Nhìn thấu được chân tướng và động cơ của người khác cũng khiến chúng ta nảy sinh cảm giác thất vọng và mất hết niềm tin với thế giới này.
Trong cuộc sống, chúng ta thường có thái độ hiếu kỳ và sùng bái đối với người có IQ cao.
Tuy nhiên, trên thực tế, “thiên tài” và “kẻ điên” chỉ cách nhau một đường ranh giới mỏng manh. Một vài người tuy có sự thông minh “tuyệt đỉnh”, giỏi phân tích và lý luận nhưng vẫn cảm thấy không vui, thậm chí còn loay hoay với việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống.
Trên đời này, có một số chuyện sẽ khiến người thông minh trở nên cô độc, bi thương và mất mát.
Vậy thì tại sao người có IQ cao rất ít khi cảm thấy hạnh phúc, thậm chí còn mắc những chứng bệnh tâm lý. Nguyên nhân chủ yếu nằm trong 6 điều sau:
1. Phân tích sự việc đến quá độ
Rất nhiều người có IQ cao thường suy nghĩ phức tạp vấn đề, thích phân tích sâu xa tất cả mọi chuyện phát sinh trong cuộc sống.
Đương nhiên, điều này sẽ khiến họ mệt mỏi, đặc biệt là khi dòng suy nghĩ hướng đến kết quả tiêu cực.
Chắc rằng các bạn đã từng nghe câu: “Biết ít mới là hạnh phúc”.
Thật vậy! Người biết càng ít thì sẽ càng ít phiền muộn. Những người vô lo vô nghĩ mới là người vui vẻ và hạnh phúc nhất trên đời này.
Lắm lúc, nhìn thấu được chân tướng và động cơ của người khác cũng khiến chúng ta nảy sinh cảm giác thất vọng và mất hết niềm tin với thế giới này.
2. Yêu cầu tiêu chuẩn quá cao
Người thông minh thường biết họ muốn gì và làm gì. Theo đó, họ luôn đưa ra yêu cầu rất cao đối với nhiều việc, đặc biệt trong lĩnh vực mà họ tâm đắc và nghiên cứu chuyên sâu.
Từ đó, họ khó cảm thấy thỏa mãn với thành công, các mối quan hệ xã hội và cuộc sống của hiện tại.
Ngoài ra, những người có đầu óc thông minh thường ít biết cách chấp nhận hiện thực, đồng thời thế giới quan của họ bị lấp đầy bởi lý tưởng hóa. Vậy nên, khi sự kỳ vọng của họ khác xa với hiện thực cuộc sống, thất vọng và mất niềm tin là điều không thể tránh khỏi.
3. Quá hà khắc với bản thân
Một nguyên nhân khác khiến người IQ cao ít khi cảm thấy vui vẻ trong cuộc sống là vì họ quá nghiêm khắc với bản thân.
Người thông minh sử dụng những cách thức đặc biệt để phân tích con người và hành động của bản thân. Đôi khi, điều này còn diễn biến cực đoan đến mức người khác nhìn vào tưởng rằng họ đang “bới lông tìm vết” để trách cứ chính mình.
Nhiều lúc, vốn dĩ đang nằm trên giường chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, nhưng đột nhiên nhớ lại một chuyện nào đó (có thể đã phát sinh từ mấy tháng hoặc mấy năm về trước) không được giải quyết theo cách đúng đắn. Kết quả là tự khiến bản thân mất ngủ và sa sút tinh thần.
Người IQ cao thường có xu hướng đau đáu về những hồi ức sai lầm, từ đó nảy sinh cảm giác tội lỗi, phẫn uất và các loại cảm xúc tiêu cực khác.
4. Không biết thỏa mãn với hiện thực
Người IQ cao không bao giờ ngừng theo đuổi những thứ to lớn và vĩ đại.
Tư tưởng năng động và trí tưởng tượng cao siêu khiến họ không thể thả lỏng bản thân để đi hưởng thụ những điều tốt đẹp trong cuộc sống ngoài kia.
Đối với họ, thế giới hiện thực quá nhàm chán và vô vị. Nhiều người khát vọng khám phá ra những thứ kỳ dị, lý tưởng và vĩnh hằng, nhưng những thứ này chẳng hề tồn tại trong thế giới hiện thực.
5. Thiếu giao tiếp và sự thấu hiểu
Được người khác thấu hiểu là một trong những điều ý nghĩa nhất trong cuộc đời này.
Ngồi cùng người bạn tâm giao ở một nơi yên tĩnh, nói về những câu chuyện thú vị. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy cuộc đời này thật tươi đẹp khi có người hiểu mình.
Thế nhưng, điều đáng tiếc là người IQ cao rất ít khi cảm thụ được thú vui này. Một vài thống kê tâm lý học cho thấy, người thông minh thường chọn cách thu hẹp các mối quan hệ xã hội để có cảm giác hạnh phúc nhiều hơn. Theo đó, họ cho rằng ít giao lưu tiếp xúc với con người sẽ khiến họ cảm thấy vui vẻ và có nhiều thời gian cho bản thân hơn.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc người IQ cao không muốn có bạn bè hay mối quan hệ thân thiết. Song, họ chỉ muốn nói về những chuyện thú vị và cao siêu, chứ không phải là những chủ đề về ẩm thực, tiền bạc hay cuộc sống thường ngày.
Chính vì thế, người thông minh thường khó tìm được bạn chí cốt cùng chung lý tưởng với mình.
6. Thường gặp vấn đề về tâm lý
Các chuyên gia đã thực hiện nhiều nghiên cứu về những chứng bệnh tâm lý (sợ hãi xã hội, rối loạn lưỡng cực,…) và người có IQ cao.
Theo đó, người thông minh rất dễ mắc phải bệnh tâm lý, đặc biệt là trầm cảm. Điều này chính là hệ lụy của việc suy nghĩ mọi việc quá phức tạp.
Trên thực tế, rất nhiều đứa trẻ mắc chướng ngại trong tâm lý nhưng lại có IQ rất cao, có thể giải những bài phương trình toán học ở cấp bậc chuyên gia.
Trí thông minh là một dạng bẩm sinh. Trong một vài trường hợp, trí thông minh của một người cũng được hình thành và phát triển từ sự bồi dưỡng, nhưng quá trình này phải được thực hiện ngay từ nhỏ.
(Nguồn: Zhihu)-Theo Phan–Pháp luật & Bạn đọc