Tính đến tháng 11/2021, khu vực châu Á – Thái Bình Dương có 1.087 tỷ phú và khối tài sản trong tay họ đã tăng tới 74% kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Theo báo cáo mới nhất của Oxfam, 1% người giàu nhất trong khu vực đang sở hữu nhiều tài sản hơn 90% người nghèo nhất. Điều này cho thấy của cải tại châu Á – Thái Bình Dương đã và đang chảy vào túi người giàu nhiều hơn khi đại dịch hoành hành. Tài sản của các tỷ phú này tại đây cũng tăng thêm 74% kể từ khi Covid-19 bùng phát, tương ứng 1,88 tỷ USD, cao hơn tổng tài sản mà 20% người nghèo nhất trong khu vực sở hữu.
Đến tháng 03/2021, châu Á có thêm 20 tỷ phú mới nhờ ‘đại dịch’ thuộc các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Nhiều người tăng gấp đôi giá trị tài sản nhờ đại dịch. Họ đều đến từ các ngành thiết bị, dược phẩm và các dịch vụ cần thiết khác phục vụ cuộc chiến chống Covid-19. Những người này bao gồm tỷ phú Li Jianquan – Chủ tịch công ty Winner Medical chuyên sản xuất khẩu trang và thiết bị bảo hộ cá nhân cho nhân viên y tế, và tỷ phú Dai Lizhong – Chủ tịch công ty Sansure Biotech chuyên sản xuất các bộ kit xét nghiệm Covid-19.
Theo Oxfam, Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe và kinh tế khiến tình trạng bất bình đẳng trong khu vực gia tăng. Trong khi giới tinh hoa giàu có dễ dàng bảo vệ sức khỏe và tài sản của mình, thì những người nghèo nhất và nhóm thiểu số phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật, tử vong và cuộc sống cơ cực, thúc đẩy một chu kỳ bần cùng hóa mới trên toàn khu vực.
Oxfam ước tính rằng đại dịch và tình trạng bất bình đẳng kinh tế gia tăng đã đẩy thêm 140 triệu người vào cảnh nghèo đói ở châu Á trong năm 2020 và thêm 8 triệu người nữa vào năm 2021. Trong khi sinh kế của nhiều gia đình nghèo bị phá hủy do các lệnh phong tỏa và kinh tế đình trệ, thì những người giàu nhất đã kịp phục hồi và thậm chí còn giàu hơn trước.
Theo báo cáo, từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2020, các tỷ phú châu Á sở hữu thêm khối tài sản đủ để trả mức lương gần 10.000 USD cho mỗi lao động trong số 147 triệu việc bị mất đi tại đây vào cùng thời gian này.
Việc phân bổ tư liệu sản xuất như đất đai tại châu Á vẫn tiếp tục có sự bất bình đẳng lớn. Theo nghiên cứu trước cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, 20% nông dân giàu nhất ở Pakistan nắm giữ 69% đất nông nghiệp trên toàn quốc. Ở Thái Lan, 10% những nông dân hàng đầu sở hữu hơn 60% đất đai, so với chỉ 0,07% của 10% người nghèo nhất.
Trên toàn cầu, Oxfam cho biết khối tài sản của 10 người giàu nhất đã tăng gấp đôi trong đại dịch, từ 700 tỷ USD lên 1,5 nghìn tỷ USD. Ngược lại, 160 triệu người đã bị đẩy vào cảnh nghèo đói trong cùng thời gian này.
Lam Vy (ZB)