Báo Izvestia (Nga) đã phân tích lí do Trung Quốc cần nhiều lương thực đến vậy, và lí giải tại sao cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu còn lâu mới kết thúc.
Giá lương thực đã tăng kỷ lục trên toàn thế giới trong năm 2021. Đại dịch COVID-19, gián đoạn chuỗi cung ứng, mất mùa, khủng hoảng năng lượng, thiếu phân bón – tất cả những lí do này đã góp phần khiến giá thực phẩm tăng vọt.
Trong khi đó, rất có khả năng Trung Quốc sẽ khiến giá lương thực, thực phẩm trên toàn cầu tăng nhanh hơn nữa, do nước này đã mua nhiều lương thực đến nỗi phần còn lại của thế giới có thể sẽ không đủ ăn.
Báo Izvestia (Nga) đã phân tích lí do Trung Quốc cần nhiều lương thực đến vậy, và lí giải tại sao cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu còn lâu mới kết thúc.
Tính đến cuối tháng 11/2021, giá lương thực trên thế giới đã phá kỷ lục trong vòng 10 năm. Giá ngũ cốc tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2020, giá dầu thực vật tăng 53%, các sản phẩm từ sữa tăng 19,1%, giá thịt tăng 17,6%, và giá đường tăng gần 40%.
Theo ước tính của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), giá nhập khẩu lương thực thế giới cuối năm 2021 sẽ ở mức cao kỷ lục: 1,75 nghìn tỷ USD, cao hơn 14% so với năm 2020 và cao hơn 12% so với dự báo vào tháng 6/2021.
Các chuyên gia lí giải tình trạng tăng giá này là do “giá thành lương thực, thực phẩm trên thị trường quốc tế tăng vọt, cùng với đó là chi phí vận chuyển cũng tăng gấp 3 lần”. Một số nguyên nhân khác như thiếu phân bón, mất mùa và nhu cầu tăng cao cũng góp phần khiến giá nông sản tăng chóng mặt.
“Các khu vực đang phát triển đang phải đối mặt với tình trạng giá tăng vọt đối với các loại thực phẩm cơ bản như ngũ cốc, mỡ động vật, dầu thực vật và hạt có dầu, trong khi ở các khu vực phát triển, giá tăng chủ yếu ở các loại sản phẩm có giá trị gia tăng cao như trái cây và rau quả, thịt cá và đồ uống”, theo FAO.
Trung Quốc khiến giá thực phẩm tăng như thế nào?
Ông Alistair Smith, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Warwick, cho biết thực phẩm đang trở nên đắt đỏ hơn trên toàn cầu, với tốc độ chưa từng thấy trong gần nửa thế kỷ qua.
Trong khi đó, theo Izvestia, Trung Quốc đang mua gần một nửa lượng lương thực dự trữ của thế giới. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc đang năm giữ 69% ngô, 60% gạo, 51% lúa mì và hơn 30% đậu tương của thế giới trong kho dự trữ của họ. Trong một thập kỷ qua, tỷ trọng lương thực dự trữ của Trung Quốc đã tăng khoảng 20%.
Năm 2020, giá trị nhập khẩu lương thực của Trung Quốc đạt con số kỷ lục: 98,1 tỷ USD, tăng 22% chỉ trong vòng 1 năm và 360% trong 1 thập kỷ qua.
Phía Trung Quốc xác nhận rằng số lương thực dự trữ của nhà nước đã đạt mức tối đa trong lịch sử, trong đó dự trữ lúa mì của họ có thể đáp ứng nhu cầu trong 1 năm rưỡi.
Giáo sư Goro Takashahi của Đại học Aichi, Nhật Bản, nhận định rằng việc Trung Quốc chủ động mua lương thực dự trữ như vậy là một biện pháp cần thiết, vì sản xuất trong nước đã đình trệ từ năm 2015. Lí do khiến năng suất sản xuất của Trung Quốc đình trệ bao gồm ô nhiễm đất, và làn sóng nông dân di cư đến các siêu đô thị
Vì sao Trung Quốc tích trữ lương thực?
Có nhiều lí do khiến Trung Quốc đẩy mạnh dự trữ lương thực: chiến tranh thương mại, đại dịch COVID-19 kéo dài, mùa vụ thu hoạch kém và hậu quả của cuộc khủng hoảng năng lượng.
Theo chuyên gia kinh tế Leonid Khazanov, một trong những nguyên nhân chính là cuộc khủng hoảng năng lượng khiến các nhà máy sản xuất phân khoáng giảm năng xuất, phải tạm ngưng xuất khẩu.
Các sản phẩm nhập khẩu rất đắt, trong khi các nhà máy hóa chất cũng hoạt động kém hiệu quả hoặc các nước như Nga áp dụng hạn ngạch xuất khẩu nitơ, phân bón phức hợp… khiến việc gieo trồng cây nông nghiệp ở Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến giảm sản lượng.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng năng lượng đã khiến nhiều nhà máy trong các ngành công nghiệp khác ngừng hoạt động, gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.
“Trong những trường hợp như vậy, việc tích trữ lượng lớn lương thực là lựa chọn đơn giản và đáng tin cậy nhất để cung cấp cho người dân trong trường hợp khẩn cấp”, ông Khazanov chỉ ra.
Những “nạn nhân” đầu tiên
Các nhà chức trách Trung Quốc nhấn mạnh rằng nước này “hoàn toàn không có vấn đề gì về lương thực”. Nhưng vấn đề là thực phẩm vẫn sẽ tiếp tục tăng giá.
Ông Akio Shibata, chủ tịch Viện nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên của Tokyo cho biết: “Việc tích trữ dự trữ ở Trung Quốc là một trong những lý do khiến giá lương thực trên thế giới tăng cao.
Bloomberg dẫn lời các chuyên gia cho hay: “‘Cơn khát’ ngũ cốc vô độ của Trung Quốc sẽ làm giảm thêm nguồn cung toàn cầu và tạo điều kiện cho giá lương thực tăng liên tục”.
Các nước nghèo nhất sẽ là những nạn nhân đầu tiên phải gánh chịu hậu quả. Theo ghi nhận của The Wall Street Journal, tình hình đặc biệt khó khăn ở Mỹ Latinh, “ở đó lạm phát lan rộng dẫn đến sự gia tăng giá cả đối với hầu hết các loại hàng hóa, và theo Liên Hợp Quốc, hàng chục triệu người đang thiếu ăn”.
Brazil, Mỹ, Canada, Liên minh Châu Âu và Nhật Bản cũng được coi là những nước nạn nhân tiềm năng của khủng hoảng lương thực, theo ông Khazanov, do đặc thù của nền kinh tế của họ và cơ cấu sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm, phụ thuộc vào nhập khẩu.
Tại Nga, ông Khazanov đánh giá tình hình đã ổn định hơn trước, tuy nhiên trong năm 2022, giá lương thực có thể tăng thêm 15-20%.
Phó Thủ tướng thứ nhất của Liên bang Nga Andrei Belousov trước đó cho biết nước này đang trải qua làn sóng lạm phát thứ hai và dự kiến sẽ có đợt thứ ba, “đặc biệt” đáng chú ý nửa cuối năm 2022./.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị