“Đừng ngại đặt cược vào 5G và chúng ta phải làm điều đó thật sớm”, CEO Rick Tsai khẳng định ở thời điểm nhậm chức Giám đốc điều hành MediaTek vào năm 2017.
Khi Rick Tsai đảm nhận vị trí CEO tại MediaTek hơn 4 năm trước, các chuyên gia và nhà đầu tư trong ngành đều cho rằng ông đã được trao một “chén thuốc độc”.
Nhà phát triển chip di động lớn thứ 2 thế giới bị khoá trong cuộc chiến giá khốc liệt của các dòng chip điện thoại 4G. Biên lợi nhuận hoạt động của công ty ở mức thấp lịch sử khiến MediaTek phải báo khoản lỗ đầu tiên trong lĩnh vực kinh doanh chip điện thoại thông minh. Càng tồi tệ hơn, dòng chip quan trọng nhất của hãng trong năm 2017 đã thất bại khi rất ít nhà sản xuất smartphone đồng ý sử dụng nó.
Tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi nhà sáng lập MediaTek Tsai Ming-Kai bổ nhiệm ông để cứu công ty vào tháng 6/2017, vị CEO mới đối mặt với câu hỏi hóc búa: “Ông có cắt giảm nhân sự không?”, “Kế hoạch của ông là gì khi lợi nhuận của công ty đang tụt dốc”.
Tsai, cựu CEO của TSMC, từng được xem là người kế nhiệm của nhà sáng lập Morris Chang, đã hứa sẽ giành lại thị phần của MediaTek và khôi phục lợi nhuận của công ty mà không cắt giảm nhân viên.
Đó dường như là nhiệm vụ bất khả thi nhưng nhờ vào tầm nhìn xa của vị CEO mới và một chút may mắn, MediaTek đã phục hồi. Theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint, MediaTek đã vượt qua Qualcomm để trở thành nhà sản xuất chip di động lớn nhất thế giới với hơn 40% thị phần. MediaTek cũng đứng đầu trong phân khúc như chip xử lý lõi cho máy tính bảng Android, Chromebook và TV thông minh.
Tuy nhiên, điều này không dễ đạt được.
Joe Chen, Chủ tịch MediaTek, nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ CEO Tsai đã liên tục nói với chúng tôi rằng đừng ngại đặt cược vào 5G và chúng ta phải làm điều đó thật sớm. Tầm nhìn đó tỏ ra cực kỳ đúng đắn. Tổng cộng chúng tôi đã chi ít nhất 100 tỷ đài tệ (3,6 tỷ USD) để phát triển chip 5G”.
Ngân sách dành cho R&D của công ty đã tăng từ khoảng 57,1 tỷ đài tệ vào năm 2018 lên 77,3 tỷ đài tệ vào năm 2020, theo báo cáo hàng năm của MediaTek.
Cốt lõi trong cách tiếp cận của Tsai là thực hiện phong cách quản lý từ TSMC, nhấn mạnh đến việc thực hiện chính xác và đánh giá chi tiết, liên tục để giữ cho các kế hoạch đi đúng hướng. Về mặt chiến lược, Tsai muốn MediaTek rũ bỏ hình ảnh “giá rẻ” để trở thành một nhà sản xuất chip toàn cầu, thậm chí đánh chiếm phân khúc cao cấp vốn bị Qualcomm nắm giữ từ lâu.
MediaTek thực hiện bước đi chiến lược trong kế hoạch này vào năm ngoái. Sau khi ra mắt hàng loạt chipset 5G cho điện thoại tầm trung vào năm 2019, hãng ra mắt con chip Dimensity 9000 cho smartphone cao cấp vào tháng 11/2021. Con chip được sản xuất bởi TSMC, sử dụng kiến trúc 4 nm tiên tiến nhất, thậm chí tiên tiến hơn chip trên iPhone 13 của Apple.
MediaTek cũng cam kết sử dụng kiến trúc chip 3 nm của TSMC, theo Tsai. Công nghệ này dự kiến sẽ vận hành thương mại từ năm 2023.
“Trước đây, MediaTek được coi là một lựa chọn giá rẻ. Chip của họ được sử dụng cho điện thoại thông minh cấp thấp”, Kristine Lau – nhà phân tích tại Third Bridge nói với Nikkei Asia. “Tuy nhiên, điều này đã thay đổi trong 2-3 năm qua. Nỗ lực thâm nhập thị trường điện thoại thông minh cao cấp của họ đang chứng tỏ thành công”.
Các nhà đầu tư hài lòng với cách tiếp cận của Tsai. Cổ phiếu của MediaTek đã tăng hơn 460% lên 1.150 đài tệ vào ngày 3/1, so với mức thấp nhất là 204 đài tệ đầu năm 2017. Vốn hoá của công ty đạt 64 tỷ USD, lớn hơn các nhà sản xuất chip lớn nhất châu Âu là Infineon và NXP. Doanh thu của công ty trong năm 2021 dự kiến tăng 50% so với một năm trước, lên 17 tỷ USD, lợi nhuận tăng gấp 5 lần lên 3,8 tỷ USD.
Các nhà phân tích và hãng sản xuất đối thủ đều phải thừa nhận dấu ấn của Tsai và tham vọng mới của MediaTek.
Việc đặt cược vào 5G đã giúp ích rất nhiều cho doanh thu và lợi nhuận của công ty. Trước đây, các mẫu chipset 4G chỉ được bán với giá khoảng 8-10 USD trong khi chip 5G từ MediaTek cho giá lên tới 30 USD, theo Mark Li, nhà phân tích bán dẫn kỳ cựu. Mối quan hệ của Tsai với TSMC cũng chứng tỏ giá trị trong bối cảnh tình trạng thiếu chip toàn cầu ảnh hưởng đến tất cả nhà sản xuất lớn, từ ô tô cho đến điện thoại thông minh.
Nếu như Qualcomm thường phân chia các đơn hàng giữa TSMC và Samsung thì MediaTek đặt tất đơn hàng chip tiên tiến của mình với TSMC, khiến họ trở thành đối tác tin cậy hơn.
Các đồng nghiệp trong ngành cho biết chuyên môn sâu về chip cho phép Tsai đặt cược vào công nghệ phù hợp và đưa MediaTek đi đúng hướng.
Mới đây, cuộc khủng hoảng chip và căng thẳng giữa Mỹ – Trung Quốc tạo cơ hội cho MediaTek “toả sáng”. Họ là một trong số ít nhà sản xuất chip có thể cung cấp nhiều loại sản phẩm, từ chip di động, chip TV đến chip quản lý năng lượng.
Sau khi Mỹ áp dụng biện pháp hạn chế thương mại với Huawei, các hãng smartphone đối thủ như Xiaomi, Oppo, Vivo đã “xông lên” giành giật thị phần smartphone. Họ buộc phải lựa chọn MediaTek vì Qualcomm không thể đáp ứng nhu cầu về chip. Điều này không chỉ giúp họ tăng thị phần mà còn là lời cảnh tỉnh về việc có rất ít công ty chip có khả năng thiết kế các giải pháp tổng thể cho điện thoại thông minh, TV, máy tính bảng 5G và hơn thế nữa.
Joe Chen, Chủ tịch của MediaTek, cho biết Tsai liên tục nói với đội ngũ quản lý rằng công ty phải tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau 4 năm vực dậy MediaTek, công ty này giờ đây đang đối mặt với thách thức tiếp tục phát triển trong bối cảnh thị trường điện thoại thông minh đã bão hoà. Họ phải quyết định tương lai của mình nằm ở đâu.
Gokul Hariharan, nhà phân tích bán dẫn của J.P Morgan cho biết tốc độ tăng trưởng của điện thoại thông minh có thể đạt đỉnh vào năm 2022 hoặc 2023. Qualcomm, đối thủ lớn nhất của MediaTek đang cố gắng giảm sự phụ thuộc của họ vào các loại chip liên quan đến smartphone, theo Counterpoint. Công ty Mỹ đang hướng tới các “chiến trường” mới như ô tô.
“Khi Qualcomm tiến lên một cấp độ khác và đang đặt cược lớn vào ô tô, liệu MediaTek có thể sớm tìm ra một chất xúc tác tăng trưởng mới hay không sẽ là chìa khoá để đảm bảo sự phát triển của hãng trong tương lai”.
Theo Đức Nam–Theo Doanh nghiệp và tiếp thị