Cúi đầu là biểu hiện của người biết khiêm nhường, có thể lắng nghe khuyên bảo của người khác để hoàn thiện bản thân. Người càng thông minh càng biết cúi đầu trước 3 người này…
1. Cúi đầu trước cha mẹ
Trong cuốn “Sơ khắc phách án kinh kỳ” có một câu chuyện kể về chàng trai tên là Lưu Đạt Sinh. Anh là một nhân sĩ phủ Khai Phong thuộc Hà Nam, sống vào thời nhà Tống. Cha mất sớm, anh và mẹ tên là Ngô Thị sống nương tựa vào nhau.
Một ngày nọ, Lưu Đạt Sinh cùng mẹ đến một ngôi đền đạo giáo gần nhà để cầu phúc. Cũng từ hôm đó, mẹ anh đã nảy sinh tình cảm thân thiết với vị đạo sĩ.
Lưu Đạt Sinh cho rằng, mẹ hành động như vậy là không giữ lễ tiết, đang làm điều sai trái nên gia sức khuyên can mẹ cắt đứt mối quan hệ với vị đạo sĩ nọ. Tuy nhiên mẹ anh đã không nghe, hơn nữa còn cho rằng anh đang cản trở tình cảm của cá nhân của bà. Vì vậy mà hai mẹ con đã lời qua tiếng lại, cãi nhau to tiếng đến mức phải dẫn nhau lên công đường nhờ hóa giải.
Tại công đường xử án, quan phủ đã hỏi Lưu Đạt Sinh, vì sao lại để cho mẹ mình tức giận đến thế. Lưu Đạt Sinh một mực nhận lỗi về mình, là do bản thân phạm sai lầm, nhắm vào đúng vấn đề mà mẹ không vui, cam chịu nhận hết hình phạt.
Quan phủ cho rằng Ngô Thị cũng có sai trái nên phải chịu hình phạt 20 gậy. Thấy vậy Lưu Đạt Sinh vội nằm lên người mẹ để mẹ không phải chịu đau đớn.
Bởi vì Lưu Đạt Sinh có biểu hiện một mực cúi đầu trước mẹ mình nên quan phủ vô cùng yêu thích Lưu Đạt Sinh và đã tiến cử anh tới làm việc cho triều đình. Kết quả là anh ta sự nghiệp thăng tiến, gia đình cũng ngày càng phát đạt thịnh vượng.
Thực tế thì không phải tất cả các bậc cha mẹ trên đời đều xứng với địa vị của mình. Bởi vì họ không phải là ‘đấng toàn năng’ nên cũng không tránh khỏi có những lúc mắc phải sai sót.
Tuy nhiên, trong quá trình dạy bảo chúng ta, cha mẹ luôn xuất phát từ tâm muốn tốt cho con cái. Theo ý nguyện của cha mẹ, từng bước trưởng thành, có lúc chúng ta gặp phải tình huống không theo ý muốn nhưng nếu biết làm theo lời giáo huấn của mẹ cha thì tương lai sẽ tràn ngập ánh nắng mặt trời.
2. Cúi đầu trước bậc nhân nghĩa
Vào những năm đầu của triều đại nhà Hán, Lưu Bang đã cử sứ giả của mình là Lục Cổ đến Nam Việt để đàm phán với Triệu Tha. Lúc đó Triệu Tha lợi dụng tình hình hỗn loạn đã đem quân chiếm lấy 3 quận và tự mình phong vương.
Lục Cổ đem theo phong ấn của Lưu Bang đi Nam Việt, thấy Triệu Tha ngồi trên ngôi cao với vẻ mặt thờ ơ, coi thường.
Lục Cổ nói: “Lưu Bang có thể bình định thiên hạ trong vòng 5 năm, đây không phải là sức người có thể làm được mà là thuận theo Thiên ý. Lưu Bang thương cảm dân chúng lầm than, không muốn xảy ra tai họa chiến tranh, vì vậy mới sai sứ giả mang phong ấn đến với chủ trương hòa hiếu.
Triệu Tha bỗng nhiên bừng tỉnh, cúi đầu nhận lấy phong ấn.
Người xưa nói: “Bậc thầy nhân nghĩa thì không nên đụng đến dù chỉ một li”.
Phàm là bậc vương giả mà cao cao tại thượng, không phải do ông ta có quyền lực lợi hại đến đâu mà là bởi ông có thể trở thành người có năng lực quy tụ lòng người. Đây là biểu hiện của nhân nghĩa.
Vì vậy, người thông minh chắc chắn sẽ biết cúi đầu trước những người nhân nghĩa và đứng về phía nhóm người chính nghĩa.
Một người dù thông minh đến đâu, nếu không có nền tảng của lòng nhân nghĩa thì nhất định sẽ thất bại. Đạo lý này, dù ở thời nào cũng được thế nhân coi trọng.
3. Cúi đầu trước kẻ hồ đồ
Làm người, lúc nào nên hồ đồ thì nên hồ đồ, lúc nào cần thanh tỉnh thì nên thanh tỉnh, có như vậy thì cuộc sống mới có thể thông tỏ.
Thông thường, khi gặp người quen trên đường, chúng ta sẽ hỏi han kiểu như: “bạn ăn cơm chưa?” Bên kia trả lời là “chưa”. Rồi cả hai nhìn nhau mỉm cười và rời đi.
Tại sao đối phương chưa ăn cơm mà người kia lại không mời anh ta? Nếu suy nghĩ một cách nghiêm túc hơn, hàng loạt rắc rối sẽ ập đến, mối quan hệ giữa các cá nhân sẽ trở nên khó xử.
Người thông minh tỏ ra hồ đồ một chút lại chính là hành động đúng đắn.
Giả vờ hồ đồ giống như một viên đá được mài nhẵn các góc cạnh và sẽ không khiến người khác chịu tổn thương và oán hận.
Gặp người hồ đồ, chúng ta cần học được các cúi đầu nhường bước, như vậy mới giúp cuộc sống được an nhiên tự tại.
***
Người xưa nói: “Quá cứng sẽ dễ hỏng việc, mềm như nước lại không có tổn hại gì”.
Làm người thì cần làm được vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo, vừa thể hiện được sự mạnh mẽ trong công việc, sự nghiệp, vừa thể hiện được sự thiện lương, hiền lành trong đối nhân xử thế.
Cúi đầu có thể phân thành hai loại: Một là cúi đầu cười, hai là cúi đầu khóc.
Thay vì bị ép cúi đầu, chúng ta nên chủ động cúi xuống trước để tránh bị sỉ nhục và phạm vào quy tắc làm người.
Bởi vì hiểu được cho nên mới biết cúi đầu, học được cúi đầu mới có thể ngẩng cao đầu.
Theo Vision Times-San San biên dịch