Bắc Kinh đã không hồi đáp trước một số vấn đề mà Canberra đã đưa ra, bao gồm các cáo buộc về nhân quyền.
Australia sẽ cùng Mỹ tẩy chay ngoại giao đối với Olympic Mùa đông 2022 ở Bắc Kinh, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố mới đây trong khi các đồng minh khác của Washington cân nhắc động thái tương tự nhằm phản đối cách xử lý của Trung Quốc trước vấn đề Tân Cương, Reuters đưa tin.
Ông Morrison cho biết, quyết định nêu trên được đưa ra bởi Australia quá chật vật khi tìm cách mở lại các kênh ngoại giao với Trung Quốc để bàn thảo về các vấn đề ở Tân Cương và hàng hóa nhập khẩu từ Australia.
Theo ông Morrison, Bắc Kinh đã không hồi đáp trước một số vấn đề mà Canberra đã đưa ra, bao gồm các cáo buộc về nhân quyền.
“Vì lẽ đó, cũng không phải điều đáng ngạc nhiên khi quan chức chính phủ Australia không tới Trung Quốc dự các Thế vận hội”, ông Morrison nói.
Một phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra cho rằng, tình thế khó khăn hiện thời trong quan hệ Trung Quốc và Australia hoàn toàn là do phía Australia.
Ủy ban Olympic Australia khẳng định, động thái tẩy chay ngoại giao không hề ảnh hưởng tới công tác chuẩn bị của các vận động viên cho kỳ Thế vận hội và nhấn mạnh: các phương án ngoại giao là việc của các chính phủ.
Quyết định của Canberra được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Australia – Trung Quốc ở mức thấp sau khi nước này cấm tập đoàn viễn thông Huawei tham gia vào mạng 5G hồi 2018 và ủng hộ điều tra độc lập đối với nguồn gốc đại dịch Covid-19. Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách áp thuế đối với nhiều loại hàng hóa nhập khẩu từ Australia như thịt bò, than, rượu vang.
Trước đó, Mỹ đã tuyên bố tẩy chay ngoại giao đối với Olympic Bắc Kinh – chỉ vài tuần sau khi cuộc đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai bên diễn ra.
Phản ứng trước động thái của Mỹ, Trung Quốc tuyên bố: Mỹ sẽ phải trả giá cho quyết định của mình và Bắc Kinh sẽ trả đũa.
Các đồng minh khác của Mỹ vẫn chần chừ trước phương án tẩy chay ngoại giao Olympic Mùa đông.
Anh đang cân nhắc tới phương án tham dự có giới hạn tại sự kiện diễn ra từ 4-20/2/2022 ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc trong khi khả năng cấm các đại diện ngoại giao và cấp bộ trưởng vẫn được để ngỏ – Telegraph đưa tin.
Nhật Bản thì tính tới chuyện không cử các thành viên trong nội các tới tham gia sau tuyên bố tẩy chay của Mỹ, Sankei Shimbun dẫn nguồn tin chính phủ cho biết.
Nhận định về phương án tẩy chay ngoại giao, chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ German Marshall – Bonnie Glaser – cho rằng, nếu các nước khác không tham gia tẩy chay cùng Mỹ thì thông điệp về nhân quyền gửi tới Trung Quốc sẽ bị yếu đi.
Phát biểu trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, Glaser tuyên bố: Phương án duy nhất là tìm cách để nhiều nước đứng cùng với Mỹ trong “liên minh” này.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị