Đức xin nửa tiếng để suy nghĩ, để rồi chỉ nửa tiếng sau gọi lại cho ông để cảm ơn và đồng ý.
Phần còn lại trở thành một phần lịch sử vinh quang của bóng đá Việt Nam. Hai trận cầm quân “chữa cháy”, ông Mai Đức Chung thắng cả hai. Nhường chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG cho HLV Park Hang-seo, ông Chung trao luôn cho ông thầy người Hàn Quốc “cây chủy thủ” sắc bén bậc nhất của bóng đá Việt Nam. Trở lại từ lời mời thiết tha của người thầy tận tâm, Anh Đức tỏa sáng rực rỡ, ghi danh vào lịch sử với bàn thắng đem về chức vô địch AFF Cup lần thứ hai cho bóng đá Việt Nam.
Sự xúc phạm trị giá 500 triệu đồng
Không phải Hữu Thắng hay bất kỳ HLV nào từng ngồi trên chiếc ghế HLV trưởng ĐTQG Việt Nam, Mai Đức Chung mới là người bị “đánh” nhiều nhất, và bị “đánh” vô lý nhất.
SEA Games 2019, sau chức vô địch của bóng đá nữ Việt Nam, rất nhiều khoản tiền thưởng được hứa trao, trong đó có một doanh nghiệp đã trao bảng tiền thưởng trị giá 500 triệu đồng. HLV Mai Đức Chung là người đại diện đứng ra nhận. Song sau đó, doanh nghiệp này “chẩy bửa”, đưa ra đủ mọi yêu sách. Hai lần hứa chuyển khoản, song rốt cuộc chẳng có đồng nào được chảy về tài khoản nhận thưởng của đội tuyển nữ Việt Nam, bởi người ta “không tin ai cả”.
Năm trăm triệu đồng là số tiền không nhỏ với các cầu thủ nữ, ông Chung thừa biết như vậy. Song đứng ở ranh giới bị xúc phạm nhân phẩm bởi “của cho không bằng cách cho”, ông chọn nói lời từ chối thẳng thừng để bảo vệ lòng tự trọng của bản thân, cũng như các học trò.
“Của cho không bằng cách cho. Chúng tôi cảm thấy bị tổn thương và như bị xúc phạm nếu phải nhận cách cho như kiểu ban ơn. Tôi xin cảm ơn công ty ĐG vì đã có ý định thưởng, nhưng bây giờ chúng tôi xin không nhận khoản thưởng này nữa“, hiếm hoi lắm, người ta mới thấy ông Chung nói lời “như dao chém đá” đến như vậy.
Nhưng sau câu nói “như đinh đóng cột” ấy của ông, một chiến dịch “truy sát” vị tướng già này được khởi động. Một trang mạng xã hội được lập ra, với đầy đủ các bài vở lớp lang từng hàng, từng ngày bêu xấu ông cùng VFF, nhai đi nhai lại câu chuyện chia tiền thưởng, từ bóng gió đến trực tiếp “tố” ông tiếp tay cho việc ăn chặn tiền thưởng, chia thưởng không đều… Những ngày ấy, những người làm nghề và biết ông đều thực sự cảm thấy lo lắng cho ông. Sức mạnh của mạng xã hội, mấy ai mà lường nổi.
Rốt cuộc, ông Chung cũng “tai qua nạn khỏi”. Một phần bởi chẳng ai còn lạ gì sự thẳng thắn và đàng hoàng của ông, các học trò của ông hết lòng bảo vệ thầy. Phần còn lại là bởi… cũng ít người quan tâm đến bóng đá nữ.
Chiếc vé dự VCK World Cup 2023 của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam là kỳ tích lẫy lừng. Đấy là chiếc vé quý giá mà bóng đá Việt Nam luôn hằng ao ước, song nó quý giá hơn nhiều khi nhìn vào hành trình gian khổ mà thầy trò HLV Mai Đức Chung phải trải qua để đạt được.
Nhìn cái cách mà đội tuyển nữ Việt Nam chiến đấu đến kiệt sức trước Hàn Quốc ở trận khai màn Asian Cup trên đất Ấn Độ, mới thấy nỗ lực của họ tuyệt vời đến nhường nào. Nếu không phải là HLV Mai Đức Chung, nếu không phải là niềm tin tuyệt đối của các học trò vào ông thầy luôn có được sự uy tín tuyệt đối như “vị tướng già” ấy, liệu những cô gái Việt Nam có cháy hết mình được như thế, để đem về chiến tích lẫy lừng cho bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế hay không?
Ông Chung từng kể lại trong cuộc gặp cuối cùng với ông, người bạn già Lê Thụy Hải đã dặn dò: “Anh em mình còn sức khỏe, còn cống hiến cho bóng đá Việt Nam. Tất cả vì cái chung chứ không có chút cá nhân nào ở đây cả, sao cho không bao giờ phải hối tiếc“.
Suốt hành trình dài gần một đời người đá bóng và làm bóng đá, sự dấn thân của HLV Mai Đức Chung là điều những ai từng có vinh dự được làm việc cùng ông, tiếp xúc với ông đều hết lòng cảm phục. Nhưng với ông, hai chữ “dấn thân” dường như xa lạ, có lẽ cũng như cố HLV Lê Thụy Hải, với ông đơn giản chỉ là “sống sao cho không bao giờ phải hối tiếc”.
Đêm mai, vị tướng già ấy cùng đoàn quân vinh quang của mình sẽ trở về quê nhà trên chuyên cơ, và chắc hẳn sẽ được chào đón theo cách trọng thị nhất. Nhưng ai mà biết được khi mọi thứ đi qua, bão tố có lại ập xuống đầu ông như bao lần khác.
“Năm sau, tôi cũng 73 tuổi rồi còn gì“, câu nói của HLV Mai Đức Chung thốt ra khi công bố ý định rút lui ngay sau chiến tích huy hoàng của bóng đá Việt Nam, thoạt nghe là vô cùng hợp lý, song hàm chứa trong ấy là không ít nỗi xót xa.
Bầu Đức từng “cà khịa” HLV Hoàng Anh Tuấn – người đầu tiên đưa bóng đá Việt Nam đến đấu trường World Cup: “Rồi dự giải thì có được trận thắng nào không?“.
Ở tuổi “thất thập cổ lai hi”, liệu vị tướng già ấy còn đủ sức chịu đựng, dù chính ông chưa từng e ngại trước bất kỳ khó khăn nào: “Tôi là một người Đảng viên, trong lúc dầu sôi lửa bỏng này, chẳng ai nhận thì tôi nhận thôi. Thắng tôi nhận, thua tôi chịu trách nhiệm, đánh đổi bằng danh tiếng tôi cũng chấp nhận. Cả đời tôi sống thế rồi, sá gì chỉ một trận đấu này“.
Theo Lam Chi-Theo Pháp Luật và Bạn đọc