Nữ đại gia Việt Nam đầu tiên, người phá dỡ thành Hà Nội có cuộc đời truân chuyên. Dù giàu có khó ai sánh bằng, bà vẫn có nhiều nỗi buồn sâu kín.
Trong tưởng tượng của bạn, khi một đại gia nổi tiếng nhất nhì thời đại qua đời, sự ra đi đó sẽ thế nào? Với trường hợp cô Tư Hồng – Trần Thị Lan, câu trả lời là “như một người bình thường”. Đó là hành trình đơn độc, không có ai cùng đi đến cuối đường, là khi của chìm của nổi, bất động sản, tiền vàng… cũng phải để lại ở trần gian.
Khi còn sống, bà được coi là nữ đại gia một thời lừng lẫy. Người ta cũng đồn rằng, bà là người phụ nữ Việt đầu tiên thành lập công ty, người lắp điện thoại bàn trong nhà đầu tiên, người Việt đầu tiên mua xe hơi. Nhưng khi nằm xuống, bà vẫn ôm nhiều nỗi day dứt, nhất là nỗi buồn không có con.
Nhan sắc khuynh đảo lòng người
Người đàn bà sau này nổi tiếng với tên “cô Tư Hồng”, tên thật là Trần Thị Lan, sinh năm 1869. Theo tư liệu, người phụ nữ này có tư chất thông minh, dung mạo xinh đẹp, sắc sảo khiến đàn ông si mê. Những bức ảnh cũ hiếm hoi còn sót lại (không rõ thời điểm chụp chính xác, có lẽ là sau khi trở thành vợ quan Tư người Pháp) cho thấy thần thái sang trọng của bà.
Bà sinh ra trong một gia đình nghèo, không có một mảnh đất cắm dùi, bỏ quê hương lưu lạc đến vùng Ninh Bình. Người cha mắc nợ Chánh tổng Kim Sơn, không trả nổi nên muốn gả con gái xinh đẹp cho quan lớn.
Cô Lan, năm ấy 17 tuổi, không cam tâm làm vợ của ông quan tuổi xấp xỉ tứ tuần, trốn ra thành Nam Định thoát ly. Rồi cha mẹ mất, em trai bị bắt làm đầy tớ trừ nợ.
Tại xứ Nam Định, cô gặp gỡ và nên duyên với người đàn ông bán bún xáo trâu. Cô vẫn đau đáu nỗi niềm cứu em, nhưng người chồng nghèo không thể dựa dẫm. Cô bỏ chồng, dứt áo ra đi.
Ra Hải Phòng, cô Lan xin vào làm việc cho bà chủ hiệu rượu Phát Lộc. Một nhà buôn thóc lúa tên Hồng, là Hoa kiều gặp mặt cô Lan, say như điếu đổ. Ông Hồng liền vung tiền chuộc em trai cô Lan, cưới cô làm vợ.
Cô Lan trở thành thím Hồng, chủ tiệm Bình An, bắt đầu sống đời phong lưu của một bà chủ. Cô học cách kinh doanh, những mưu chước và toan tính thương trường từ người chồng lái buôn.
Nhưng chỉ được 5 năm hương lửa mặn nồng, người chồng bỗng dưng sao nhãng, kinh doanh thua lỗ dẫn đến phá sản. Chồng bỏ trốn về nước, bỏ lại thím Hồng ở tuổi 28 với hai bàn tay trắng. Cô mở một tiệm tạp hóa nhỏ kiếm sống qua ngày.
Trải hai đời chồng mới thành me Tây
Một người bạn là “me Tây” ở Hà Nội đến thăm, rủ rê cô lên Hà Nội sống. Cô lên thật, học tiếng Pháp, mở quán bán gạo ngoài đê, đi buôn chuyến mạn ngược. Năm 1892, Trần Thị Lan gặp được quan tư Croibier Huhuet trong một buổi vũ hội. Với nhan sắc của mình, bà dễ dàng khiến ông xiêu lòng.
Cô bán gạo trở thành phu nhân của quan tư. Cái tên Tư Hồng gắn với bà mãi đến sau này cũng xuất phát từ chức vụ của chồng Tây.
Cuối năm 1892, bà Trần Thị Lan đến tòa đốc lý để nộp hồ sơ xin thành lập Công ty thầu An Nam. Bà thông thạo tiếng Pháp, nắm chắc các điều luật và quy định của chính phủ bảo hộ để trình bày với các quan đốc lý. Ai cũng bị ấn tượng với sự duyên dáng, mạnh mẽ, hiểu biết và rất độc lập của phu nhân quan tư, cấp phép cho bà mở công ty.
Nhờ tác động của chồng, công ty của bà Tư Hồng đã trúng thầu nhiều hợp đồng lớn. Dần dà, bà trở thành một nữ nhân có chân trong giới thượng lưu ở Hà Nội lúc bấy giờ.
Thương vụ để đời: Dỡ thành Hà Nội
Thương vụ nổi tiếng nhất của bà Tư Hồng là năm 1894: Trúng thầu hợp đồng phá dỡ thành Hà Nội. Khi ấy, tham gia đấu thầu có 2 công ty Pháp, 2 công ty Hoa kiều. Tư Hồng biết việc này, đã đề nghị thông báo công khai và công ty thầu An Nam tham gia đấu thầu. Không ai nghĩ một công ty non trẻ có thể trúng thầu, nhưng Tư Hồng bỏ thầu giá thấp nhất và thắng.
Không có nhiều vốn hay máy móc như các công ty kia, nhưng bà Tư Hồng có những chiến lược rất khôn khéo. Bà về Hà Nam thuê nông dân, thưởng tiền cho ai giới thiệu từ 10 phu trở lên. Bà vào làng rèn Hòe Thị ở Xuân Phương, Từ Liêm đặt làm búa chim và xà beng với giá rẻ…
Nhà tư sản Bạch Thái Bưởi, lúc này mới 20 tuổi và bắt đầu khởi nghiệp cũng nhận làm thuê cho bà việc dựng các lán trại cho phu ở để kiểm soát trật tự, vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh.
Bà Tư Hồng còn trực tiếp quản lý và điều hành nhân công hiệu quả. Cụ thể, chia phu ra thành nhóm 12 người do một người phụ trách, hợp 4 nhóm thành một đội, chọn người có uy tín làm đội trưởng. Công việc giao cho các đội trưởng và đội trưởng phân cho các nhóm.
Tất cả đã khiến công trường hoạt động nhịp nhàng. Họ bắt tay làm năm 1894, hơn 2 năm sau công việc phá thành đã xong, sớm hơn dự kiến 6 tháng.
Bà cũng tận dụng số gạch đá thu được từ thành Hà Nội mang đi xây biệt thự ở làng Hội Vũ, xây các dãy nhà ở khu vực Cửa Đông để cho thuê và xây trường Punigier. Còn thừa, bà cho chở về làng lát nền sân đình, chùa. Có những tấm đá xanh, bà thuê thợ làm thành ghế đá lớn đặt bên Hồ Hoàn Kiếm.
Hiện nay, những dấu vết này vẫn còn như ngôi nhà ở ngõ Hội Vũ, khu vực các phố Đường Thành, Cửa Đông, Hàng Da, trường Punigier nay là trường Việt Đức…
Lận đận gối chăn, cuối đời cô độc
Sau vụ thầu ấy, công ty của bà Tư Hồng còn làm thêm mảng xuất khẩu lúa gạo, kinh doanh vận tải sông, biển… Đặc biệt là, trên tàu chỉ có lái tàu và thợ xúc than là đàn ông, còn thủy thủ và phục vụ đều là đàn bà.
Vốn đã gây chú ý với việc kinh doanh và tích lũy tài sản, bất động sản, tiếng tăm của bà Tư Hồng còn lan khắp nước sau vụ phát chẩn cho người nghèo. Đó là năm 1902 – 1903, cả dải đất miền Trung bị cơn bão lớn bất ngờ ập đến. Trong lúc thóc gạo bị vùi lấp, tàn phá tan hoang, bà Tư Hồng đang sẵn có mấy tàu chở thóc thu mua trước đó ở miền Trung, liền đem phát hết.
Tư liệu xưa ghi lại, có đợt bà giết hàng chục con bò, chia mỗi suất một cân gạo cùng một lạng thịt bò, rồi mang phát cho các hộ dân. Bà cũng phát thuốc cho dân tình gặp phải dịch bệnh, can thiệp với nhà chức trách đòi giảm án hay tha bổng những người vì nghèo đói mà phạm tội…
Vua Thành Thái biết chuyện đã phong tặng hàm “Ngũ phẩm nghi dân” với tấm biển vàng “Lạc quyên nghĩa phụ” cho bà.
Đó là chuyện bên ngoài, còn bên trong, cuộc đời bà Tư Hồng quả là “lan huệ sầu ai lan huệ héo, lan huệ sầu đời trong héo ngoài tươi. Về nhà, bà Tư Hồng lại chịu cảnh phòng the hờ hững, gối chiếc lạnh lùng. Sau những say đắm ban đầu, chồng Pháp của bà cũng dần lạnh nhạt, trăng hoa.
Bà cũng không có con để thủ thỉ khi về già. Về cuối đời, bà chia tay chồng, sống cô độc ở trang trại tại Bạch Mai, Hà Nội. Theo một số nguồn tin, khối tài sản khổng lồ của bà đã được để lại cho em trai cùng con cháu. Khi ra đi, bà được an táng gần đền chùa Hai Bà Trưng, trên tấm bia chỉ đề mấy chữ: “Cô Tư Hồng”. Thông tin về hậu duệ của bà gần như không được tiết lộ trên truyền thông.
*****
Bà Tư Hồng là một phụ nữ độc đáo của thế kỷ 20, một nữ doanh nhân có tư duy khác lạ. Cuộc đời của bà để lại cho hậu thế nhiều tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận dấu ấn của “nữ đại gia” đầu tiên của Việt Nam.
Theo Pháp luật và Bạn đọc