Theo tờ SCMP, trùm tình báo Kazakhstan Masimov được cho là “tay sai” của Trung Quốc ở quốc gia Trung Á.
“Trùm cuối” bạo loạn ở Kazakhstan chưa chắc đã là Mỹ?
Vụ việc Cựu Giám đốc Ủy ban An ninh Quốc gia Kazakhstan (KNB) Karim Massimov, người bị sa thải khỏi vị trí lãnh đạo trong bối cảnh biểu tình bạo lực lan rộng trên khắp nước và ngay sau đó bị bắt giữ với cáo buộc phản quốc đặt ra rất nhiều nghi vấn về thế lực đứng sau ông này.
Mới đây bức ảnh ông Massimov – người thường được gọi bằng biệt danh “Hồng y xám” – chụp cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden và con trai ông – doanh nhân Hunter Biden tại thời điểm chưa xác định đã được “đào mộ” và gán với giả thuyết về việc Mỹ giật dây bạo loạn ở Kazakhstan.
Tuy nhiên chỉ ít giờ trước, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa ra một giả thuyết rất khác và có vẻ thực tế hơn nhiều.
Đó là mặc dù có quan hệ với Mỹ nhưng “Hồng y xám” lại là “tay sai” của… Trung Quốc. Cụ thể, tờ báo cáo buộc:
“Masimov – một đồng minh thân cận của cựu tổng thống Nazarbayev – người được cho là vẫn giữ được ảnh hưởng kể từ khi ông từ chức vào năm 2019 – và là một tay sai của Trung Quốc trong chính phủ Kazakhstan”.
“Dấu vân tay” của “Hồng y xám” đầy rẫy ở… Trung Quốc
Được biết “dấu vân tay” / mối liên hệ mật thiết giữa Masimov và Bắc Kinh được tờ SCMP miêu tả như sau:
“Sau khi Kazakhstan giành độc lập từ Liên Xô vào năm 1991, nền kinh tế của nước này trong tình trạng đình trệ. Đồng tiền không ổn định, sản xuất giảm sút và nợ nần chồng chất đã thúc đẩy bất ổn tài chính.
Khi Kazakhstan gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế định hướng thị trường, Massimov đã hoạt động tích cực trong lĩnh vực thương mại quốc tế.
Từ năm 1992 đến 1993 Massimov đã được cử đến đảm nhiệm vị trí huyên viên cao cấp tại một văn phòng thương mại Kazakhstan tại Urumqi thuộc Khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.
Ông tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo các dự án ngân hàng và cơ sở hạ tầng (ở Trung Quốc) trong những năm 1990, giám sát xây dựng Nhà thương mại Kazakhstan ở Hong Kong và sau đó là văn phòng Ngân hàng Halyk ở Bắc Kinh.
Vào thời điểm đó, ông gọi việc mở văn phòng là “bằng chứng về mối quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ hơn giữa Kazakhstan và Trung Quốc”.
Năm 2000, Massimov trở thành Bộ trưởng Giao thông và Truyền thông của Kazakhstan và sau đó ông đã đề xuất với Nga và Trung Quốc rằng một tuyến đường sắt hàng hóa nối Liên Vân Cảng (Trung Quốc) với Minsk (Belarus) và các cảng phía tây Châu Âu – qua Kazakhstan.
Ông nhanh chóng trở thành phó thủ tướng từ năm 2001 đến năm 2003, một chức vụ mà ông đã tái đảm nhiệm trong một thời gian ngắn vào năm 2006.
Ngay từ đầu, Massimov đã thúc đẩy Kazakhstan trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới bằng cách “phối hợp chặt chẽ” các mối quan hệ của nước này với Trung Quốc.
Các dự án cơ sở hạ tầng lớn như đường ống xuyên quốc gia và khu thương mại tự do đã được thảo luận với Bắc Kinh trong thời gian ông làm phó thủ tướng.
Mối liên hệ với Trung Quốc của Massimov ngày càng mạnh mẽ hơn khi ông trở thành Thủ tướng Kazakhstan hai lần – từ 2007 đến 2012 và từ 2014 đến 2016.
Massimov cũng đã bảo vệ Bắc Kinh trước lo ngại rằng ảnh hưởng ngày càng tăng của họ trong khu vực có thể đe dọa nền độc lập của Kazakhstan – nói rằng quốc gia nhiều dầu mỏ này có thể cân bằng lợi ích giữa Trung Quốc và Nga.
Kazakhstan dựa vào các khoản vay của Trung Quốc để vượt qua cuộc suy thoái năm 2008 và gần đây đã trở thành phần quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Chính phủ Kazakhstan vào năm 2014 đã khởi động chương trình riêng của mình để nâng cấp đường sắt và đường bộ của đất nước, được gọi là Nurly Zhol, hay “Con đường sáng”.
Massimov đã quảng cáo rằng “Con đường sáng” là sự bổ sung cho BRI và chuyến đi đến Trung Quốc năm 2015 của ông đã kết thúc với các thỏa thuận trị giá hơn 23,6 tỷ USD.
Cần lưu ý rằng hiện Trung Quốc đã đề nghị hỗ trợ chính phủ Kazakhstan khi nước này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi giành độc lập cách đây 30 năm khiến 164 người được cho là đã thiệt mạng, hàng chục nghìn người bị bắt và các tòa nhà chính phủ bị đốt cháy”.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị