Để đối phó với âm mưu “tranh quyền đoạt vị” của Lâm Bưu, Mao Trạch Đông quyết định tuần du phương Nam, đánh úp từng chỉ huy cấp cao của nhóm phản đảng đang nấp trong bóng tối.
Thất bại của băng nhóm Lâm Bưu tại Hội nghị toàn thể lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 9 (tháng 8/1970) càng khiến bọn chúng thêm quyết tâm đẩy nhanh kế hoạch đảo chính vũ trang.
Cuộc đối đầu rúng động Trung Quốc
Đối mặt với âm mưu của băng nhóm Lâm Bưu, Mao Trạch Đông cảm nhận sâu sắc rằng nếu tiếp tục ở lại Bắc Kinh sẽ không thể ngăn chặn được bọn chúng, nên đã quyết định tuần du phương Nam, đến điểm xuất phát của “làn sóng lớn” này, “đánh úp” từng chỉ huy cấp cao trong băng nhóm Lâm Bưu vốn đang nấp trong bóng tối.
Mao Trạch Đông lên chuyến tàu đặc biệt số 1 và bắt đầu chuyến tuần du phương Nam đầy nguy hiểm của mình vào ngày 15/8/1971.
Ngày 16/8, chuyến tàu đặc biệt đến Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Tại Vũ Hán, trong hơn 10 ngày liên tục, Mao Trạch Đông đã triệu tập lãnh đạo đảng, chính quyền và quân đội ở các tỉnh Hồ Bắc và Hà Nam là Lưu Phong, Lưu Kiến Huân và một số cán bộ lãnh đạo khác đến nói chuyện. Tất nhiên, trong số những người được triệu tập lần này, không thiếu những người có quan hệ mật thiết với Lâm Bưu. Trong số đó, Chính ủy Quân khu Vũ Hán Lưu Phong còn là thân tín của Lâm Bưu.
“Có người nóng lòng muốn trở thành Chủ tịch nước, chia rẽ đảng và muốn nắm quyền”. Khi nói chuyện với Lưu Phong, Mao Trạch Đông không hề vội vàng, cân nhắc từng lời, hướng mũi dùi vào Lâm Bưu.
“Sau khi trở về Bắc Kinh, tôi vẫn muốn nói chuyện với chúng (nhóm Lâm Bưu). Nếu chúng không tìm tôi, tôi sẽ đi tìm chúng. Một số người có thể được cứu, còn một số có thể không được cứu, tùy tình hình thực tế. Có hai khả năng trong tương lai, một là có thể thay đổi, hai là không thể thay đổi. Sai lầm lớn về nguyên tắc, lộ trình và phương hướng của người cầm đầu, rất khó để thay đổi”.
Lưu Phong chăm chú lắng nghe. Ông ta bị sốc trước tầm quan trọng và lời lẽ sắc bén của cuộc nói chuyện này. Ở đây Mao Trạch Đông đã nói rất rõ vấn đề của Lâm Bưu. Mao đã không những không còn tin tưởng Lâm Bưu mà còn xác định Lâm là kẻ cầm đầu băng nhóm phản cách mạng.
Trước khi Mao Trạch Đông tới Nam Xương, những người phụ trách tháp tùng Mao trong chuyến công tác đã tới đây và truyền đạt nội dung cuộc nói chuyện của Mao Trạch Đông ở Vũ Hán và Trường Sa (tỉnh Hồ Nam) tới Chính ủy Quân khu Giang Tây Trình Thế Thanh cùng các cán bộ lãnh đạo khác có liên quan.
Trình Thế Thanh cảm thấy âm mưu của Lâm Bưu tại hội nghị Lư Sơn đã bị Mao Trạch Đông nhìn thấu, “thuyền” của Lâm Bưu có nguy cơ chìm bất cứ lúc nào, vì vậy ông ta đã đề nghị gặp riêng Mao Trạch Đông.
Cũng chính trong cuộc trò chuyện này, Trình Thế Thanh đã tố cáo những hành động lén lút gần đây, cuộc tấn công cuối cùng của băng nhóm Lâm Bưu. Mặc dù đã biết rõ tình hình, nhưng Mao Trạch Đông cũng rất chú ý đến nội dung lời tố cáo.
Kế hoạch mưu sát Mao Trạch Đông
Trong chuyến tuần du phương Nam này, Mao Trạch Đông vừa đi vừa gặp rất nhiều người, khiến Lâm Bưu cảm thấy rất bất an. Khi biết được nội dung của các cuộc gặp, băng nhóm Lâm Bưu càng lúc càng hoảng loạn. Với tình thế nguy cấp trước mắt, bọn chúng quyết tâm ám sát Mao Trạch Đông.
Ngày 3/9/1971, chuyến tàu đặc biệt của Mao Trạch Đông đi từ Nam Xương đến thành phố Hàng Châu, tiến vào vào “hang hổ” của Trần Lệ Vân. Trần Lệ Vân là Chính ủy Quân đoàn số 5 Không quân, cũng là thân tín của Lâm Bưu, nắm giữ toàn bộ hệ thống công an tỉnh Chiết Giang.
Hàng Châu là nơi Mao Trạch Đông thường lui tới. Nhưng lần này, các cán bộ mà Mao quen biết đều bị gạt sang một bên, và Trần Lệ Vân chịu trách nhiệm về toàn bộ hệ thống an ninh vòng ngoài ở Hàng Châu.
Sáng sớm ngày 9/9/1971, Lâm Lập Quả (con trai Lâm Bưu) đã tổ chức một cuộc họp bí mật và đưa ra bản kế hoạch mang mật danh “Dự án 571”. Bọn chúng muốn sử dụng quân đội để “đánh phủ đầu” và nhấn mạnh rằng “dù chuẩn bị hay không chuẩn bị thì cũng phải làm chìm thuyền”; âm mưu “tóm gọn một mẻ” khi các lãnh đạo hội họp, hoặc sử dụng các phương pháp đặc biệt như đánh bom, tai nạn xe cộ, ám sát, bắt cóc, lợi dụng các đội du kích thành thị… phát động đảo chính, giết Mao Trạch Đông, chiếm quyền lãnh đạo đất nước, hoặc tạo ra “chế độ ly khai”, thiết lập thế giới của nhà họ Lâm.
Trong đó, nhiệm vụ chính của bản kế hoạch là ám sát Mao Trạch Đông trên hành trình từ Thượng Hải trở về Bắc Kinh.
Nửa đêm ngày 8/9/1971, Mao Trạch Đông – người đã quen làm việc vào ban đêm – đột nhiên ra lệnh lập tức di chuyển chuyến tàu đặc biệt đang dừng đỗ trên tuyến vận tải đặc biệt của sân bay Kiển Kiều (Hàng Châu) đến vùng phụ cận của Thiệu Hưng.
Vào lúc 15h chiều ngày 10/9, Mao Trạch Đông đột ngột quyết định rời khỏi Hàng Châu: “Bây giờ điều tàu trở lại, chúng ta sẽ rời đi ngay lập tức, không cần thông báo cho ai”.
Mao thoát hiểm và câu nói lạ khi biết Lâm Bưu trốn
Chiều tối ngày 10/9/1971, chuyến tàu đặc biệt của Mao Trạch Đông đến Thượng Hải và dừng lại ở Vườn Ngô Gia gần sân bay Hồng Kiều của thành phố. Trước đây, mỗi lần đến đây, Mao Trạch Đông đều ở lại vài ngày, đây trở thành thói quen trong hơn 20 năm của ông.
Lâm Bưu và đồng bọn đang ở một nơi rất xa – Bắc Đới Hà (tỉnh Hà Bắc) – rất vui mừng khi biết tin Mao đến Thượng Hải. Theo kế hoạch, vị trí để đánh bom chuyến tàu là tại Thạc Phóng – nơi bắt buộc phải đi qua trên đường từ Thượng Hải về Bắc Kinh.
Tàu dừng tại Thượng Hải nhưng Mao Trạch Đông không xuống tàu, thay vào đó, ông lập tức triệu tập các lãnh đạo đảng, chính quyền và quân đội địa phương lên tàu họp và quyết định thay đổi hành trình.
Trưa ngày 11/9, chuyến tàu đặc biệt xuất phát từ ga Thượng Hải, đến ga Hạ Quan (Nam Kinh) lúc 18h. Sau khi nạp nhiên liệu và bảo dưỡng chỉ trong 15 phút, đoàn tàu lại tiếp tục hành trình hướng về phía bắc, không dừng thêm lần nào, băng qua sông Hoàng Hà và thẳng tiến tới Thiên Tân.
Nhờ vậy, Mao Trạch Đông đã hoàn toàn loại bỏ được âm mưu ám sát và sự vây hãm của băng nhóm Lâm Bưu. Mục tiêu duy nhất khi quay về Bắc Kinh lần này là để “kết liễu” băng nhóm Lâm Bưu.
15h chiều ngày 12/9, chuyến tàu đặc biệt của Mao Trạch Đông về đến ga Đông Phong Đài của thủ đô Bắc Kinh. Mao ngay lập tức triệu tập Lý Đức Sinh, Ngô Đức và Ngô Trung – những lãnh đạo đảng, chính quyền và quân đội Bắc Kinh – lên tàu họp bàn và trở về Trung Nam Hải an toàn vào buổi tối.
Biết rằng kế hoạch đảo chính vũ trang đã thất bại, Lâm Bưu đã quyết định bỏ trốn bằng máy bay ngay trong đêm 12/9/1971.
Mao Trạch Đông, khi biết chuyện Lâm Bưu đào tẩu, chỉ nói một câu: “Trời có lúc đổ mưa. Vợ có lúc cải giá. Thôi, cứ để hắn đi!”
Tuy nhiên, Lâm Bưu đã nhận kết cục bi thảm chỉ vài giờ sau khi bỏ trốn. Máy bay của ông ta bị rơi ở Mông Cổ, toàn bộ người trên máy bay được xác nhận thiệt mạng.
(Còn tiếp)
* Tài liệu tham khảo: Trang tin ĐCSTQ, Bách khoa toàn thư Baidu
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị