Con người thất bại càng nhiều thì càng biết bản thân mình thiếu sót và sai lầm ở đâu để có thể khắc phục.
Con người chúng ta ai cũng phải trải qua quá trình trưởng thành trong đời. Có người thành công, cũng có người thất bại và đương nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào sự nhìn nhận của mỗi người.
Vậy thì bạn nhận ra bản thân đã trưởng thành trong hoàn cảnh như thế nào?
Những lúc bản thân bị cuộc đời vùi dập và đối mặt với sự cô đơn
Làm việc phạm lỗi bị sếp mắng, người yêu đề nghị chia tay không lý do, ra ngoài còn bị tạt một xô nước bẩn… muôn vàn sự thiệt thòi quấn lấy tấm thân nhỏ bé. Đến lúc này, bạn chợt nhận ra xung quanh chẳng có ai để bạn kể khổ và chia sẻ cả.
Bạn bè đều có cuộc sống riêng, gia đình lại ở quê nhà xa xôi, một mình bạn loay hoay ở chốn thành thị rộng lớn. Đó là những khoảnh khắc khiến bạn cảm thấy cô đơn đến cùng cực.
Bạn dần dần ý thức được những cảm giác mất mát thiệt thòi kia lại xuất phát từ sự vô năng của bản thân. Tiếp theo đó, đứng dậy hay nằm luôn ở vũng bùn thất bại là sự lựa chọn của riêng bạn.
Trưởng thành là khi bạn nhận ra con người chỉ có thể dựa vào bản thân mà sống. Mỗi người đều có mỗi con đường cho riêng mình. Cô độc chính là bạn đồng hành và chất xúc tác để con người lớn khôn.
Không còn được hỗ trợ kinh tế từ cha mẹ
Thời còn đi học, những lúc hết tiền, bạn chỉ cần gọi điện về cho bố mẹ cuộc điện thoại là có ngay khoản tiền tiêu xài mỗi tháng. Nhưng đến khi tốt nghiệp, bạn bắt buộc phải tự lo toan cho chính mình.
Bạn phải vạch ra kế hoạch của bản thân trong tương lai. Tìm người mình yêu, tìm được sở thích, mua nhà cửa, phương tiện đi lại, thậm chí là chuyện kết hôn sinh con, đều phải cần dựa vào chính bạn.
Bạn phải ép bản thân liên tục trưởng thành, nếu không thì chính bạn sẽ bị thế giới đang không ngừng phát triển và vật giá tăng cao này đào thải. Cũng có thể khi không còn bám víu vào sự hỗ trợ kinh tế của gia đình, tư tưởng của bạn cuối cùng cũng hướng đến sự độc lập và tự mình quyết định lấy tương lai.
Rời xa sự che chở của bố mẹ mới tạo nên cơ hội trưởng thành nhanh nhất của một con người.
Đang loay hoay tìm kiếm và tạo dựng giá trị của bản thân
Một người cứ mãi giậm chân tại chỗ là bởi vì họ còn đang trầm mê và lạc lối bởi những cám dỗ xung quanh. Đương nhiên, lại càng nhiều người vẫn phải đang tìm kiếm cái tôi của chính mình và chưa biết làm sao để tạo nên giá trị bản thân.
Thật ra, giá trị của một người tồn tại trong những điều bình thường nhất mà họ đạt được. Sự đột phá trong năng lực, thành công trong sự nghiệp, gia đình viên mãn, tình yêu hạnh phúc… cũng là những thứ góp phần tạo nên giá trị cá nhân.
Chính vì vậy, hãy tự tạo động lực cho bản thân để đi tìm kiếm giá trị. Hành trình hướng đến giá trị sẽ góp phần giúp cho con người trưởng thành một cách nhanh nhất.
Dằn vặt giữa việc buông bỏ và níu kéo quá khứ
Đa số những tiếc nuối của con người đều xuất phát từ hoàn cảnh gia đình từ nhỏ. Nhiều người bị bố mẹ dạy dỗ nghiêm khắc nên thiếu thốn cảm giác thương yêu, nhiều người vì gia cảnh khó khăn nên quen dần với tính cách tự ti, nhiều người lại trở nên yếu ớt trước sự mạnh mẽ đến áp bức của những người xung quanh…
Những điều tiếc nuối này sẽ đồng hành cùng chúng ta lớn lên và đôi khi trở thành những ám ảnh tâm lý hoặc khúc mắc cản trở chúng ta trưởng thành một cách đúng nghĩa.
Con người dễ bị lạc lối và nảy sinh cảm giác tiêu cực với những điều không hay trong quá khứ. Thay vì cứ mê muội ngu ngốc thì hãy tập đối mặt với nó một cách bình tĩnh nhất, học cách chấp nhận hoặc dứt khoát buông bỏ để tìm đến cuộc đời mới rộng lớn hơn.
