Trong khi nhiều người trẻ muốn trở thành tỷ phú, các tỷ phú lại chỉ muốn trẻ lại.
Tuần vừa rồi, start-up Altos Labs được đầu tư bởi tỷ phú Jeff Bezos đã chính thức ra mắt và một bước trở thành kỳ lân: Bởi các ông chủ đứng sau nó bao gồm Bezos và tỷ phú gốc Nga Yuri Milner đã cam kết một khoản đầu tư lên tới 3 tỷ USD vào công ty công nghệ sinh học này.
Altos Labs có sứ mệnh tìm kiếm các phương thuốc hoặc liệu pháp có khả năng giúp con người đánh bại thần chết và đảo ngược quá trình lão hóa. Đúng là trong khi nhiều người trẻ muốn trở thành tỷ phú, các tỷ phú lại chỉ muốn trẻ lại.
Để giúp mình đạt được mục tiêu đó, Jeff Bezos đã thuê về Hal Barron, một nhà khoa học hàng đầu tại công ty dược phẩm GlaxoSmithKnine. Barron sẽ rời vị trí giám đốc khoa học của GSK để trở thành CEO của Altos Labs.
Ngoài ra, nhiều vị trí chủ chốt của Altos Labs cũng đã lộ diện bao gồm nhà nghiên cứu tế bào gốc Shinya Yamanaka, người từng đạt giải Nobel Y học năm 2012 và nhà hóa sinh Jennifer Doudna, người sáng chế công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR và mới đoạt giải Nobel Hóa học năm 2020.
Yamanaka sẽ giữ một ghế cố vấn khoa học cho Altos Labs trong khi Doudna có tên trong hội đồng quản trị công ty.
Bên cạnh đó, Altos Labs cũng sẽ có sự phục vụ của giáo sư sinh vật học Juan Carlos Izpisua Belmonte, người đã đảo ngược được quá trình lão hóa trên chuột vào năm 2016. Trụ sở công ty tại Cambridge sẽ được phụ trách bởi tiến sĩ Wolf Reik, một giáo sư di truyền biểu sinh đã phát minh ra phương pháp lập trình trẻ hóa tế bào từ những năm 2000.
Làm thế nào để đánh bại lão hóa?
Suốt hàng thiên niên kỷ, trường sinh bất tử vẫn luôn là một chủ đề mê hoặc với con người. Nếu như trong quá khứ, chúng ta có những bậc đế vương muốn ướp xác để bất tử, uống thủy ngân để trường sinh. Thì ngày nay, tiến bộ khoa học công nghệ đã đưa những khát vọng đó từ niềm tin ấu trĩ trở lại thành một thực tế khả thi hơn rất nhiều.
Senolytics, y học chống lão hóa (chống lại các tế bào già hóa) hiện đang là một lĩnh vực mới nổi và rất được kỳ vọng. Nhiều bác sĩ lão khoa hàng đầu thế giới đã chứng minh phương thuốc chống lão hóa của họ hoạt động được trên động vật và hiện đang bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người.
Mọi thứ bắt đầu từ nguồn cơn của lão lóa, câu hỏi: Tại sao chúng ta lại già đi? Các nhà khoa học cho biết lão hóa xuất phát từ từng tế bào, những viên gạch sự sống đang cấu tạo nên mọi sinh vật.
Năm 1961, Leonard Hayflick, một nhà giải phẫu học người Mỹ nhận thấy trung bình, một tế bào của con người chỉ có thể phân chia 50 lần trước khi chuyển sang trạng thái được gọi là ‘lão hóa’.
Có nhiều nguyên nhân gây ra lão hóa ở cấp độ tế bào. Chúng bao gồm sự tổn thương oxy hóa, tích tụ các lỗi nhỏ trong DNA và sự rút ngắn của các telomere hay đoạn cuối của nhiễm sắc thể.
Về cơ bản, các thành phần khác nhau của tế bào trải qua quá trình hao mòn trong suốt thời gian tồn tại của chúng. Tại một số điểm, thiệt hại này có nghĩa là tế bào không còn có thể hoạt động như trước nữa. Nó đánh dấu một cột mốc trong quá trình lão hóa của tế bào và cơ thể bạn.
Các nhà khoa học quan sát thấy khi một tế bào bị lão hóa, chúng không chết ngay mà thường tìm đến nhau để sống co cụm. Tế bào lão hóa không làm việc, không đóng góp chức năng nào cho sự sống của bạn, thay vào đó, chúng lại thải ra các hóa chất độc hại, gây viêm, làm hỏng hoặc thậm chí biến các tế bào khỏe mạnh bên cạnh thành tế bào lão hóa.
Chính hiệu ứng này khiến các tế bào lão hóa còn được gọi là tế bào zombie, nguồn cơn của các dấu hiệu tuổi tác từ những nếp nhăn, đồi mồi trên da cho tới sự thoái hóa của tế bào thần kinh gây ra bệnh Alzheimer, Parkinson, và cả ung thư…
Chống lại lão hóa bởi vậy chính là chống lại các tế bào này. Các nhà khoa học đã thử nhiều cách để ngăn chặn tế bào lão hóa, từ truyền máu trẻ hóa , lập trình lại gen cho tới các loại thuốc hóa học , liệu pháp oxy nồng độ cao và thay đổi chế độ ăn uống.
Các phương pháp này đạt được hiệu quả tốt nhất trên giun tròn C. elegans, với mức tăng tuổi thọ gấp 10 lần và chuột với mức tăng tuổi thọ gấp rưỡi. Ngày càng nhiều nhà khoa học tin rằng chúng ta sẽ có khả năng tăng tuổi thọ con người lên trên 150 tuổi bằng các biện pháp tương tự.
Đó chính xác là hướng đi của Altos Labs cùng hơn 30 công ty công nghệ sinh học khác đang hoạt động trong lĩnh vực.
Sân chơi của các tỷ phú
Nếu bạn chưa biết thì ngoài Altos Labs, tỷ phú Jeff Bezos cũng đã đầu tư hàng triệu USD vào một công ty chống lão hóa khác là Unity. Công ty này cũng được rót vốn bởi nhà sáng lập Paypal Peter Thiel.
Năm 2018, Unity đã đạt được một bước tiến lớn khi có khả năng sử dụng một kỹ thuật gen để loại bỏ các tế bào lão hóa trên chuột. Họ đã thử nghiệm nó trên những con chuột sinh cùng lứa.
Qua thời gian, con chuột nào được can thiệp để loại bỏ các tế bào già hóa có lông cứng và bóng mượt hơn, trong khi những người anh chị em của nó đã bị teo nhỏ lại, lông chuyển xám với những dấu hiệu tuổi tác rõ ràng.
Chính bức ảnh này đã thu hút Bezos và Thiel đầu tư vào Unity. Kevin Perrott, chủ tịch Viện Chính sách Sức khỏe Toàn cầu cho biết đó là phản ứng chứng minh Thung lũng Silicon đã bắt đầu coi lão hóa là một vấn đề có thể giải quyết được, chỉ cần có “thời gian và đầy đủ các bước”: “Quy mô lợi nhuận rất lớn. Nếu bạn có thể đưa bất cứ thứ gì như vậy ra thị trường, bạn sẽ nắm trong tay một thứ mà cả thế giới đều cần”.
Ước tính từ nay tới năm 2025, giá trị của cả ngành công nghiệp thuốc chống lão hóa sẽ tăng đến mức 610 tỷ USD. Nhưng những tỷ phú như Bezos không chỉ quan tâm đến việc tài trợ cho một loại thuốc đem lại lợi nhuận đơn thuần.
“Họ bị thu hút bởi những ý tưởng thay đổi tận gốc suy nghĩ của chúng ta về bệnh tật, thay đổi cách mà chúng ta sống“, Anrivan Ghosh, Giám đốc điều hành của Unity, cho biết.
Trên toàn thế giới, hiện có hơn 30 công ty công nghệ sinh học đang phát triển các loại thuốc chống lão hóa giống như của Unity, tất cả đều nhận được sự tài trợ từ những cá nhân và tập đoàn giàu có nhất Trái Đất.
Từ trái sáng phải: Nhà nghiên cứu tế bào gốc Shinya Yamanaka, người từng đạt giải Nobel Y học năm 2012, nhà hóa sinh Jennifer Doudna, người sáng chế công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR và mới đoạt giải Nobel Hóa học năm 2020, tiến sĩ Wolf Reik, giáo sư di truyền biểu sinh đã phát minh ra phương pháp lập trình trẻ hóa tế bào từ những năm 2000. Tất cả đang làm việc cho Altos Labs.
Ngoài Peter Thiel và Jeff Bezos, chúng ta còn thấy Larry Ellison của Oracle tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Những người sáng lập Google, Sergey Brin và Larry Page, cũng đã giúp thành lập Calico, một công ty con của Alphabet vận hành một nguồn tài chính hàng trăm triệu USD cho nhiệm vụ chống lão hóa.
Dmitry Itskov, một tỷ phú người Nga khác cũng đã đầu tư hàng triệu USD vào một dự án được gọi là “Sáng kiến 2045“, quy tụ hơn 30 nhà khoa học nước này để thành lập một trung tâm nghiên cứu sự bất tử.
Paul Root Wolpe, giám đốc trung tâm đạo đức tại Đại học Emory, Hoa Kỳ, cho biết không phải ngẫu nhiên mà các tỷ phú lại là những nhà đầu tư sớm cho một liều thuốc kéo dài tuổi thọ.
“Đây là một trong những lĩnh vực khoa học, trí tuệ tuyệt vời cần chinh phục. Những người này đã chinh phục thế giới theo nhiều cách mới mẻ. Họ là nhóm đầu tiên chạm đến mạng sống của hàng trăm triệu, nếu không muốn nói là hàng tỷ người. Họ có quá nhiều tiền mặt, và họ không biết phải làm gì với nó”.
Tham khảo Futurism, Theconversation-Theo Thanh Long-Theo Pháp luật và Bạn đọc