Khởi nghiệp thành công đến từ sự kiên định và các chi tiết nhỏ – chính là yếu tố giúp ông chủ người Việt bán mì tôm đắt hàng trên đất Ba Lan.
Nguyễn Trung Dũng (ông chủ thương hiệu DH Foods, nổi tiếng với nhiều dòng sản phẩm làm mưa làm gió thị trường như muối tôm Tây Ninh) từng là du học sinh ngành IT tại Ba Lan. Trước khi thành công với gia vị tại Việt Nam, với hàng trăm gia vị vùng miền đặc trưng, xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, vào những năm 1989 – 1990, khi thời thế khó khăn, ông từng mở 1 quán ăn Việt Nam quy mô nhỏ, sau đó nhập khẩu mì ăn liền từ Việt Nam sang bán. Thời kỳ phát triển, ông Dũng từng thu về doanh số gần 10 triệu USD/năm nhờ việc bán mì.
Ngày đầu có rất nhiều khó khăn mà sau này khi ông Dũng nhắc lại, đều là 1 bài học đáng nhớ cho người khởi nghiệp.
Bài viết mới đây của ông Dũng trên trang cá nhân có tựa đề “Khởi nghiệp thành công đến từ sự kiên định và các chi tiết nhỏ” là một ví dụ.
Ông Dũng khởi nghiệp lần dầu cùng 4 người bạn cùng khóa sang Ba Lan du học. Nhóm 5 người làm đủ ngành nghề khác nhau từ mở quán ăn, mở quầy trong trung tâm thương mại bán “tả pí lù”, rồi nhập hàng từ Việt Nam qua bán, ban đầu là hàng thủ công mỹ nghệ sau chuyển qua thực phẩm.
Theo lời kể của vị doanh nhân, lô hàng thực phẩm đầu tiên là 1/2 công 20 feet mì ăn liền (phần còn lại là đồ thủ công mỹ nghệ) nhưng bán lay lắt mấy tháng trời. Đích thân ông Dũng phải đi chào từng cửa hàng, nấu thử cho cửa hàng trưởng ăn sau đó mới ký gửi. Số lượng các cửa hàng lấy cũng chưa nhiều.
“Cuối cùng sau 6 tháng cũng đẩy hết gần 1/2 công (một phần chuột trong kho tiêu thụ). Đa số Khách Hàng phản hồi tốt nhưng hầu như tất cả đều nói mì cay, nếu bỏ cay được thì tốt.
Mình bay về Việt Nam để đặt lô hàng mới (lần này nguyên công), trong buổi nói chuyện với Giám Đốc Phòng xuất khẩu, họ rất nhiệt tình hỗ trợ mình và sẵn sàng sản xuất theo yêu cầu của bọn mình (khi đó họ là công ty số 1 ở Việt Nam về mì ăn liền, còn bọn mình là startup bé xíu ở phương trời xa).
Sau khi cùng thử mẫu, đối tác khẳng định họ không hề cho ớt và mì không cay, còn mình khẳng định rõ ràng có vị cay…Sau một lúc suy nghĩ họ nói “À…vị cay chắc do hồ tiêu trong gói gia vị”. Mình hỏi vậy có bỏ hồ tiêu ra khỏi thành phần được không? Họ đã trả lời ” được”.
Sau khi tìm ra được nguyên nhân, ông Dũng tiết lộ, lô hàng mì ăn liền không có hồ tiêu đầu tiên được xuất khẩu qua Ba Lan mở ra thời kỳ mới cho mì ăn liền Việt Nam, chiếm lĩnh các kệ siêu thị tại Đông Âu và thắng tuyệt đối mì Thái Lan.
“Chỉ vì 1 điều rất nhỏ là lắng nghe Khách Hàng – điều chỉnh sản phẩm ta có thể tạo ra điều kỳ diệu thắng được mì Thái Lan tại Đông Âu”, vị doanh nhân viết.
Ông Dũng nói, ngay cả bây giờ, khi lãnh đạo DH Foods thì thương hiệu này vẫn đang đi theo con đường lắng nghe mọi ý kiến của khách hàng và dần dần có được chỗ đứng trong siêu thị tại Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Anh, Hàn Quốc…
“So với gia vị Thái Lan còn cách một khoảng xa nhưng từng bước, từng bước sẽ thu hẹp khoảng cách bởi Việt Nam ta rất phong phú về gia vị từ Hà Giang tới Phú Quốc. Với các sản phẩm khác, mình nghĩ cũng vậy, chỉ cần các bạn lắng nghe thật kỹ khách hàng và làm sản phẩm với tất cả niềm đam mê, sẽ có ngày thực phẩm Việt Nam sẽ xuất hiện trong mọi căn bếp trên thế giới”, ông Dũng đúc kết.
Hoàng Linh-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị