Hiện nay Mỹ đang nhấn mạnh quá nhiều tới khía quân sự-an ninh trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Điều này khiến Mỹ theo đuổi một chiến lược ngày càng không tương thích với nền tảng kinh tế của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung đó.
Hồi tháng 11/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức cuộc họp trực tuyến về quản lý cạnh tranh nước lớn và tránh một cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới. Tuy nhiên, cuộc họp này đã không tạo ra được đột phá ngoại giao nào. Hai bên không đạt được thỏa thuận về các vấn đề chính sách cơ bản như kiểm soát vũ khí, đại dịch Covid-19 , biến đổi khí hậu, và tranh chấp thương mại.
Mặc dù hội nghị thượng đỉnh đó giúp giảm căng thẳng giữa 2 nước về trung hạn, Mỹ và Trung Quốc vẫn ít có khả năng sẽ đạt được đồng thuận về một khuôn khổ khuyến khích cách tiếp cận mang tính hòa giải hơn.
Cách tiếp cận của Mỹ: Thiên về an ninh và quân sự
Thay vì tăng cường quan hệ đối tác kinh tế đang tồn tại hiện nay ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hơn khi nào hết giới hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ có xu hướng tập hợp đồng minh và dựa vào các mối quan hệ đối tác an ninh như là AUKUS để củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà Mỹ có truyền thống dẫn dắt.
Trong lúc Trung Quốc đã vươn lên thành một thế lực kinh tế lớn, Mỹ vẫn tiếp tục lấy “an ninh hóa” làm chính sách đối ngoại chủ đạo. Việc quân sự hóa vị thế của Mỹ ở Thái Bình Dương đã có từ trước thời chính quyền Biden và chính quyền của người tiền nhiệm ông này.
Chẳng hạn, chính quyền Tổng thống Mỹ Obama chủ trương xoay trục sang châu Á và phân phối lại các ưu tiên quốc phòng của Mỹ về khu vực này. Một mặt, “xoay trục” có nghĩa là gia tăng chi phí quân sự của Mỹ và có thêm các tàu hải quân của nước này ở trong vùng.
Mặt khác, Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh chi phí quốc phòng cũng như các nỗ lực xây dựng đảo nhân tạo để củng cố các yêu sách và tuyến thương mại của họ ở Biển Đông. Kết quả là, thế đối đầu quân sự ngày càng gia tăng trong khu vực. Căng thẳng quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đang tăng lên trong vấn đề Đài Loan, có thể dẫn đến xung đột với hậu quả nặng nề cho ổn định khu vực và nền kinh tế thế giới.
Việc nhấn mạnh quá mức đến an ninh như một cái khung cho cạnh tranh với Bắc Kinh có một số hệ lụy sau. Thứ nhất, Washington có rủi ro bỏ phí nguồn vốn chính trị có thể dùng để xử lý vấn đề cạnh tranh kinh tế. Thứ hai, họ có nguy cơ tính toán nhầm mức độ an ninh hóa của quá trình đưa ra quyết định về kinh tế.
Một sách trắng của Viện Hòa bình và Ngoại giao nhận định: “Chú ý thực tế đa cực và ngừng xem xét thế đối đầu từ lăng kính quân phiệt sẽ cho phép Mỹ tận dụng hệ thống dựa trên luật lệ mà họ đã cẩn thận điều phối”.
Trong khi đó, Mỹ đã phớt lờ các mô hình hợp tác kinh tế đa phương trong khu vực. Bắc Kinh gần đầy đã nộp đơn xin gia nhập Hiệp định đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Washington đã từ bỏ.
Lợi bất cập hại nếu Mỹ không điều chỉnh linh hoạt cho sát hợp thực tế
Nhật Bản – nền kinh tế lớn nhất trong Hiệp định trên, vẫn ngần ngại về việc an ninh hóa quan hệ với Trung Quốc do khoảng cách địa lý và mối quan hệ thương mại gần gũi với nước này. Tuy nhiên, Tokyo vẫn cởi mở với một chiến lược kinh tế có tính điều phối hơn để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong vùng và hy vọng chính quyền Tổng thống Mỹ Biden sẽ tái gia nhập CPTPP.
Chính quyền Biden cho đến nay vẫn từ chối quay trở lại CPTPP mà Mỹ có tham gia thiết kế nhằm kiềm chế ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh. Trong khi đó, Trung Quốc và nhiều nước ở châu Á-Thái Bình Dương đã ký gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP). Hiệp định này sẽ thắt chặt sự phụ thuộc lẫn nhau của khu vực.
Một khi RCEP được thực hiện, hội nhập kinh tế sâu hơn sẽ mang châu Á-Thái Bình Dương đến gần hơn với quỹ đạo của Trung Quốc và giúp nền kinh tế lớn nhất của châu Á-Thái Bình Dương thực thi ảnh hưởng lớn hơn đối với các quy tắc và dàn xếp của Hiệp định từ bên trong.
Nói cách khác, một sự nhấn mạnh quá mức vào an ninh đã tạo ra một chiến lược Mỹ ngày càng không tương thích với cơ sở kinh tế của cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc .
Nếu muốn cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc, Mỹ cần xây dựng một chương trình nghị sự kinh tế đa vector mạnh mẽ hơn để đối trọng với những chỗ mà họ đã nhượng bộ ảnh hưởng về chính sách cho Bắc Kinh.
Một đại chiến lược sâu sắc hơn và tính nghiêm túc đến thực tế địa kinh tế có thể tồn tại song hành với các chính sách hướng tới các mối quan ngại an ninh như việc Trung Quốc trỗi dậy trong các ngành công nghiệp chiến lược.
Thí dụ, New Zealand đã cẩn thận siết chặt các quy định viễn thông của mình để xử lý các mối quan ngại an ninh liên quan đến các mạng 5G. Đồng thời, Wellington cũng nâng cấp thành công hiệp định thương mại tự do với Bắc Kinh trong năm nay. Các đối tác khác của Mỹ cũng có thể tạo ra sự cân bằng tương tự giữa an ninh và các đòi hỏi kinh tế. Chính yếu tố sau là nơi cạnh tranh Mỹ-Trung diễn ra dữ dội nhất.
Tóm lại, nếu Mỹ chuyển trọng tâm sang cạnh tranh kinh tế, họ sẽ vẫn đối trọng được với Trung Quốc, đồng thời nuôi dưỡng được tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tránh được những nguy hiểm từ cạnh tranh an ninh-quân sự./.
Theo VOV