Dù đã sang đến thế hệ thứ tư, gia tộc Gucci vẫn không thể yên ả: ‘Đó là một gia tộc bị nguyền rủa. Ai chết rồi đã đành, họ còn không để người còn sống được yên thân’
Sau bao ngày ngóng trông như nắng hạn mong mưa, bộ phim điện ảnh House of Gucci dự kiến sẽ phá tan bầu không khí ảm đạm của phòng rạp vào ngày 15 tháng 11 tới đây. Giới mộ điệu kỳ vọng được thưởng ngoạn một bữa tiệc thời trang và diễn xuất, đồng thời có cái nhìn sâu hơn về sóng gió gia tộc của nhà mốt hàng đầu thế giới. Chưa kể tác phẩm còn có sự góp mặt của những cái tên uy tín như Lady Gaga, Adam Drive, Jared Leto… và đạo diễn Ridley Scott.
Và như bao tác phẩm được chuyển thể từ câu chuyện có thật, “House of Gucci” có tiềm năng trở thành cái tát chí mạng với gia tộc trịch thượng. Động thái ban đầu, các thành viên nhà Gucci chỉ chê bai dàn diễn viên nam vì… xấu. Họ tự mô tả phả hệ Gucci toàn người cao ráo đẹp trai, thanh tao thoát tục!
Bom tấn “House of Gucci” sắp ra mắt là nguyên cớ chính đáng để toàn thế giới còn chú tâm vào những mưu ma chước quỷ trong gia tộc hùng mạnh.
Dù sao đi nữa, để có thể thẩm thấu bom tấn một cách trọn vẹn nhất, hãy cùng điểm lại những bi kịch và mưu mô của gia tộc bị nguyền rủa này:
Quý ông Gucci nuôi con như nuôi trùng độc
Người đặt nền móng cho đế chế Gucci là Guccio Gucci, sinh năm 1881 tại Florence (Ý). Quý ông này xuất thân từ một gia đình thương nhân làng nhàng, chẳng mấy của nả, lại còn bị tống ra đường để tự lực cánh sinh từ năm 17 tuổi. Với chí lớn đổi đời, Guccio đã chu du đến London và xin được chân lăng xăng tại khách sạn Savoy: Từ gác cổng, bồi bàn, rửa bát cho tới bấm thang máy cho khách.
Nhưng cũng chính từ chốn phồn hoa đó mà ông được gặp các nhân vật lịch sử như Frank Sinatra, Winston Churchill, Claude Monet… đồng thời học lỏm từ họ cung cách ứng xử cũng như thẩm mỹ cao sang. Sau một thời gian dài lang bạt thì đến năm 1901, Guccio quay về nơi chốn rau cắt rốn và cưới một cô thợ may 24 tuổi – Aida Calvelli, chủ động xin việc tại công ty chuyên sản xuất đồ da cao cấp mang tên Franzi. 20 năm tiếp theo là sự ra đời cửa hàng đầu tiên của Gucci trên phố Via della Vigna Nuova trứ danh. Đây cũng là nơi mà quý ông Gucci giới thiệu những mẫu mã túi xách, vali thượng hảo hạng từ Anh và Đức; đồng thời ra mắt các sản phẩm do chính tay mình thiết kế.
Cửa hàng đầu tiên của Gucci tại Florence. Cho tới nay, nhà mốt Ý có tổng cộng 483 cửa hàng trên toàn cầu.
Bước đi này thành công tới mức ông không chỉ mở thêm xưởng, mà còn lôi kéo những nghệ nhân xuất sắc nhất vùng quy tụ dưới trướng mình. Một phần bởi Guccio có tư duy nhạy bén, hiểu rõ sở thích của giới thượng lưu và tập trung phát triển các sản phẩm vốn thiếu hụt trên thị trường phụ kiện (túi yên ngựa hay dây cương). Phần còn lại nằm ở sự linh động trong phát triển thương hiệu. Chính yếu tố này giúp Gucci sống sót qua thế chiến thứ hai và vượt mặt tên tuổi tiền bối như Franzi.
Song song với nghiệp kinh doanh ngày càng phất, gia đình Gucci còn mở rộng với năm người con trai (Aldo, Rodolfo, Ugo, Vasco, Enzo) và một người con gái (Grimalda). Thuận đường con cái là vậy, nhưng quý ông Guccio mắc hai sai lầm chí mạng trong cách giáo dục, tạo tiền đề cho vô số mâu thuẫn dai dẳng nhiều đời sau.
Những đứa trẻ nhà Gucci không có tuổi thơ bình thường. Hầu hết đều được “huấn luyện” từ sớm và luôn tìm cách để vùi dập, hãm hại nhau.
Trước nhất, Guccio Gucci có quan điểm nuôi con như nuôi trùng độc: nhốt lại để chúng cắn xé nhau; trải qua nhiều trận chiến, con trùng độc trụ lại cuối cùng là con hung hãn nhất, độc địa nhất. Ông chỉ chăm chăm làm ăn kinh doanh, hờ hững trong việc chăm sóc con cái, nhưng lại khuyến khích chúng giám sát và vạch tội nhau để bản thân được đóng vai người phán xử. Dần dà, những đứa trẻ nhà Gucci ngày càng hằn học đố kỵ, luôn tìm cách soi mói bóc phốt nhau với bố, thích thú mỗi khi thấy anh chị em mình bị trừng phạt. Trong tâm tư chúng chỉ hiện hữu duy nhất một khẩu quyết: “Kẻ sống sót mới là người chiến thắng.“
Thứ hai, nhà Gucci có truyền thống trọng nam khinh nữ. Tuy hết lòng vì bố và sự nghiệp gia đình, thế nhưng Grimalda lại không được trọng dụng. Đến tận cuối đời, nhà sáng lập cũng chỉ để lại gia sản cho ba người con trai là Vasco, Rodolfo và Aldo. Điều này dẫn đến mâu thuẫn bùng nổ: Grimalda đã đâm đơn kiện để đòi những gì thành viên này cho rằng bản thân đáng được hưởng. Có điều so với thế hệ nối tiếp thì động thái này của Grimalda còn… hiền chán.
Trộm long tráo phụng để xóa mác giàu xổi
Nối tiếp di sản từ Guccio, những đứa con nhà Gucci đã khuếch trương thương hiệu vô cùng hiệu quả. Phải kể đến công đầu từ Aldo, nhân vật được tán tụng là Michael Angelo của Nghệ thuật bán hàng. Ông giữ chức chủ tịch từ 1953 tới 1986 với nhiều thành tựu như mang thương hiệu vươn xa tới Mỹ, Nhật Bản, Hong Kong…
Trong khi đó, Rodolfo lại đi theo con đường diễn xuất. Ông cũng cống hiến cho nhà mốt mẫu khăn Flora yêu kiều, từng được Công nương Grace Kelly ưa thích. Riêng Vasco khá an phận thủ thường với công việc điều hành xưởng sản xuất. Tuy được chia chác bằng hai thành viên còn lại nhưng Vasco không cống hiến bất kỳ sáng tạo nào cho nhà mốt.
Với những siêu phẩm thời trang như giày lười, túi quai tre, khăn hoa… Gucci trở thành nhà mốt yêu thích của những nữ nhân đình đám nhất thế hệ đó như Jackie Kennedy và Grace Kelly.
Mỗi người một ý, nhưng khoản toan tính trộm long tráo phụng để nâng tầm thương hiệu là cả ba anh em cùng đồng lòng. Họ đều muốn tô vẽ cho cái tên Gucci một gốc rễ quý tộc hoành tráng thay vì xuất thân bần hàn của ông bố. Thủ đoạn được thực hiện là nhận vơ chiếc phù hiệu quý tộc (coat-of-arms) của Giacinto Gucci – một gia đình đã được công nhận danh giá từ năm 1763. Ngoài điểm chung là cái họ Gucci thì nhà mốt Florence chẳng liên đới mấy đến lá ngọc cành vàng xứ San Miniato.
Chiêu trò “phông bạt” này bị Grimalda phản đối và lật tẩy. Cũng chính bà chỉ điểm thói nhận vơ của Aldo khi ông rêu rao nhà Gucci vốn phục vụ Hoàng gia từ lâu đời. Cao trào của trò hề là một cái tát mà Grimalda dành cho Aldo giữa bàn dân thiên hạ, khi bà không thể chịu nổi những lời nói dối trắng trợn từ anh em ruột thịt
Thảm kịch vợ thuê sát thủ bắn chết chồng vì ngoại tình
Thế hệ thứ ba nhà Gucci lại đẩy những ân oán tình thù lên một tầm cao mới. Ở đây, mấu chốt câu chuyện xoay quanh hai nhân vật: Maurizio, con trai độc nhất của Rodolfo và người vợ là Patrizia Reggiani.
Ngay từ bé, Maurizio đã được bố cho ngậm thìa vàng. Ông cũng được dự tính sẽ cưới Marina Palma, con gái một gia tộc quyền quý. Thực chất cuộc hôn phối này là một phần của kế hoạch “phông bạt” nhà Gucci. Có điều người tính chẳng bằng trời tính, Maurizio nằng nặc đòi kết hôn với Patrizia bất chấp sự cấm cản từ bố. Âu cũng bởi ngài Rodolfo lo xa Patrizia là tay đào mỏ, bất chấp thực tế rằng nữ nhân này cũng là một người thừa kế sáng giá của gia đình Reggiani vốn có truyền thống kinh doanh lâu đời.
Ngăn sông cấm chợ không được, Rodolfo từng điện thẳng đến nhà cô con dâu bất đắc dĩ để dằn mặt. Nào ngờ ông thông gia cũng không vừa: Ferdinando Reggiani không những không nhượng bộ mà còn chửi bới thay cho con gái, rước luôn Maurizio về ở rể sau khi vị này bị bố dọa cắt tài chính. Cực chẳng đã, ông bố nhà Gucci phải mò tới Hồng y giáo chủ của Milan để xin ngăn cấm cuộc hôn phối. Kết cục chẳng hề suy suyển. Cuối cùng, lễ thành thân của Maurizio và Patrizia đã được diễn ra vào tháng 10 năm 1972 với sự góp mặt đông đủ của gia đình hai bên.
Cố sống cố chết để lấy nhau, thế nhưng Maurizio và Patrizia chỉ vui vẻ được hơn một thập kỷ trước khi lôi nhau ra tòa vào năm 1985. Thậm chí rạn nứt từ đôi bên còn kéo theo cuộc chiến pháp lý dài gần bằng thời gian ăn nằm với nhau. Mãi về sau, Patrizia mới hé lộ với chương trình Storie Maledette rằng bà bị chồng ruồng bỏ một cách đột ngột, chỉ được thông báo đi công tác tại Florence và sau đó không bao giờ trở về. Bà cũng không được nghe lời chia tay từ chính chồng mình, thay vào đó, nắm bắt thông tin qua gia đình bác sĩ người quen.
Khi không còn xuân sắc, Patrizia đã bị chồng ruồng bỏ.Thậm chí ngay cả lúc bà mổ u não cũng không được Maurizio Gucci đoái hoài.
Thờ ơ với vợ và thậm chí đẩy bác ruột mình – Aldo – vào tù để độc chiếm đế chế Gucci, thế nhưng Maurizio lại không lèo lái được nhà mốt như kỳ vọng. Từ 1989 trở đi, Gucci có giá trị ròng âm 17.3 triệu USD và lỗ 30 triệu USD mỗi năm. Nhà mốt lụn bại tới mức Maurizio phải bán lại cho Investcorp vào năm 1993 với giá 135 triệu USD, chấm dứt lịch sử cha truyền con nối. Đây cũng chính là bàn đạp cho sự kiện chấn động lịch sử thời trang thế giới.
Giàu sụ nhờ bán đứt sản nghiệp dòng họ, thế nhưng Maurizio chỉ chia cho vợ 1 triệu USD mỗi năm kể từ phán quyết ly hôn có hiệu lực. Chưa kể cách điều hành của ông khiến Patrizia chán ngán. Mỗi khi góp ý với chồng, bà đều nhận được đáp trả chua chát: “Cô biết vì sao cuộc hôn nhân của chúng ta lụn bại không? Vì cô luôn ngỡ mình là chủ tịch cơ đấy. Ở đây chỉ có MỘT chủ tịch thôi!“
Giọt nước cuối cùng làm tràn ly là sự hiện diện của cô bồ tên Paola Franchi. Maurizio cũng đã tính đến chuyện đi bước nữa với cô bồ này, trong khi Patrizia lại ấp ủ một âm mưu động trời khác: LOẠI BỎ HOÀN TOÀN ông chồng cũ ra khỏi cuộc đời.
Vì yêu hóa hận, một người phụ nữ có thể làm tất cả và Patrizia chính là minh chứng. Bà nhờ thân tín tìm một tay sát thủ được việc, đồng thời tham khảo luật sư về những trường hợp xấu nhất. Chịu chi đến 350.000 USD và đổi lại, Patrizia đã hoàn thành tâm nguyện khi nghe tin ông chồng bị bắn chết ngay tại chỗ vào sáng ngày 27 tháng 3 năm 1995.
Không một ai ngờ rằng người phụ nữ xinh đẹp đã thuê người giết chồng. Mãi đến 2 năm sau, khi một tay dính líu đến án mạng lỡ bô bô về sự tình khiến cuộc điều tra được lật lại và vỡ lở. Chân tướng được phanh phui hoàn toàn vào năm 1998, kéo theo bản án 26 năm bóc lịch cho Quý bà Gucci hay Góa phụ đen – những biệt danh giới truyền thông Ý dành riêng cho Patrizia.
Kết cục của Patrizia là hệ quả của thói trăng hoa cũng như những ngày tháng ăn tàn phá hại của chồng. Kể cả khi bị bắt, bà vẫn cao ngạo: “Tôi vẫn cảm thấy mình là một phần của Gucci – trên thực tế, là người Gucci nhất trong số họ”
Sau bao năm, tưởng đã yên ả nào ngờ còn lòi ra vụ lạm dụng tình dục…
Chuyên trang Irishtimes từng viết: “Gucci là một gia tộc bị nguyền rủa. Ai chết rồi đã đành, họ còn không để người còn sống được yên thân“. Những tưởng sự vụ kinh hoàng do Patrizia gây ra sẽ khiến gia tộc này thay đổi, nào ngờ mới năm ngoái, Alexandra Zarini – con gái của Patricia và là cháu của Aldo Gucci – lên tiếng hé lộ tuổi thơ bị lạm dụng tình dục.
Ẩn tình rúng động này lại liên đới đến tận 3 người, bao gồm: Joseph Ruffalo, cha dượng và cũng là người trực tiếp xâm hại Alexandra, trong khi Patricia Gucci (mẹ) Bruna Palombo (bà nội) lại đóng vai trò bao che. Khi cả khi tâm thần lẫn thể xác của Alexandra kiệt quệ, mẹ và bà vẫn nhất mực bắt cô phải im lặng và che giấu. Cả hai còn dọa truất quyền thừa kế của cô.
Sinh ra trong một gia tộc trọng nam khinh nữ, tuổi thơ của Alexandra Zarini ngập tràn cay đắng với những chuỗi ngày bị lạm dụng, bạo hành, quay phim lại từ khi 6 tuổi. Ngay cả những người phụ nữ gần kề nhất là mẹ và bà cũng chỉ muốn cô im lặng để giữ thể diện gia tộc.
Tuổi thơ éo le của cháu gái ngài Aldo Gucci cho thấy dù đã sang thế hệ thứ tư mà gia tộc này vẫn không thể êm ả hạnh phúc nổi. Âu cũng bởi từ nền móng ban đầu ngài Guccio tạo dựng, Gucci đã trở thành cái nôi của những toan tính sân hận và dục vọng đáng ghê sợ. Kể cả khi đã trở thành nhà mốt hàng đầu thế giới, là khát khao của giới mộ điệu toàn cầu thì Gucci cũng không thể thay đổi lịch sử nhơ nhuốc của mình.
Còn để xem nhơ nhuốc tới mức nào, chúng ta hãy cùng chờ đến ngày 15 tháng 11 sắp tới vậy!
Nguồn: The Sun, Forbes, Historydaily