Nguồn lợi từ việc nuôi cà cuống khá cao, với giá bán 50.000 đồng/con đực sống, mỗi tháng anh Hoàng Anh cũng thu lãi khoảng 50 triệu đồng sau khi trừ hết các chi phí.
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp từ mô hình nuôi cà cuống, anh Hoàng Anh (sinh năm 1990 ở Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) cho biết, trước đây, ở Long Biên rất nhiều ruộng, từ nhỏ anh đã gắn liền với ruộng đồng, trong đó có con cà cuống. Tuy nhiên, do môi trường sống có nhiều thay đổi, con cà cuống hoang dã cũng dần biến mất trong tự nhiên.
Hoàng Anh rất thích nuôi những loại như cà cuống, nên anh đã nuôi thử. Ba năm trước, Hoàng Anh đã rủ thêm anh Trần Tuấn Anh (sinh năm 1987) cùng thực hiện ý tưởng của mình. Lúc đầu gia đình cản, không cho nuôi nhưng anh vẫn quyết tâm làm bằng được.
Qua nhiều lần nuôi và nhân giống nhưng đều thất bại do chưa hiểu rõ về loài cà cuống nhưng không nản chí, cuối cùng Hoàng Anh cũng đã nắm rõ được quy trình kỹ thuật nuôi cà cuống.
Sau khi tìm hiểu và nuôi thử, anh cũng đã nuôi cấy thành công để bán ra thị trường hơn 1 năm nay. Cà cuống bán rất chạy, gần như anh không có đủ hàng để cung cấp ra thị trường.
Hiện anh đang thuê một khu đất ở Đông Anh để nuôi cà cuống. Bể nuôi cà cuống của anh rộng hơn 60m2, mỗi m2 anh thả từ 70 đến 80 con. Nguồn lợi mang về cho anh cũng khá cao, với 50.000/con đực sống, mỗi một tháng anh xuất ra thị trường khoảng 2.000 con. Trừ hết mọi chi phí thì Hoàng Anh thu được 50 triệu đồng/tháng.
Hoàng Anh chia sẻ, cà cuống là loài sinh sản nhanh với số lượng lớn và đẻ quanh năm. Mỗi lứa chỉ cách nhau từ 1 – 1,5 tháng. Mỗi ổ cà cuống có khoảng 100 trứng, sau từ 5 – 7 ngày trứng nở thành ấu trùng. Từ khi nở đến lúc xuất bán thương phẩm khoảng 45 ngày, còn nuôi để sinh sản thì khoảng 75 ngày.
Sau khi đẻ xong, cà cuống cái sẽ bám vào cây thủy sinh hoặc bay tà tà trên mặt nước. Con đực thì sẽ đến quạt khí cho trứng nở. Những con cái khác sẽ tìm đến để ghép đôi cùng với con đực và đẻ trứng, chúng sẽ tìm cách phá hủy trứng của con khác và thay thế bằng trứng của mình. Vì vậy, để trứng cà cuống không bị phá hủy thì cần tách những con cái chưa đẻ ra một bể khác.
“Nuôi cà cuống không khó, nhưng nhân đàn cà cuống thì không hề dễ vì cà cuống là loài rất nhạy cảm với môi trường, nhất là thuốc trừ sâu, để nuôi được cà cuống cần chọn nơi thoáng mát, nguồn nước không bị ô nhiễm. Chính vì vậy, người nuôi cần theo dõi liên tục quá trình sinh trưởng, sinh sản của cà cuống để điều chỉnh cách chăm sóc phù hợp mới mong đạt được kết quả tốt nhất.
Tôi sử dụng nước giếng khoan để nuôi cà cuống, hệ thống nước chảy tuần hoàn nên đảm bảo lúc nào nước trong bể cũng sạch, tạo điều kiện cho cà cuống sinh trưởng và phát triển tốt”, anh Hoàng Anh cho biết.
Theo anh Hoàng Anh, thức ăn cho cà cuống là loại thực phẩm tươi sống như cá, ếch con, nhái con, nên khi thức ăn tiêu thụ không hết rất dễ bị ô nhiễm nguồn nước.
“Để đảm bảo nguồn nước nuôi cà cuống đủ sạch, thì người nuôi phải thay nước thường xuyên. Ngoài ra, quá trình sinh trưởng từ khi trứng nở đến trưởng thành thì chúng trải qua 5 lần lột xác, mỗi lần như vậy người nuôi phải theo dõi để vớt phôi xác nên mất rất nhiều thời gian.
Đặc điểm để nhân dạng cà cuống cái hay đực đó là khi trưởng thành, con cái sẽ to gần gấp đôi con đực. Tuy nhiên, cà cuống cái lại không có bọc tinh dầu, trong khi con đực lại có hẳn 2 bọc tinh dầu chứa ở 2 bên hông đôi chân thứ 3, tính từ đầu xuống”, anh Hoàng Anh chia sẻ.
Cũng theo anh Hoàng Anh, hiện nay người tiêu dùng chủ yếu biết đến các sản phẩm được chế biến từ thịt cà cuống như chiên, hấp… do thịt và trứng cà cuống chứa nhiều protein, lipid và các vitamin. Tuy nhiên, giá trị nhất chính là phần túi tinh dầu của cà cuống.
Nắm bắt được điều này, ngoài bán cà cuống giống, thịt, nhận thấy nước mắm cà cuống là một trong những sản phẩm còn lưu giữ được tinh dầu của cà cuống, mùi vị thơm ngon, lạ được thị trường chấp nhận, anh Hoàng Anh cũng đã sản xuất, chế biến nước mắm để đa dạng hóa các sản phẩm từ cà cuống, tăng giá trị và có thêm đầu ra ổn định hơn.
Bảo Khánh–Theo Infonet