Các công ty khoan dầu ở Canada, Ý, Nga, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ đã ký hợp đồng với các nước châu Á trong hơn 50 năm qua để phát triển nhiên liệu hóa thạch dưới đáy biển ở Biển Đông.
Các chuyên gia nói với VOA rằng, những công ty nước ngoài này đã được các công ty dầu khí châu Á mời với hy vọng, kinh nghiệm kỹ thuật của các đối tác phương Tây sẽ giúp họ giảm bớt tổn thất trong kinh doanh.
Bắc Kinh đang lợi dụng các hợp đồng dầu mỏ nước ngoài như vậy để củng cố vị trí thống trị của Trung Quốc ở Biển Đông. Thủ đoạn họ sử dụng là thuê một số nhà thầu nước ngoài và gây áp lực buộc các nhà thầu khác phải chấm dứt hợp đồng với các đối thủ.
Trong tháng này, các phương tiện truyền thông đưa tin rằng, Trung Quốc gần đây đã gây áp lực buộc Indonesia phải dừng các dự án năng lượng ở vùng biển tranh chấp với Bắc Kinh. Điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động thăm dò của đối tác kinh doanh Nga là công ty dầu khí Zarubezhneft.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ngoài khơi Trung Quốc là tập đoàn được hỗ trợ bởi chính phủ Trung Quốc. Doanh nghiệp này đã mời đấu thầu đối với các công ty nước ngoài vào năm 2019. Trung Quốc đã thuê Subsea7, một công ty xây dựng và kỹ thuật có trụ sở tại Luxembourg, để tiến hành công việc [khai thác] năng lượng ngoài khơi. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ngoài khơi Trung Quốc cũng đã ký hợp đồng với nhà thầu Canada Husky Energy vào năm 2016 để khai thác dầu khí ngoài khơi.
Ông Stephen Nagy, phó giáo sư cao cấp tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế Tokyo nói rằng, sự tham gia của các nhà thầu dầu khí nước ngoài giúp nâng cao hiệu quả tuyên bố chủ quyền đường biển của các quốc gia mà họ ký hợp đồng, bởi vì nó làm xói mòn tuyên bố chủ quyền của các quốc gia đối lập.
Ông nói “Họ nói rằng đây là một cuộc chiến pháp lý. Bạn sử dụng các loại phương pháp khác nhau để làm xói mòn các tuyên bố hợp pháp của một quốc gia khác, và ít nhất thì Trung Quốc đã tích cực làm điều này.”
Các nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc cũng đã sử dụng các cuộc chiến pháp lý để thay đổi địa danh trên bản đồ, cấm đánh bắt cá ở một số vùng biển nhất định trong một khoảng thời gian của năm và sửa đổi Luật An toàn Giao thông Hàng hải vào tháng Tư.
Ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Đại dương Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế phân tích rằng, các công ty hóa dầu của Trung Quốc có đủ kinh nghiệm để tự khai thác dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Ví dụ, trang tin nhà nước “Nhật báo Trung Quốc” hồi tháng 6 thông báo rằng, Trung Quốc đã đưa vào hoạt động giàn khoan dầu khí Thâm Hải số 1, “trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có thể độc lập khai thác, thăm dò và phát triển dầu khí nước sâu”.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ ước tính, Biển Đông có trữ lượng dầu 11 tỷ thùng và trữ lượng khí đốt tự nhiên là 190 nghìn tỷ feet khối. Hầu hết các trữ lượng nằm dưới thềm lục địa ở vùng biển Đông Nam Á và chưa được khai thác.
Trung Quốc có lực lượng vũ trang lớn thứ ba thế giới và quân đội lớn nhất châu Á. Họ không ngại sử dụng các mối đe dọa vũ lực để thực hiện các yêu sách hàng hải của mình.
Tàu khảo sát của Trung Quốc đã tiếp cận các dự án phát triển dầu khí của Việt Nam, Bắc Kinh cho rằng một số dự án đã vi phạm yêu sách về quyền hàng hải của Trung Quốc. Năm 2018, Việt Nam phải từ bỏ dự án khoan dầu với công ty năng lượng Repsol của Tây Ban Nha ở Biển Đông do áp lực từ Trung Quốc.
Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng lớn tiếng tuyên bố: “Các hoạt động liên quan của phía Trung Quốc trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông là hợp pháp, hợp lý và không thể chỉ trích.
Hồ Dật Sơn (Oh Ei Sun), một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Các vấn đề Quốc tế Singapore cho biết, những hành động này đã đẩy lùi các công ty nước ngoài một cách hiệu quả. Ngoài ra, Trung Quốc cảnh báo rằng, các nhà thầu ký hợp đồng với các nước khác sẽ phải đối mặt với những hạn chế khi kinh doanh tại Trung Quốc trong tương lai.
“Tất nhiên [phía Trung Quốc] không hài lòng”, ông nói. “Trước tiên, họ sẽ nói ‘Những nhà thầu hoặc nhà điều hành nước ngoài này phải tự chịu rủi ro. Thứ hai, họ sẽ nói, ‘Trung Quốc có thể không hoan nghênh bạn đến Trung Quốc để kinh doanh hoặc tiến hành gọi vốn ở Trung Quốc”.
Ông Poling nói rằng, số lượng các nhà thầu nhiên liệu nước ngoài ở Biển Đông đang giảm vì họ muốn tránh rủi ro khi bị Trung Quốc can dự. Ông cho biết, Trung Quốc đã phản đối các hoạt động khoan dầu khí của các nước khác từ những năm 1970. Tuy nhiên trong 20 năm qua, phạm vi phản đối của Trung Quốc đã mở rộng từ các đảo quan trọng ra toàn bộ đại dương.
Ông nói: “Nếu công ty đó có quan hệ kinh doanh với Trung Quốc, tôi suy luận rằng họ sẽ bị Trung Quốc trừng phạt theo một cách nào đó.”
Theo Tuổi trẻ