Một thuật toán đơn giản bây giờ cũng có thể dự đoán chính xác 75% kết quả các trận đấu.
Thủ môn huyền thoại người Đức, Manuel Neuer từng nói: “Bạn có thể có chiến thuật, nhưng điều gì sẽ xảy ra trên sân bóng thì không thể đoán trước được“. Đây chính là thứ đem lại sự hấp dẫn cho môn thể thao vua.
Trên sân cỏ và trong khuôn khổ các giải đấu, điều gì càng bất ngờ thì càng đáng nhớ. Chẳng hạn như trận thua 1-7 của chủ nhà Brazil trước đội tuyển Đức vào World Cup năm 2014 và chức vô địch Ngoại hạng Anh đẹp như câu chuyện cổ tích lọ lem của Leicester City vào năm 2016.
Đó là những ví dụ cho lý do tại sao bóng đá lại là môn thể thao phổ biến nhất hành tinh. Thế nhưng, một vài năm trở lại đây, đã có không ít các nhà bình luận nói rằng môn thể thao vua đang ngày càng trở nên kém hấp dẫn.
Một phần điều đó đến từ kết quả của nhiều trận đấu giờ đã quá dễ dự đoán. Khi một đội thuộc Top 4 giải Ngoại hạng Anh đá với các đội ở nửa dưới bảng xếp hạng, đã không còn có nhiều bất ngờ xảy ra nữa. Và điều đó thậm chí còn đúng hơn ở Bundesliga, La Liga cũng như nhiều giải đấu hàng đầu Châu Âu khác.
Người ta có thể biết kết quả của ngày càng nhiều trận đấu khi chúng chưa bắt đầu. Dường như đã qua rồi cái thời mọi người phải thấp thỏm ngồi xem bóng đá ở ngay trước mép ghế. Mất đi cái cảm giác đó, bóng đá có vẻ như đang thoái trào.
Một thuật toán đơn giản cũng có thể dự đoán chính xác 75% kết quả trận đấu
Để chứng minh kết quả của các trận đấu bóng đá ngày càng dễ dự đoán hơn, một nhóm các nhà nghiên cứu tới từ Đại học Oxford và Đại học Dublin đã xây dựng một thuật toán học máy đơn giản.
“Chúng tôi đã phát triển một mô hình máy tính để dự đoán kết quả bóng đá, dựa trên dữ liệu từ gần 88.000 trận đấu đã diễn ra trong vòng 26 năm (kể từ năm 1993 đến năm 2019), thuộc khuôn khổ 11 giải đấu lớn ở Châu Âu. Mô hình của chúng tôi đã cố gắng dự đoán liệu đội nhà hay đội khách sẽ thắng bằng cách xem xét hiệu suất của mỗi đội trong các trận đấu trước đó”, Taha Yasseri, một nhà khoa học xã hội tính toán tại Đại học Dublin, đồng thời là một người hâm mộ bóng đá cho biết.
“Mô hình của chúng tôi đơn giản hơn những mô hình dự đoán tiên tiến nhất được các nhà cái cá cược sử dụng ngày nay. Nó yêu cầu rất ít dữ liệu, có thể dễ dàng điều chỉnh và đào tạo… Nhưng đơn giản cũng có nghĩa mô hình của chúng tôi sẽ dự đoán kém chính xác hơn các mô hình phức tạp. Vậy mà nó vẫn đạt tới tỷ lệ chính xác khoảng 75%”.
Ngạc nhiên hơn cả là việc thuật toán dự đoán của Yasseri ngày càng đạt được độ chính xác cao hơn trong những mùa giải gần đây.
“Ví dụ: mô hình của chúng tôi có thể dự đoán chính xác đội chiến thắng trong 60% các trận đấu ở giải Vô địch Quốc gia Đức Bundesliga vào năm 1993. Nhưng tới năm 2019, hiệu suất dự đoán đã tăng lên tới 80%“, ông nói. “Điều này không phải do chúng tôi hiện có nhiều dữ liệu hơn để dựa vào, trên thực tế, chúng tôi đã đào tạo các mô hình thuật toán với cùng một lượng dữ liệu như nhau”.
Yasseri cho biết ông không ngờ đến kết quả này bởi trong những năm gần đây, thị trường cá cược đã trở nên sôi động hơn với dòng tiền đổ vào đó lớn hơn, lẽ ra các trận đấu sẽ phải khó dự đoán hơn để tạo ra một trò chơi hấp dẫn và mang tính cạnh tranh.
Nhưng sự thật dường như trái ngược khiến Yasseri và các đồng nghiệp tiếp tục phải đi tìm lời giải đáp cho bí ẩn đó. Điều gì đã khiến các trận đấu bóng đá ngày càng tẻ nhạt?
Phân hóa điểm số quá rõ giữa các đội bóng giàu và đội bóng nghèo
Đó là một điều mà có lẽ ai cũng có thể thấy trên các bảng xếp hạng bóng đá ở Châu Âu những năm gần đây. Nhưng Yasseri bây giờ muốn làm rõ điều đó dưới lăng kính của khoa học. Ông đã định lượng mức độ chênh lệch điểm số giữa các đội bóng trong cùng một giải đấu bằng hệ số Gini.
“Đây là một hệ số thường được sử dụng trong kinh tế học để đo lường sự bất bình đẳng về tài sản và thu nhập“, Yasseri cho biết. “Nó cũng sẽ cho phép chúng tôi đo khoảng cách điểm số giữa đội mạnh nhất và đội yếu nhất ở thời điểm cuối mùa giải”.
Kết quả cho thấy trong vòng 26 năm trở lại đây, khoảng cách điểm số ngày càng được nới rộng. Hệ số Gini đã tăng khoảng 70%, từ 0,12 lên 0,20 ở các giải đấu lớn. “Về cơ bản, điều này có nghĩa là các đội bóng mạnh hơn thì ngày càng thắng nhiều hơn, trong khi các đội yếu hơn thì ngày càng thua nhiều hơn”.
Điều này lặp lại quan điểm “những người giàu thì ngày càng giàu lên còn người nghèo ngày càng nghèo đi“. Khoảng cách điểm số ngày càng gia tăng này có thể là kết quả của một chu kỳ mà các đội mạnh hơn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
Điều này khiến họ có nguồn lực tốt hơn để mua về những cầu thủ giỏi. Sau đó, ưu thế từ thị trường chuyển nhượng lại khiến họ trở thành đội bóng mạnh hơn. Với các đội bóng yếu thì ngược lại.
“Bóng đá vốn rất thú vị bởi vì bạn biết đấy, luôn có cơ hội cho những đội bóng yếu hơn giành chiến thắng. Nhưng thật không may, việc đổ tiền vào môn thể thao này và không điều tiết sự giàu có hay thu nhập của các câu lạc bộ có thể lấy đi sự thú vị đó từ phía người hâm hộ”, Yasseri cho biết. “Tôi cũng là một người hâm mộ bóng đá và thực tế này thật khó chấp nhận đối với tôi”.
Khi sân nhà không còn là lợi thế
Yassrei cho biết thêm một xu hướng khác trong những năm gần đây khiến kết quả các trận bóng đá dễ dự đoán hơn. Đó là việc lợi thế sân nhà bị suy giảm.
“Nếu bạn hâm bộ bóng đá thì bạn sẽ biết, nhiều trận đấu hấp dẫn nhất sẽ diễn ra khi một đội mạnh chơi trên sân của một đội yếu hơn. Đội chủ nhà yếu hơn thường dựa vào sự cổ vũ của người hâm mộ cuối cùng sẽ giành chiến thắng“, ông nói.
“Chúng tôi tính toán “lợi thế sân nhà” là tỷ số giữa số điểm mà đội nhà thu về so với số điểm mà đội khách thu về trung bình. Hãy nhớ rằng mỗi đội bóng đều phải gặp nhau 2 lần trong một mùa giải: một lần trên sân nhà và một lần trên sân khách. Sự cân đối này cho phép chúng tôi đo lường hiệu quả thuần túy của lợi thế sân nhà”.
Kết quả Yasseri thấy là vào những năm 1990, việc chơi trên sân nhà có thể đem lại lợi thế giành chiến thắng cao hơn 30%. Có nghĩa là trung bình một đội chơi trên sân nhà có tới 65% cơ hội chiến thắng so với 35% nguy cơ để thua. Nhưng tới những mùa giải gần đây, lợi thế sân nhà dần bị thu hẹp dần chỉ còn 15%. Nói cách khác, nó đã giảm một nửa trong hai thập kỷ rưỡi.
“Điều này khiến các đội bóng yếu hơn càng ít có cơ hội hơn ngay cả khi chơi trên sân nhà của họ. Nhìn chung, có vẻ như các đội bóng mạnh hơn sẽ giành chiến thắng, bất kể họ chơi ở đâu”, Yasseri cho biết.
“Nguyên nhân một phần có thể là do việc di chuyển và tập luyện đã được cải thiện đáng kể trong vài năm qua, giảm thiểu những thách thức về hậu cần khi thi đấu trên sân khách và giúp các cầu thủ dễ dàng thích nghi hơn. Nhưng quan trọng hơn, đây dường như là bằng chứng cho thấy sức mạnh ngày càng tăng của các đội bóng mạnh”.
Các nhà quản lý bóng đá có thể làm gì?
Trước thực trạng các giải đấu bóng đá đang bị phân cực mạnh khiến sức hấp dẫn của môn thể thao vua bị giảm đi, các nhà nghiên cứu đề xuất một số giải pháp mà các liên đoàn bóng đá nên nghĩ tới ngay từ bây giờ.
Yasseri cho biết họ nên đặt ra các quy định và chế tài mạnh mẽ để quản lý thu nhập, chi tiêu và mức lương cầu thủ giữa các câu lạc bộ với nhau. Đồng ý với ý kiến đó, Luis Miguel Echegaray, một nhà phân tích bóng đá của CBS cho rằng mỗi giải đấu bóng đá lớn nên có một cơ quan quản lý độc lập: “Họ sẽ là người đưa ra các quy tắc cấm một số điều, chẳng hạn như bội chi đối với các cầu thủ”.
Echegaray cho biết việc san bằng sân chơi kinh tế ở các giải bóng đá Châu Âu có thể mang lại những khoảnh khắc kỳ diệu, như khi một đội bắt đầu mùa giải với tỷ lệ chọi 5000 ăn 1 giành chức vô địch Premier League 2016.
“Ý tôi là, đó là lý do tại sao Leicester City là một câu chuyện Lọ Lem như vậy bởi vì, bạn biết đấy, nó không thường xảy ra“, Echegaray nói.
Và người hâm mộ thể thao nào sẽ không muốn có thêm một khoảnh khắc Cinderella trong những mùa giải tới?
Nếu điều họ chờ đợi không xuất hiện, “sự thành công của môn thể thao này có thể trở thành lý do chính cho sự suy tàn của nó. Một trận đấu dễ dự đoán sẽ không thể nào tiếp tục thu hút số lượng lớn cổ động viên đến với sân vận động“, Yasseri kết luận.
Theo Thanh Long–Theo Pháp luật và bạn đọc