Hoài niệm quá khứ không hề sai trái một chút nào, nhưng biết buông bỏ quá khứ mới chính là một trong những biểu hiện của người trưởng thành.
Nhận ra sự chênh lệch của bản thân và người khác không thể nào cân bằng được
Mái trường được ví như vạch xuất phát của mỗi người. Ở đây, hầu như chúng ta đều cảm thấy ai ai cũng như nhau vì cùng học chung thầy cô, cùng tiếp thu một loại kiến thức. Đến khi chính thức bước ra ngoài xã hội, có người có thể gây dựng được sự nghiệp rực rỡ chỉ trong vài năm ngắn ngủi, cũng có người lại hầu như chẳng có sự thăng tiến nào.
Trên thực tế, mỗi người đều không giống nhau và đều có một mức chênh lệch nhất định từ lúc mới sinh ra. Những yếu tố như địa vị xã hội, điều kiện kinh tế, khả năng bẩm sinh, môi trường xung quanh… đều vô hình trung tạo nên khoảng cách giữa người với người.
Chỉ là khi càng lớn lên, bạn sẽ càng nhận thức rõ ràng hơn phạm vi chênh lệch giữa mình với người khác mà thôi. Cảm giác tự ti khi chứng kiến bản thân thua kém người khác quả thực rất đáng sợ.
Thật ra, một khi bạn còn quá để ý đến vấn đề hơn thua giữa người với người thì bạn vẫn chưa thể trưởng thành được.
Trưởng thành là khi bạn xác định được mục tiêu sống, biết thỏa mãn với những gì mình đang có, là khi bạn nhận ra mỗi con người đều có mỗi cuộc sống riêng và không thể mang ra để so sánh. Cuối cùng, trưởng thành là lúc bạn ngó lơ đi những sự chênh lệch vô hình đó để sống và tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình.
Cảm nhận sự mất mát và nghèo túng thực thụ
Sự sống và cái chết chỉ ngăn cách với nhau bằng một ranh giới mỏng manh. Chỉ những người trải qua mất mát, chia lìa với những người mình yêu quý mới có thể dễ dàng giác ngộ được bản chất thật sự của cuộc đời.
Tương tự như vậy, con người khi bị dồn vào nghịch cảnh thiếu thốn, đối mặt với sự nghèo hèn mới bộc lộ tiềm lực mạnh mẽ nhất để đương đầu với thử thách.
Mất mát và thiếu thốn khiến con người dễ tìm đến trạng thái giác ngộ. Tư tưởng và cách suy nghĩ cũng theo đó chín chắn và chững chạc dần.
Vì con người trên thế giới này không ai giống ai nên mỗi người sẽ có mỗi hành trình trưởng thành khác nhau. Chung quy của sự trưởng thành chính là đối mặt và khắc phục khuyết điểm, có cái nhìn thực tế hơn về cuộc đời. Theo đó, mỗi người cần phải học được 3 điều sau đây để tiến đến sự trưởng thành nhanh nhất:
- Dám thừa nhận khuyết điểm của bản thân và nỗ lực sửa chữa
Con người sống trên đời không ai không phạm sai lầm. Chỉ những người đã biết bản thân thiếu sót mà vẫn cố chấp không chịu sửa chữa mới đáng trách.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Người trưởng thành sẽ không bao giờ cố gắng đổ lỗi cho người khác để trốn tránh trách nhiệm. Họ sẽ ngẫm nghĩ lại những gì mình làm và tìm kiếm phương pháp cụ thể để phòng tránh sau này.
Nhận thức rõ năng lực và có ý thức sửa đổi mới có thể hoàn thiện được bản thân.
- Học cách chịu khổ
Con người ta không thể trưởng thành nếu không chịu khổ hoặc cố gắng tránh né khổ cực để bản thân luôn được an toàn và thoải mái.
Chịu được cực khổ và thiệt thòi không phải là chuyện xấu mà nó còn là điểm khởi đầu cho sự trưởng thành.
- Thất bại càng nhiều thì trưởng thành càng nhanh
Thành công có thể mang lại kinh nghiệm, mà thất bại lại có thể mang đến trí tuệ.
Con người thất bại càng nhiều thì càng biết bản thân mình thiếu sót và sai lầm ở đâu để có thể khắc phục. Hãy nhìn nhận thất bại ở phương diện chúng có thể mang đến cho chúng ta những điều tốt đẹp và không nên chỉ biết chăm chú vào những thiệt hại mà nó gây ra.
Đôi khi, bạn sẽ không hề nhận thấy thất bại đã dạy cho bạn thứ gì. Nhưng vào một thời điểm nào đó trong tương lai, bạn sẽ thấy nó trở thành công cụ giúp bạn tìm đến thành công.
(Nguồn: Zhihu)-Theo Phan–Pháp luật và bạn đọc