Cảng Vũng Áng có vai trò rất quan trọng đối với chính sách của Chính phủ Lào trong việc tiếp cận với hoạt động hàng hải.
Sáng 10/1, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Chính phủ Lào Phankham Viphavanh đã đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam – Lào và gặp gỡ doanh nghiệp hai nước.
Một trong những kết quả đáng chú ý tại kỳ họp là việc hai nước đã trao bản cam kết giữa 3 cổ đông Việt Nam và Lào về việc thực hiện tăng tỷ lệ sở hữu của Chính phủ Lào từ 20% lên 60% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Cảng quốc tế Lào – Việt, đơn vị vận hành cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh.
Tháng 12/2020, Công ty Thương mại Dầu khí Lào (PetroTrade) đã công bố thành phần HĐQT Công ty Phát triển cảng Vũng Áng Lào-Việt Nam (VDS) – liên doanh giữa Chính phủ Lào và Petro Trade theo thỏa thuận đã ký giữa Chính phủ hai nước Lào- Việt Nam.
Mục tiêu của việc thành lập liên doanh là để thực hiện chiến lược hội nhập khu vực và mở rộng cảng biển Vũng Áng, tăng khả năng trung chuyển hàng hóa, tiếp nhận tàu biển tại cảng này. Theo VOV, Bộ Tài chính Lào nắm giữ phần vốn nhà nước với tỷ lệ 51%, thời gian hoạt động 50 năm và có thể gia hạn tùy thỏa thuận giữa hai bên.
Lào là quốc gia nằm hoàn toàn trong đất liền, do đó cảng Vũng Áng có vai trò rất quan trọng đối với chính sách của Chính phủ Lào trong việc tiếp cận với hoạt động hàng hải – thương mại đường biển và tăng cường kết nối khu vực.
Dự án này cũng giúp Lào giảm đáng kể chi phí vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần thúc đẩy kinh tế Lào tăng trưởng nhờ phát triển giao thông vận tải và thương mại, tăng cường quan hệ hữu nghị với các quốc gia khác, đặc biệt là mối quan hệ giữa Lào và Việt Nam.
Việt Nam-Lào: “Giúp bạn như giúp mình”
Được biết, trong năm 2021, một số dự án lớn và quan trọng đã được phía Lào tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ như dự án cảng Vũng Áng, thủy điện Luông-pra-băng, Xê-ca-mản 3, muối mỏ Kali, sân bay Noong-khảng,…
Phát biểu tại kỳ họp, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh đã nhắc tới tinh thần “giúp bạn như giúp mình” mà Việt Nam dành cho Lào trong suốt quá trình lịch sử cách mạng và bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác trên tinh thần “nói được, làm được”, chân thành, tin cậy, góp phần giúp hai nước cùng phát triển thịnh vượng, hùng cường.
Thủ tướng Lào khẳng định chính phủ hai nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để tháo gỡ khó khăn và triển khai các dự án hợp tác kinh tế, đầu tư. “Tôi kỳ vọng ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào, đưa Việt Nam trở thành nhà đầu tư lớn thứ 2, thứ nhất tại Lào”, Thủ tướng Phankham Viphavanh nhấn mạnh.
Về phần mình, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng và những kết quả tích cực, đóng góp vào quá trình xây dựng, củng cố quan hệ hợp tác Việt Nam-Lào ngày càng bền chắt.
Bên cạnh những hạn chế, khó khăn và thách thức còn tồn tại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặc biệt nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để phía Lào xuất, nhập khẩu hàng hóa qua tất cả các cảng biển của Việt Nam.”
Việt Nam đứng thứ 3 trong các quốc gia đầu tư tại Lào
Tại cuộc họp báo công bố kết quả Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào, Chủ tịch Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam – Lào, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: hai bên đã bàn, thống nhất, và cụ thể hóa các ý kiến kết luận của hai Bộ Chính trị vào Thỏa thuận Kế hoạch hợp tác giữa hai nước năm 2022.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Việt Nam – Lào năm 2022 là kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Lào về cả thể chế và hạ tầng.
Bên cạnh việc trao bản cam kết tăng tỷ lệ sở hữu của Chính phủ Lào tại Công ty cổ phần Cảng quốc tế Lào-Việt, tại kỳ họp đã diễn ra lễ ký kết, trao 9 văn kiện hợp tác giữa hai bên, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ hai nước.
Các văn kiện hợp tác được kí kết bao gồm: Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam – Lào năm 2022; Biên bản Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào; 1 thỏa thuận triển khai dự án trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; 5 thỏa thuận triển khai dự án trong lĩnh vực xây dựng.
Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí thứ 3 trong số các quốc gia có hoạt động dầu tư tại Lào (sau Trung Quốc và Thái Lan) với 209 dự án có tổng vốn đăng ký 5,1 tỷ USD được cấp giấy chứng nhận đầu tư sang Lào còn hiệu lực. Kim ngạch thương mại hai nước vẫn có bước tăng trưởng vượt bậc, ước tính năm 2021 đạt 1,3 tỉ USD, tăng 30,3% so với năm 2020./.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị