Từ những tấm gương vươn lên như Einstein, Steve Jobs bí quyết dành cho người trẻ chốt lại ở 3 từ: Bền bỉ, Sống hết mình, Không sợ hãi.
“Không phải ai cũng sinh ra ở vạch đích mà không chắc gì sinh ra ở vạch đích đã sướng”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình mở đầu bài phát biểu của mình với tân sinh viên trường cao đẳng FPT Polytechnic cách đây không lâu.Vị chủ tịch FPT kể 3 câu chuyện về những người nổi tiếng không sinh ra ở vạch đích nhưng vẫn thành công làm ví dụ với giới trẻ.
Đầu tiên về Einstein. Ông Bình cho biết Einstein khi sinh ra không ở vạch đích. Ông sinh ra như một người khuyết tật với khi 7 năm không nói. Einstein cũng thi trượt vào các trường trung học, khi ra đời làm việc ở một phòng công chứng bình thường.
“Nhưng ông ta đã đeo đuổi cái vạch đích của mình suốt cuộc đời và đã trở thành một nhà khoa học vĩ đại nhất trong tất cả thời đại”, chủ tịch Trương Gia Bình cho biết. Điều gì tạo ra thành công của nhà khoa học này?
“Einstein đã một đời bền bỉ đi theo vạch đích của mình. Ông ta muốn giải thích cả thế giới này vận hành như thế nào. Và đến ngày hôm nay vạch đích ấy vẫn chưa có kết quả. Chúng ta đều biết có định luật Newton, vật lý tương đối, …tuy nhiên chưa ai có thể thống nhất được thế giới này vận hành như thế nào và vẫn cần những nhà nghiên cứu tiếp theo”, ông Bình nhận xét. Từ đây từ đầu tiên ông muốn gửi gắm với những người trẻ trong hoàn cảnh không sinh ra ở vạch đích là “bền bỉ”.
Khả năng bền bỉ, kiên trì của bạn trong việc đối mặt với những thất bại và thất vọng là mức độ niềm tin của bản thân bạn và khả năng thành công của chính mình. Sự kiên trì, bền bỉ là phẩm chất sắt đá của thành công. Tài sản quan trọng nhất mà bạn có thể có, một phẩm chất làm cho bạn khác với những người khác là khả năng kiên trì, bền bỉ chịu đựng lâu hơn những người khác.
Winston Churchill đã tổng kết bài học quan trọng nhất của cuộc đời ông: “Đừng bao giờ đầu hàng; đừng bao giờ chịu thua”. Churchill đã tin và đã chứng minh đi chứng minh lại trong suốt cuộc đời ông, rằng người kiên gan ngoan cường đối mặt với những gì dường như là sự thất bại thảm hại thường là phẩm chất quan trọng để chuyển thất bại đó thành thắng lợi. Churchill có lẽ được xem là lãnh tụ chính trị vĩ đại nhất của thế kỉ XX bởi vì sự sẵn sàng cam chịu không than phiền của ông và bám chặt một cách bền bỉ ở giữa những gì dường như là chiến bại hay thất bại chắc chắn.
Câu chuyện thứ 2 được người đứng đầu tập đoàn FPT kể là về Steve Jobs. Ông cũng sinh ra trong hoàn cảnh đầy kịch tính khi bị bố, mẹ lần lượt bỏ rơi. Khi lớn lên, Steve Jobs thậm chí còn mắc bệnh ung thư. Thế nhưng với Apple, iPhone, Next, Pixar, tất cả những gì Steve Jobs làm đều thành công và thay đổi cả thế giới.
“Steve Jobs mỗi ngày đứng trước gương nói với chính mình Hôm nay tôi sẽ sống như ngày cuối cùng của đời mình. Vạch đích ngày hôm nay của tôi là gì? Để tổng kết câu chuyện này là một cụm từ: Sống hết mình”, chủ tịch Trương Gia Bình chia sẻ.
Sống hết mình nghĩa là bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi điều bạn làm, mọi thứ bạn trở thành và đạt được. Khi bạn nhận hoàn toàn trách nhiệm cuộc đời mình, bạn sẽ có được sự tự do, hạnh phúc và sáng tạo. Không ai khác có thể và sẽ làm điều đó cho bạn.
Những con người đỉnh cao của mọi ngành nghề thường hành động như thể họ làm chủ nơi đó. Họ xem mình như tự làm chủ, và không hề quan tâm đến việc có ai việc họ có được trả công hay không. Và họ luôn là những người được kính trọng và đánh giá cao nhất trong công ty.
Câu chuyện thứ 3 được ông Bình chia sẻ về doanh nhân Trần Quý Thanh hay còn gọi là Dr Thanh. Vị doanh nhân này là trẻ mồ côi. Ông được người bà con nhận nuôi tuy nhiên không được đối xử tử tế. Họ thường cho ông ngủ ở trong chuồng lợn. Điều ông rèn luyện được từ hoàn cảnh éo le này đó là không sợ hãi.
“Thực ra nhiều người không dám có vạch đích bởi sợ hãi. Một trong những chân lý thành công là không sợ hãi”, chủ tịch FPT đánh giá.
Winston Churchill có lần nói: “Can đảm được xem là đức hạnh cao nhất trong các đức hạnh mà tất cả các đức hạnh khác phải phụ thuộc vào nó.” Hai chướng ngại vật lớn nhất chắn ngang trên con đường thành công và năng lực cá nhân đó là sợ thất bại và sợ phê bình. Nhưng mọi thành công vĩ đại đều đến sau rất nhiều thất bại và vô số những phê bình. Đó là những bài học bạn học từ những thất bại này và khả năng của bạn vượt lên trên những phê bình này sẽ giúp bạn đạt được thành công về lâu về dài.
Hãy tạo ra thói quen đối mặt với những sợ hãi của bạn. Nếu có bất cứ vấn đề thì trong cuộc sống của bạn gây cho bạn lo lắng, hãy xem nó như một thách thức cá nhân và quyết tâm xử lý nó.
Cuối cùng, lời khuyên dành cho những sinh viên trường FPT của ông Trương Gia Bình là “chúng ta không sinh ra ở vạch đích như nhiều bạn trẻ khác, chúng ta đừng ghen tỵ với họ”. Thay vào đó từ những tấm gương vươn lên như Einstein, Steve Jobs bí quyết dành cho người trẻ chốt lại ở 3 từ: Bền bỉ, Sống hết mình, Không sợ hãi.
Thảo Nguyên-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị