“Dù vài năm sau nhà sản xuất đó cũng đã mất thị trường Ba Lan, thậm chí còn phá sản, nhưng điều đó đâu quan trọng, vì chính tôi cũng đã thất bại”, CEO Dh Foods trầm tư chiêm nghiệm.
Dh Foods đang là thương hiệu gia vị nổi bật trên thị trường hiện nay, với hơn 100 loại gia vị khác nhau. Câu chuyện của nhà sáng lập kiêm CEO của Dh Foods cũng khiến công chúng đặc biệt quan tâm, khi ông từng là bạn học của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, cũng có thời gian làm giàu từ mì gói ở nước ngoài.
Ông Nguyễn Trung Dũng, founder kiêm Tổng giám đốc CTCP DH Foods và tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch tập đoàn Masan là bạn học của nhau tại lớp chuyên Toán trường trung học cơ sở Trung Vương (Hà Nội) và cấp 3 Đại học Tổng hợp (Hà Nội). Và trong khi ông chủ Masan được coi là “người đã dạy người Nga ăn mỳ ăn liền và tương ớt” thì ông Nguyễn Trung Dũng đã rất thành công trong việc kinh doanh mì gói ở Ba Lan.
Từ những năm 1990, ông Dũng cùng bạn bè bắt đầu nhập nhập mì gói Việt Nam sang Ba Lan, đầu tiên là thương hiệu Vifon nổi tiếng. Đến năm 1992, ông tách ra làm riêng, phân phối mì Thiên Hương. Vài năm sau, ông Dũng quyết định ký kết hợp đồng phân phối mì Lucky của An Thái tại thị trường Ba Lan. Khi ấy, thương hiệu này vẫn chưa có tiếng tăm như Vifon, Miliket, Thiên Hương. Tuy nhiên, hợp đồng được ký với số lượng 5 triệu gói/năm và chỉ ngay năm sau đã đạt 5 triệu gói/tháng.
Nhờ sự phát triển của thị trường Ba Lan, công ty An Thái ăn nên làm ra, bán được mì qua Tiệp, qua Nga… còn ở Campuchia thì thành số 1 thị trường. Nhưng một ngày nọ, nhà sản xuất này qua thăm Ba Lan để tìm hiểu thị trường và thăm hỏi ông.
Sau khi thấy thị trường quá màu mỡ, họ đã đề nghị mua lại công ty phân phối của ông. Vì ông không đồng ý và họ đã lập tức thay đổi điều kiện kinh doanh mà 2 bên đã ký kết. Không chấp nhận cách hành xử của họ nên ông đã chuyển qua phân phối một nhãn hàng khác.
Kết quả, nhãn hàng thay thế không được thị trường đón nhận như nhãn cũ – công việc kinh doanh của ông cũng ngày dần đi xuống.
“Đó là một trải nghiệm không bao giờ quên với tôi. Đáng lẽ, lúc đó tôi phải điều đình với họ, đồng thời đi tìm một nhà cung cấp tốt tương đương, chứ không nên tức giận, hiếu thắng và quyết định vội vàng. Dù vài năm sau nhà sản xuất đó cũng đã mất thị trường Ba Lan, thậm chí còn phá sản, nhưng điều đó đâu quan trọng, vì chính tôi cũng đã thất bại”, sếp Dh Foods chia sẻ câu chuyện trong chương trình CafeTalk số 03 – Bàn thắng phút 90 do CafeBiz thực hiện.
Ông Nguyễn Trung Dũng thẳng thắn nhìn nhận thất bại này là hậu quả nặng nề nhất mà ông phải chịu trong quá khứ vì sự nóng tính và hiếu thắng của mình.
Thế nên, lần khởi nghiệp thứ tư trên quê hương với thương hiệu Dh Foods, tâm thế làm kinh doanh của ông cũng khác hẳn. Những trải nghiệm trong quá khứ đã nói với ông rằng: ông cần phải thay đổi từ tâm tính cho đến phong cách quản lý – quản trị cũng như quan điểm về kinh doanh thì mới không đi vào ‘vết xe đổ’.
Hơn nữa, ở tuổi 50 cùng sự hậu thuẫn của người bạn đời ‘thanh mai trúc mã’, sếp Dh Foods cũng cảm thấy lòng mình đã bình lặng, muốn làm việc vì niềm vui hơn là làm giàu bằng mọi giá.
4 năm trở lại đây, nhờ tích cực thay đổi và thực hành phong cách quản trị đắc nhân tâm mà Dh Foods đã bắt đầu thu về trái ngọt. Không đặt doanh số, không áp KPI, thay vào đó là đào tạo, hướng dẫn và truyền cảm hứng, để họ yêu công ty và công việc của mình.
“Mình luôn đồng hành cùng các bạn. Lúc nào cũng cùng đồng hành, trao đổi. Chính vì sự cởi mở, tin tưởng ấy, các bạn cũng không ngại mở lòng, nếu sai thì sẽ nói ‘Em sai rồi’. Mình nghĩ sai thì sửa thôi. Khi các bạn đi sai hướng thì mình can thiệp, còn bình thường thì không”.
Chiến lược của ông là tuyển những người trẻ chưa có kinh nghiệm nhưng có đạo đức tốt, thông minh và ham học hỏi. Điều đó đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp không cần phải trả lương quá cao, nhưng buộc sếp phải ‘cầm tay chỉ việc’.
“Các em có quyền sai. Trước khi anh cũng từng sai rất nhiều. Còn công việc chính của mình là nhìn xem con đường đi đó có chính xác hay không, cần thay đổi gì không. Đó là yếu tố rất quan trọng, bởi nếu các bạn là nhiều quá thì sẽ không thấy con đường đi nữa. Đi sai đường còn nguy hiểm hơn, càng đi càng sai. Đây là cái nguy hiểm của startup. Lý do chỉ có 5% startup thành công cùng ở chỗ đó, vì chọn sai con đường”, ông Nguyễn Trung Dũng nhắn nhủ.
Nội dung bài viết được trích dẫn từ Chương trình CafeTalk do CafeBiz và Kinglive phối hợp thực hiện. CafeTalk là talk show trò chuyện với các doanh nhân và người nổi tiếng, chia sẻ về câu chuyện kinh doanh, quan điểm cá nhân và phong cách sống của họ.
Hoàng Thuỳ-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị