Trong tình hình này, châu Phi sẽ trở thành một căn cứ để Bắc Kinh tiến tới gia tăng ảnh hưởng tại Bắc Mỹ và châu Âu, chuyên gia dự báo.
Các địa điểm Trung Quốc đang “nhòm ngó”
Theo tờ Nikkei, Trung Quốc được cho đang lên kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự tại Guinea Xích đạo, tiến tới xây dựng cơ sở quân sự nước ngoài thứ 2 ở châu Phi và đầu tiên ở khu vực Đại Tây dương.
Kenyz, Tanzania, Namibia, Angola và Seychelles là các ứng viên nặng ký, với mỗi quốc gia có những ưu thế khác nhau.
Nhưng Bắc Kinh sẽ chọn căn cứ quân sự một cách cẩn trọng, các chuyên gia nói, trong đó đảm bảo rằng quốc gia được lựa chọn có sự ổn định về chính trị để loại bỏ khả năng Trung Quốc sẽ phải rút khỏi đất nước trong trường hợp có sự thay đổi về bộ máy chính quyền ở nước bản địa. Hiện, căn cứ đầu tiên của Trung Quốc ở châu Phi được đặt tại Djibouti.
“Không nghi ngờ rằng Trung Quốc có nhiều lựa chọn khi tính tới nơi đặt căn cứ,” Paul Nantulya, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Châu Phi, nói.
“Rõ ràng Trung Quôc sẽ không công khai các cuộc đàm phán với những nước châu Phi bởi sự nhạy cảm và những tranh cãi liên quan đến điều này”, ông nói.
“Nhưng nếu chúng ta nhìn vào những đặc điểm nhất định, sẽ có những yếu tố cụ thể để Chính phủ Trung Quốc cân nhắc”, Paul nói.
Đầu tiên, Trung Quốc sẽ hướng tới quốc gia có mức độ quan hệ chiến lược cao nhất. Trong năm mức hợp tác hiện nay, “quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện” là mức cao nhất.
Trong số này là các quốc gia Ethiopia, Guinea, Kenya, Mozambique, Namibia, Tanzania và Zimbabwe.
Nhưng tình hình chính trị bất ổn như tại Zimbabwe sẽ khiến nước này khó được lựa chọn, Paul cho biết. “Kể cả khi mối quan hệ song phương đang tốt đẹp, bất cứ dấu hiệu nào về sự bất ổn sẽ khiến Trung Quốc cân nhắc kĩ lưỡng”.
Bắc Kinh cũng ưu tiên những nước có tầm ảnh hưởng trong Liên minh châu Phi và sẽ cần huy động được sự ủng hộ cần thiết giữa các nước đối với căn cứ của Trung Quốc khi cần, Paul nói thêm.
Điểm chung: Nợ Trung Quốc cao?
Trong tuần này, tờ Wall Street Journal đăng tải bài viết cho biết Bắc Kinh đang đặt mục tiêu thiết lập căn cứ quân sự với mục đích tiếp tế nhiên liệu và sửa chữa tàu tại Guinea Xích đạo. Kể từ 2019, các cơ quan tình báo Mỹ đã luôn theo dõi động thái của Trung Quốc để đạt được thoả thuận triển khai căn cứ tại đây, tờ báo cho biết.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi thông điệp tới các nhà lãnh đạo Guinea Xích đạo rằng “bất cứ bước đi nào liên quan đến Trung Quốc và các hoạt động của nước này tại đây sẽ làm gia tăng lo ngại về an ninh quốc gia của Mỹ”, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby nói với các phóng viên.
Kirby nói thêm rằng Bắc Kinh “tiếp tục có động thái cưỡng ép nhiều nước châu Phi, sử dụng các đòn bẩy kinh tế hoặc đe doạ để đạt được các mục đích an ninh quốc gia tại đây”.
Michael Tanchum, chuyên gia tại Hội đồng Châu Âu về Quan hệ Quốc tế, đã có bài viết nêu rõ Guinea Xích đạo không phải là quốc gia châu Phi duy nhất có mức nợ cao với Trung Quốc, và do đó làm tăng thêm khả năng sẽ xuất hiện thêm nhiều căn cứ quân sự của nước này ở các nước châu Phi nằm ở khu vực duyên hải Đại Tây Dương.
Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của châu Phi, chẳng hạn như Zambia, quốc gia châu Phi đầu tiên thời đại dịch COVID-19 vỡ nợ công năm 2020, nợ Trung Quốc 6,6 tỷ USD.
Còn một thống kê từ Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc – Châu Phi (CARI), 77% nợ của Djibouti là của Trung Quốc còn ước tính nợ Trung Quốc của Congo là 7 tỷ USD.
“Việc Trung Quốc có xây dựng các căn cứ này trong ngắn hạn hay không, nhưng nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy các cơ sở an ninh ở châu Phi sẽ dẫn đến sự hiện diện của họ tại đây về lâu dài”, ông Tanchum viết.
“Trong tình hình này, châu Phi sẽ trở thành một căn cứ để Bắc Kinh tiến tới gia tăng ảnh hưởng tại Bắc Mỹ và châu Âu,” ông khẳng định.
Hiện căn cứ quân sự đầu tiên được Trung Quốc thiết lập tại quốc gia Djibouti vào 2017.
“Các lãnh đạo Trung Quốc đang mở rộng năng lực thiết lập mạng lưới quân sự trên toàn cầu”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin phát biểu vào tháng trước.
Tờ Global Times (Trung Quốc), trong khi đó, đã dẫn lời các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng báo cáo của Wall Street Journal về căn cứ của nước này tại Guinea Xích đạo là “sai sự thật và là bước đi mới nhất của Mỹ nhằm thổi phồng mối đe doạ của Trung Quốc”.
Hồi đầu năm 2021, Đạo luật Quốc phòng của Trung Quốc đã bổ sung nội dung “bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài” trong nhiệm vụ của quân đội Trung Quốc. Đạo luật nêu, Bắc Kinh sẽ sử dụng sức mạnh của mình để “bảo vệ an ninh của công dân Trung Quốc ở nước ngoài, các tổ chức, thể chế và cơ sở”.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị