Hệ thống tài chính của Nga xem ra hoàn toàn “miễn nhiễm” trước sức ép của phương Tây, với năng lực cao hơn rất nhiều so với những gì nhiều chuyên gia phân tích nhìn nhận.
Trong bài viết trên Asia Times hôm 10/12, tác giả Nick Kochan nhận định đe dọa trừng phạt của Tổng thống Mỹ Joe Biden gần như sẽ không đủ mạnh và hiệu quả trong việc ngăn Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết đoán hơn trong vấn đề Ukraine.
Mỹ dọa áp lệnh trừng phạt “chưa từng có”
Chính quyền Biden được cho là đang cân nhắc một loạt các biện pháp trừng phạt “chưa từng có” nhằm vào Nga nếu chính quyền ông Putin quyết định đưa quân vào Ukraine.
Những thông tin và hình ảnh về việc quân đội Nga đang tập trung quân ở vùng biên giới “sát nách” Ukraine khiến Mỹ và các nước phương Tây đồn đoán về nguy cơ Moscow chuẩn bị một cuộc tấn công quy mô lớn vào Ukraine.
Điện Kremlin bác bỏ hoàn toàn và nhiều lần khẳng định: hoạt động luân chuyển binh sĩ và thiết bị trong phạm vi lãnh thổ Nga là hoàn toàn bình thường và điều đó không nhằm đe dọa ai.
Bất chấp những tuyên bố bác bỏ của Nga, tình hình biên giới nóng bỏng Ukraine-Nga vẫn làm gia tăng nhiều đồn đoán, trong đó câu hỏi liệu các đe dọa trừng phạt mới mạnh chưa từng có của Tổng thống Biden có đủ sức để ngăn Moscow tấn công Ukraine và thay đổi tính toán của họ hay không.
Chưa rõ Mỹ có thể tung ra các biện pháp trừng phạt mới nào nhưng theo các nguồn tin, lệnh cấm dự kiến có thể làm tê liệt khả năng tiếp cận thị trường trái phiếu của Nga, siết chặt các ngân hàng thương mại hàng đầu của nước này (kể cả Ngân hàng VTB do chính phủ Nga sở hữu phần lớn), hạn chế khả năng chuyển đổi đồng ruble sang USD hoặc những đơn vị tiền tệ khác, áp lệnh hạn chế di chuyển và tài chính nhằm vào giới tài phiệt Nga, cấm Nga tiếp cận hệ thống chuyển khoản ngân hàng SWIFT quốc tế dù động thái này có thể gây ra thiệt hại nặng nề với các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu.
Càng bị trừng phạt, Nga càng mạnh hơn
Moscow đã trải qua những thời điểm khó khăn khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các lệnh trừng phạt vào năm 2014 và một lần nữa vào năm 2015 sau khi Crimea sáp nhập về với Nga.
Tuy nhiên, các chủ ngân hàng và luật sư của Nga cho rằng, những biện pháp đó cuối cùng chỉ càng khiến Nga tách rời dần dần khỏi phương Tây, và Moscow hiện đã tự chủ hơn và chịu được áp lực của phương Tây nhiều hơn trước. Trong lĩnh vực tài chính, các ngân hàng địa phương đã dần thế chân các ngân hàng nước ngoài, đặc biệt là HSBC và Barclays, và Nga cũng đã thắt chặt các biện pháp chống rửa tiền kể từ đó.
“Các biện pháp trừng phạt đã thất bại”, Philip Gudgeon, Giám đốc Ngân hàng Otkritie, một trong những ngân hàng lớn nhất của Nga nói và nhấn mạnh thêm, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã không thể nào khuất phục được Nga theo bất kỳ cách nào.
Theo các nhà phân tích, tất nhiên các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng phần nào ảnh hưởng đến nền kinh tế của Nga.
Nhưng vấn đề là Moscow còn những nguồn tài nguyên kinh tế chưa được khai thác, bao gồm cả nguồn dự trữ năng lượng dồi dào, đã thu hút các nhà đầu tư và các công ty châu Á, những quốc gia vốn phớt lờ các lệnh trừng phạt và tận dụng vơ vét các tài sản và vị thế béo bở mà phương Tây bỏ lại.
Alexei Roudiak, đối tác của Herbert Smith Freehill tại Moscow cho biết: “Muốn cô lập Nga thông qua các lệnh trừng phạt, Mỹ và phương Tây cũng đang nhường đất cho Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đến và thế chỗ”.
“Các biện pháp trừng phạt đã buộc Nga phải tự lo liệu. Các tổ chức tài chính của họ đã lớn hơn, đã trưởng thành và xây dựng thị phần cũng như củng cố thị trường ở Nga”, ông Gudgeon nói. Các nhà phân tích và quan sát lưu ý, Trung Quốc cũng đã thâm nhập đáng kể vào thị trường Nga kể từ năm 2014 và từng bước tăng cường hợp tác địa chính trị với Bắc Kinh.
Vì vậy, theo các chuyên gia, cho dù lần này chính quyền ông Biden tăng cường các lệnh trừng phạt “chưa từng có” cũng sẽ không ngăn chặn được Nga.
Thứ nhất, để những biện pháp trừng phạt này có hiệu lực, Mỹ sẽ phải cần đến các đồng minh, nhưng thường thì các biện pháp trước đây Mỹ áp đặt lên Nga là đơn phương và không có sự ủng hộ hoặc tham gia của các quốc gia lớn khác hay của Liên hợp quốc, và như vậy hiếm khi thành công.
Thứ hai, vẫn như bao lần, khi phải đối mặt với các lệnh trừng phạt, Nga có thể tìm kiếm các mối quan hệ thương mại ở nơi khác. Và điều quan trọng nhất, Nga không phụ thuộc vào thương mại của Mỹ và do đó khó có khả năng chịu áp lực kinh tế từ Mỹ.
Trong ván bài này, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), được xem cơ quan kinh tế đầu não cứng rắn và không khoan nhượng, chính là công cụ đắc lực nhất giúp Nga tuân thủ và “cách ly” khỏi thị trường tài chính quốc tế và các lệnh trừng phạt tiềm tàng.
Mặc dù khả năng Mỹ và phương Tây mở rộng lệnh trừng phạt nhằm vào nền kinh tế tài chính Nga là đang dần hiện hữu, nhưng việc Moscow đã dần dần “hướng nội” kể từ năm 2014 có nghĩa là các biện pháp trừng phạt sẽ không còn nhiều tác dụng như trước.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị