Một số luật sư đã bị giết.
Ngày 20/3/2003, lấy cớ Iraq tàng trữ và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, quân đội Mỹ và đồng minh đã tấn công Iraq. Tuy nhiên, đến nay đã 18 năm trôi qua vẫn không tìm thấy bất kỳ loại vũ khí huỷ diệt nào tại nước này.
Ngày 9/4/2003 họ đã chiếm Thủ đô Baghdad và lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein. Tháng 12/2003, ông bị bắt tại quê hương Tikrit. Tháng 7/2004, phiên tòa đầu tiên xét xử Saddam Hussein được tổ chức và kết thúc vào ngày 5/11/2006 với bản án tử hình bằng cách treo cổ. Ngày 30/12/2006, Saddam Hussein bị hành quyết.
Ngày 30/12/2021 đánh dấu 15 năm Saddam Hussein bị hành quyết. Nhân dịp này, một số chính khách, luật sư, thậm chí cả thẩm phán chủ trì phiên toà xét xử ông đã tiết lộ các vi phạm trong quá trình xét xử và cho rằng phiên toà thiếu khách quan, chủ yếu mang màu sắc chính trị và động cơ trả thù.
Không công bằng
Ngay sau khi kết thúc phiên toà năm 2006, Tổ chức theo dõi nhân quyền (URW) nói, phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã không mang tính công bằng dẫn đến ông bị kết án tử hình.
Báo cáo dài 97 trang của tổ chức này chỉ ra nhiều sai sót về thủ tục trong phiên tòa và nhấn mạnh rằng bản án tử hình không có cơ sở vững chắc và cần phải được huỷ bỏ. Tổ chức này cho biết các thẩm phán thiếu chuyên môn cần thiết trong một phiên tòa phức tạp như vậy.
Báo cáo nói thêm rằng tòa đã nghe 70 nhân chứng và thu thập 1.000 tài liệu, nhưng không cung cấp trước cho các luật sư bào chữa những tài liệu quan trọng. Toà đã nghe lời khai của các nhân chứng, nhưng các luật sư bào chữa không có cơ hội xác minh.
Báo cáo bày tỏ lo ngại về sự vắng mặt thường xuyên của các thẩm phán trong hội đồng năm người, trong đó ba người rời ghế chủ toạ và người thứ tư liên tục vắng mặt do sức khỏe không tốt. Hành vi của người đứng đầu tòa án, Raouf Rashid Abdel Rahman là hết sức kỳ lạ vì ông này thường xuyên mất bình tĩnh, xúc phạm bị cáo và đưa ra các quyết định không rõ ràng.
Trưởng nhóm luật sư bào chữa, Khalil Al-Dulaimi nói, các luật sư đều không ngạc nhiên về báo cáo của URW, vì các đại diện của tổ chức này đều có mặt trong các phiên toà, họ đã tận mắt chứng kiến mọi việc diễn ra và họ đã nhiều lần bày tỏ sự bất bình với những ngược đãi đối với luật sư và bị cáo.
Trong một tuyên bố với hãng Reuters, Al-Dulaimi nói thêm rằng, nhóm bào chữa không nhận được phán quyết của toà án, mặc dù đã nhiều lần yêu cầu. Ông cho rằng mục đích là để nhóm luật sư không có cơ hội nêu ra các vi phạm trong quá trình xét xử
Al-Dulaimi nói, báo cáo của tổ chức URW hoàn toàn phù hợp với quan điểm của nhóm bào chữa. Ông nói: “Tòa án này mang tính chất chính trị và mục đích của nó là phá hoại sự đoàn kết của người dân Iraq, an ninh khu vực và thực thi chương trình nghị sự của Mỹ”.
Luật sư của Hussein bị giết – Một điều thật khủng khiếp
Cựu Đại sứ Nga tại Iraq
Vladimir Titorenko, người từng là Đại sứ Nga tại Baghdad từ năm 2002-2003 nói: “Chính phủ chuyển tiếp sau năm 2003 không phải là chính phủ do người dân Iraq bầu ra. Chính phủ này do người Mỹ thành lập, nên không có quyền xét xử Saddam Hussein.”
Theo ông V. Titorenco, tòa án đặc biệt không có thẩm quyền xét xử Saddam Hussein, vì ông là Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang và ông có quyền đưa ra các quyết định của mình trên cơ sở pháp luật hiện hành.
Ông nói thêm: “Những cáo buộc như liên quan đến cuộc chiến với Iran và sử dụng vũ khí hóa học là vô căn cứ. Không có bằng chứng nào cho thấy Saddam đã sử dụng những vũ khí hóa học này.”
Cựu Đại sứ Mỹ tại Baghdad
Cựu Đại sứ Mỹ tại Iraq Robert Ford, trong một tuyên bố với hãng thông tấn Novosti của Nga, thừa nhận rằng phiên tòa xét xử cố Tổng thống Saddam Hussein không phải là không có những lạm dụng. Bình luận về phiên tòa xét xử Saddam Hussein diễn ra sau khi chế độ của ông bị Mỹ và các đồng minh của Mỹ lật đổ, ông Robert Ford nói: “Tất nhiên, bản thân phiên tòa không phải là không có vấn đề. Một số luật sư đã bị giết, đó là một điều khủng khiếp. Trong các thủ tục xét xử, nhiều khi bên công tố đưa ra các chứng cứ mà không cho bên bào chữa xem trước, làm cho bên bào chữa bất ngờ.”
R.Ford nói thêm: “Không nghi ngờ Saddam Hussein và các cộng sự của ông có dính líu đến một số tội ác, nhưng tôi có thể thể chắc chắn rằng phiên toà này không hoàn hảo.”
Luật sư của Saddam Hussein
Bushra Khalil, luật sư của Saddam Hussein nói với hãng thông tấn Novosti của Nga: “Tôi đã phải chịu rất nhiều áp lực từ người Mỹ ngay tại toà án. Họ điều hành và chỉ đạo mọi hoạt động của phiên toà. Thành thật mà nói, lúc đó tôi rất sợ và lo lắng cho tính mạng của mình, vì vào thời điểm đó, một số luật sư đã bị giết và nạn nhân cuối cùng là ông Khamis Ubeidi. Bản thân tôi đã bị viên thẩm phán nhiều lần đuổi ra khỏi phòng xử. Lần cuối cùng một người Mỹ đến gặp tôi và hỏi tôi có muốn quay trở lại phòng xử án không? Các cuộc thương lượng giữa tôi và viên sỹ quan này kéo dài từ 6 đến 11 giờ sáng và cuối cùng anh ta đã đồng ý cho tôi trở lại với điều kiện phải ngồi im, không được nói gì. Điều này cho thấy người Mỹ đã làm mọi thứ để lái phiên toà diễn ra theo kịch bản đã được họ chuẩn bị sẵn.”
Bà Bushra Khalil cho biết, phía Mỹ đã gây sức ép lên toàn bộ nhóm luật sư bào chữa, đồng thời chỉ đạo rất sát sao việc xét xử trước Tòa án đặc biệt. Người Mỹ đã can thiệp trắng trợn vào quá trình xét xử, liên tục gửi các tin nhắn chỉ đạo và hướng dẫn đến thẩm phán thông qua nhân viên an ninh đối với từng chủ đề một.
Luật sư người Ai Cập Muhammad Munib, thuộc nhóm luật sư bào chữa cho biết, người Mỹ đã giám sát rất chặt chẽ công việc của các thẩm phán và kiểm soát toàn bộ quá trình xét xử, đồng thời áp đặt các điều kiện của họ đối với nhóm bào chữa.
Trong một tuyên bố với trang mạng RT – Nước Nga ngày nay, Muhammed Munib nói: “Nếu cho rằng phiên tòa xét xử Saddam và các đồng chí của ông là một phiên tòa công bằng, thì có nghĩa là Paul Bremer, cựu toàn quyền dân sự của Mỹ tại Iraq lúc đó hoàn toàn không hiểu biết gì về các nguyên tắc cơ bản của các phiên toà xét xử. Việc P. Bremer và người Mỹ cướp bóc của cải, giết trẻ em và phụ nữ Iraq là những hành động không khác gì tội ác diệt chủng, lẽ ra phải được đưa ra xét xử tại Tòa án hình sự quốc tế về tất cả những gì họ đã gây ra đối với người dân và đất nước Iraq. Đây là ví dụ điển hình về một phiên toà thiếu khách quan khi George Bush ra lệnh nhanh chóng đưa ra phán quyết để nhóm luật sư bào chữa không có đủ thời gian để kịp trình bày lập luận của mình bằng văn bản, vi phạm các nguyên tắc cơ bản nhất của một phiên tòa công bằng.”
Ông nói, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush muốn lấy đầu Saddam trước cuộc bầu cử để giành được nhiều phiếu của cử tri.
Ông Mohammed Minib nói tiếp: “Tôi còn nhớ việc thay đổi thành viên của hội đồng thẩm phán ba lần và giết ba luật sư bào chữa cho Tổng thống Saddam Hussein, cũng như việc luật sư người Mỹ Ramzi Clark, luật sư người Lebanon Bushra Khalil bị đuổi ra khỏi phòng xử án khi họ phản đối tính hợp pháp của phiên toà là vi phạm thô bạo luật pháp.”
Chủ toạ phiên toà xét xử Saddam Hussein
Rizgar Amin, thẩm phán chủ toạ phiên toà xét xử Saddam Hussein từ 2004 đến năm 2006 đã chia sẻ với RT quan điểm của ông. Ông nói: “Ngay sau phiên xét xử đầu tiên, một trong những luật sư bào chữa cho Saddam Hussein đã bị bắt cóc và bị giết. Phiên tòa chủ yếu mang tính chất chính trị và chịu ảnh hưởng của giới cầm quyền, cũng như đại diện của các lực lượng chính trị khác nhau ở Iraq, một số có đại diện trong chính phủ.”
Ông cho biết, không thể đánh giá thấp vai trò quyết định của chính quyền Mỹ đối với bản án.
Ông R. Amin nói tiếp: “Tòa án được thành lập theo lệnh của chính quyền Mỹ. Mỹ có vai trò quan trọng cả trong việc thành lập tòa án cũng như cung cấp mọi phương tiện cần thiết cho hoạt động của toà án, kể cả tài chính, bởi vì vào thời điểm đó chính phủ Iraq mới không có đủ điều kiện. Ngay cả việc duyệt các chi phí của phiên tòa cũng thuộc quyền của Hội đồng quân quản Mỹ”.
R.Amin cũng nói về những vi phạm nghiêm trọng nhất đối với các nguyên tắc của một phiên tòa. Ông nói: “Theo luật tố tụng, quyền của các luật sư phải được bảo vệ, nhưng rất tiếc, trên thực tế yêu cầu này không được đáp ứng. Bất kỳ bị can nào cũng có quyền lựa chọn luật sư bào chữa cho mình, kể cả luật sư mang quốc tịch nước ngoài, với điều kiện luật sư bào chữa chính là công dân Iraq. Như chúng ta đã biết, sau phiên xét xử đầu tiên, một trong những luật sư bào chữa cho Saddam Hussein đã bị bắt cóc và bị giết. Nhiều luật sư khác cũng bị đe dọa hoặc bị giết. An toàn tính mạng của các luật sư đã không được đảm bảo, điều này gây ra nhiều nghi ngờ về tính khách quan của của tòa án.”
Mặc dù ông đã tuyên bố bản án tử hình đối với Saddam Hussein, nhưng gần đây R. Amin đã thay đổi ý kiến và lên tiếng chống lại hình phạt tử hình. “Thành thật mà nói, tôi phản đối án tử hình và yêu cầu loại bỏ hình phạt này khỏi hệ thống tư pháp của Iraq với bất kỳ tội gì. Với sự hối tiếc vô cùng, tôi phải nói rằng phiên toà xét xử Saddam Hussein là một phiên tòa của người chiến thắng xử kẻ bại trận hơn là việc thượng tôn các nguyên tắc mà phiên toà cần phải tuân theo. Mong muốn trả thù đã áp đảo trong phiên toà.”
Cái bắt tay bất thường
Bác sĩ Shakir Jawad, người được cử để theo dõi sức khoẻ cho Saddam Hussein trong thời gian ông bị giam giữ, đã chia sẻ với RT về chi tiết các cuộc gặp gỡ.
“Tôi đã tham gia điều trị Saddam Hussein hai lần. Lần đầu tiên vào tháng 9/2004, khi Saddam tiến hành phẫu thuật. Lần thứ hai là ở trại quân sự Cropper, nơi giam giữ Saddam Hussein. Cuộc gặp thứ hai diễn ra vào ngày 19/1/2006.”
Việc cần một bác sĩ Iraq đến thăm khám cho Saddam Hussein chỉ được chấp thuận sau khi có sự phản đối mạnh mẽ của các luật sư.
Ông S. Jawad nói: “Khi có thông tin Saddam Hussein bị các binh sỹ Mỹ tra tấn trong thời gian giam giữ, một bác sĩ quân y người Mỹ mang quân hàm thiếu tá đã tiến hành kiểm tra và kết luận rằng không có dấu hiệu tra tấn trên cơ thể của Saddam. Khi báo cáo này được trình bày trước tòa, nhóm luật sư của Saddam Hussein đã phản đối, cho rằng, cuộc khám nghiệm được thực hiện bởi bên bị buộc tội tra tấn, thì kết quả không thể khách quan được. Sau đó, tòa án đã phải mời một bác sĩ người Iraq đến khám.”
Bác sỹ S. Jawad cũng tiết lộ lý do tại sao người Mỹ lại chọn ông đến thăm khám cho Saddam Hussein: “Như tôi đã nói, tôi đã tham gia điều trị cho Saddam khi ông ấy trải qua cuộc phẫu thuật. Đó là lý do tại sao họ chọn tôi. Họ có một danh sách các ứng viên, nhưng chỉ có tôi được người Mỹ chấp thuận. Tôi bị cấm nói chuyện với Saddam về những chủ đề không liên quan, không được nhận hoặc đưa bất cứ thứ gì cho ông. Họ lấy chìa khóa, điện thoại di động và tất cả đồ đạc của tôi. Tôi đến đó chỉ với một tờ giấy để ghi chép những công việc liên quan đến khám nghiệm.”
Ông S. Jawad đã kể lại cuộc gặp Saddam Hussein: “Cái bắt tay của chúng tôi kéo dài một cách bất thường. Khi tay tôi nắm chặt tay ông ấy, tôi nhớ rất rõ lời ông hỏi: “Anh là người Iraq?” Tôi nói rằng tôi là một người Iraq thực sự, làm việc ở Iraq suốt thời gian qua. Ông ấy nói, như vậy thì tôi có thể khám cho ông và ông sẽ không cho phép bác sĩ Israel hoặc Iran khám bệnh cho mình. Suốt thời gian này chúng tôi đã nắm tay nhau. Có thể nói cuộc gặp gỡ rất thân tình”.
Cựu sĩ quan Cơ quan tình báo Mỹ (CIA), John Nixon, người đầu tiên thẩm vấn Saddam Hussein nói: “Nếu được yêu cầu lựa chọn, tôi sẽ thích Saddam Hussein hơn George W. Bush. Những cáo buộc Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt là lý do chính cho cuộc xâm lược của Mỹ và Anh. Tuy nhiên, các cuộc thẩm vấn Saddam và các cuộc điều tra sau đó, kết luận rằng nhà lãnh đạo Iraq đã nói thật, Iraq đã cắt giảm chương trình hạt nhân nhiều năm trước cuộc xâm lược và không có ý định hồi sinh nó.”
John Nixon nói thêm rằng, ông rất xấu hổ về những gì đã xảy ra ở Iraq sau khi Saddam Hussein bị lật đổ với sự xuất hiện của các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS). Ông cho rằng, khu vực sẽ yên bình hơn nếu Saddam Hussein vẫn ở lại chính quyền.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị