So với yêu cầu “cách mạng hoá, thanh niên hoá, học thức hoá và chuyên môn hoá” từ thời Đặng Tiểu Bình, tiêu chí “dùng người” của Trung Quốc hiện nay đã thay đổi.
Ngày 1/12, Trần Hy – Trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – đã đăng bài viết trên Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng này, về việc học tập và thực hiện tinh thần của Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 19, trong đó nêu chi tiết chỉ đạo về cách mà nước này bồi dưỡng đội ngũ các quan chức và lãnh đạo kế nhiệm.
Tiêu chí lựa chọn cán bộ của Trung Quốc thay đổi
Bài viết chỉ ra rằng, kể từ sau Đại hội ĐCSTQ lần thứ 18 năm 2012, Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh, “để phục hưng sự vĩ đại của dân tộc Trung Hoa, kiên trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, điểm mấu chốt nằm ở đảng, ở con người, và gốc rễ là ở việc bồi dưỡng hết lớp này đến lớp khác những người kế nhiệm đáng tin cậy”.
Vậy tiêu chí lựa chọn người kế thừa là gì? Trần Hy đã đề cập trong bài viết, “Nghị quyết lịch sử thứ ba đã tổng kết lịch sử, dựa trên hiện tại và hướng tới tương lai, đưa ra câu trả lời rõ ràng về việc sự nghiệp của đảng và nhân dân cần cán bộ như thế nào, nhấn mạnh sự cần thiết phải bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trình độ cao, có tài đức song toàn, trung thành, trong sạch và trách nhiệm”.
So với yêu cầu “cách mạng hoá, thanh niên hoá, học thức hóa và chuyên môn hoá” đối với cán bộ từ thời Đặng Tiểu Bình, hiện nay khi tình hình Trung Quốc thay đổi, các tiêu chí lựa chọn thế hệ quan chức kế nhiệm của Trung Quốc cũng thay đổi.
Hai tiêu chí “học thức hóa và chuyên môn hóa” không thay đổi, bởi vì các cán bộ như vậy đều cần thiết ở bất kỳ thời đại nào và bất kỳ nơi nào.
Nhưng các tiêu chí “cách mạng hóa và thanh niên hoá” xuất phát từ bối cảnh thời đại đặc biệt. Lúc đó, Cách mạng văn hóa vừa kết thúc, tư duy “cách mạng” còn mạnh mẽ, chế độ lãnh đạo suốt đời vẫn chưa bị xóa bỏ. Hiện nay, theo trang Đa Chiều, chính trường ở Trung Quốc đã thay đổi, các cán bộ cấp tỉnh và cấp bộ được quy định nghỉ hưu ở tuổi 65; lãnh đạo cấp nhà nước thường nghỉ hưu trước 75 tuổi. Bởi vậy, hai tiêu chí này không còn được nhấn mạnh.
“Trung thành, trong sạch, trách nhiệm” là từ khóa
“Trung thành, trong sạch và trách nhiệm” đã trở thành những từ khóa của Trung Quốc trong việc lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ trong thời đại mới, theo thông điệp mới đây của ông Trần Hy.
Đa Chiều cho hay, điều này liên quan mật thiết đến môi trường phát triển trong nước và quốc tế hiện nay của Trung Quốc, bao gồm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình đặc biệt chú trọng đến sự tự tin về chế độ, tự tin về lý luận, tự tin về đường lối và tự tin về văn hóa. Trong bối cảnh các nhân tố trong nước và quốc tế đan xen, để thúc đẩy cải cách nguyên tắc tập trung dân chủ trong thời đại mới và định hình lại quyền lực của chính quyền trung ương, ở giai đoạn này, ban lãnh đạo Trung Quốc được cho là sẽ đặt ra những yêu cầu cao hơn về “lòng trung thành chính trị” của các quan chức.
Kể từ sau Đại hội 18, ông Tập Cận Bình đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chống tham nhũng, hy vọng “nhốt quyền lực vào lồng chế độ”, nỗ lực xây dựng một Trung Quốc trong sạch, liêm chính. Để làm được điều này, Trung Quốc cần một số lượng lớn cán bộ tương đối trong sạch, ít nhất là cán bộ có khả năng chống tham nhũng. Bởi vậy, “trong sạch” đã trở thành tiêu chí quan trọng để lựa chọn cán bộ trong thời đại mới.
Nói đến “trách nhiệm”, tiêu chí này thực sự cần thiết trong bất kỳ thời đại nào, nhưng tại thời điểm này nó được giới chức Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh, vì có những đặc điểm riêng của thời đại.
Kể từ khi ông Tập mạnh tay chống tham nhũng, trong bộ máy quan chức của Trung Quốc đã xuất hiện tình trạng “án binh bất động”. Việc này làm dấy lên những chỉ trích của người dân và dư luận Trung Quốc.
Theo Đa chiều, có thể có hai lý do, một là chống tham nhũng cắt đứt lợi ích tham nhũng của các quan chức và khiến họ mất động lực “hành động”. Thứ hai, họ sợ có sai phạm trong hành vi của mình, sẽ bị cơ quan kiểm tra kỷ luật nhắm đến, từ có thể bị mất chức.
Ban lãnh đạo Trung Quốc đã chỉ trích nghiêm khắc hiện tượng này, thậm chí còn cho rằng, “lười biếng và không hành động” cũng là một dạng tham nhũng. Việc này đã giúp cải thiện tình hình. Để nâng cao tính tích cực của quan chức các cấp trong thời đại Trung Quốc có nhiều thay đổi lớn, Bắc Kinh đã đặc biệt nhấn mạnh đến việc xem xét “trách nhiệm” trong việc dùng người.
Mỗi thời đại đều có sứ mệnh riêng, và mỗi thời đại cũng có những “trọng tâm” trong việc lựa chọn cán bộ. Sau 40 năm cải cách mở cửa, môi trường kinh tế – xã hội của Trung Quốc đã có những thay đổi đáng kinh ngạc.
Trên cơ sở đó, tiêu chí lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ của Trung Quốc cũng phải thay đổi theo sự phát triển của thời đại.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị