Trước khi Trung Quốc sắp tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 3 – 11 tuổi, một số nước đã dùng vắc xin Sinopharm và Sinovac để tiêm cho trẻ nhỏ.
Trẻ em từ 3 tuổi tại Trung Quốc sắp được tiêm vắc xin Covid-19, trong bối cảnh 76% dân số nước này đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng virus corona.
Theo AP, chính quyền cấp tỉnh và thành phố tại ít nhất 5 tỉnh của Trung Quốc đã đưa ra thông báo trong những ngày gần đây việc trẻ em từ 3 – 11 tuổi sẽ được yêu cầu tiêm phòng vắc xin Covid-19.
Cụ thể, các tỉnh Hồ Bắc, Phúc Kiến và Hải Nam đã đưa ra thông báo về quy định tiêm phòng cho trẻ nhỏ từ 3 tuổi. Một số thành phố tại tỉnh Chiết Giang và Hồ Nam cũng đã ban hành thông báo tương tự.
Hai loại vắc xin Covid-19 được sử dụng nhiều nhất của Trung Quốc là Sinopharm và Sinovac. Theo những số liệu được Trung Quốc công khai, 2 loại vắc xin này đạt hiệu quả trong phòng bệnh chuyển biến nặng và ngăn lây lan virus corona. Các quan chức Trung Quốc cũng nhấn mạnh thêm, Sinopharm và Sinovac có khả năng chống lại biến chủng Delta.
Hồi tháng Sáu, Trung Quốc đã cấp phép sử dụng đối với 2 loại vắc xin Covid-19 Sinopharm của Viện Sản phẩm Sinh học Bắc Kinh và Sinovac cho trẻ em từ 3 – 17 tuổi. Tuy nhiên, hiện tại, Trung Quốc mới chỉ áp dụng tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12 tuổi. Hồi tháng Tám, cơ quan chức năng Trung Quốc đã cấp phép đối với phiên bản khác của vắc xin Covid-19 Sinopharm do Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán phát triển.
Liên quan tới chiến dịch tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho trẻ nhỏ từ 3 tuổi, nhiều phụ huynh ở Trung Quốc có suy nghĩ trái ngược nhau.
Cô Wang Lu sinh sống ở thành phố Phúc Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến cho hay, cô không vội đưa cho con trai 3 tuổi đi tiêm vắc xin Covid-19. Nguyên nhân là do cô chưa nắm rõ thông tin liên quan tới mức độ an toàn của vắc xin đối với đối tượng tiêm là trẻ nhỏ.
“Tôi chưa muốn con tiêm phòng. Ít nhất hiện tại, tôi chưa muốn con mình là người tiêm đầu tiên”, cô Wang nói.
Trái lại, nhiều phụ huynh khác rất mong chờ chương trình tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ nhỏ sớm được triển khai.
Cô Wu Cong, phụ huynh của nữ sinh 7 tuổi, cho biết thành phố Thượng Hải chưa đưa ra bất cứ thông báo nào về chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ nhỏ.
“Tôi nghĩ vắc xin Covid-19 cũng không khác gì vắc xin cúm. Nhiều người đã tiêm phòng, do đó tôi không cần phải lo lắng”, cô Wu nhấn mạnh.
Vào tháng Chín, Sinovac đã cho triển khai tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên 14.000 trẻ sinh sống ở nhiều quốc gia khác nhau. Việc Sinovac được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp phép sử dụng cho trẻ nhỏ dựa trên kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 ở mức quy mô nhỏ hơn. Điều này tương tự với vắc xin Covid-19 Sinopharm.
Các nước tiêm vắc xin của Trung Quốc cho trẻ nhỏ
Sau khi Trung Quốc cấp phép dùng vắc xin Covid-19 Sinopharm và Sinovac cho trẻ em, chính phủ nhiều nước cũng đã bắt đầu dùng 2 loại vắc xin này cho trẻ nhỏ.
Trong đó, Campuchia sử dụng vắc xin Covid-19 Sinovac và Sinopharm để tiêm cho trẻ từ 6 – 12 tuổi. Theo Khmer Times, tính tới ngày 21/10, sau 35 ngày triển khai, Campuchia đã tiêm được ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19 cho gần như toàn bộ 1.897.382 trẻ trong độ tuổi từ 6 – 12 tuổi. Chỉ còn 1.713 trẻ trong độ tuổi này chưa tiêm vắc xin Covid-19. Điều này đồng nghĩa với việc Campuchia chỉ còn thiếu 0,09% là tiến tới hoàn thành tiêm 100% vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 6 – 12 tuổi.
Trong thông báo hôm 21/10, nhờ tỷ lệ cao trẻ em đã tiêm phòng, Bộ Giáo dục Campuchia cho biết sẽ cho phép mở cửa trở lại các trường công lập và trường tư trên toàn lãnh thổ từ ngày 1/11. Tuy nhiên, các trường phải thực hiện những quy định chặt chẽ nhằm phòng chống dịch Covid-19 mà Bộ Y tế Campuchia đã đề ra để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm virus corona tại lớp học.
Còn tại Chile, trẻ em từ 6 tuổi trở lên được tiêm vắc xin Covid-19 Sinovac từ ngày 27/9. Thứ trưởng Bộ Y tế Chile là bà Paula Daza cho hay nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 1,5 triệu trẻ em. Bộ trưởng Giáo dục Raul Figueroa cho biết, trẻ em chỉ có thể được tiêm vắc xin nếu có sự đồng ý của phụ huynh.
Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), vắc xin Vero Cell của Sinopharm cũng đã được cấp phép sử dụng cho trẻ em và trẻ vị thành niên từ 3 – 17 tuổi.
Chính phủ Argentina đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp đối với vắc xin Covid-19 Sinopharm để tiêm cho trẻ em từ 3 – 11 tuổi.
Trong khi đó, Thái Lan cũng đang nghiên cứu tiêm vắc xin Covid-19 Sinopharm và Sinovac cho trẻ từ 3 tuổi trở lên. Còn hiện tại, Thái Lan đang dùng 2 loại vắc xin Covid-19 Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ vị thành niên từ 12 tuổi trở lên.
Do phần lớn các nước đang phát triển bị tụt lại trong cuộc đua nhận vắc xin Covid-19 do những công ty dược phẩm phương Tây sản xuất như Pfizer và Moderna, nhiều nước đã chuyển sang mua vắc xin Covid-19 do Trung Quốc sản xuất.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tính tới tháng Chín, nước này đã chuyển hơn 1,2 tỷ liều vắc xin Covid-19 ra nước ngoài.
Mối lo dịch bùng phát
Hoạt động mở rộng đối tượng tiêm phòng vắc xin Covid-19 mà cụ thể là đối với trẻ nhỏ từ 3 tuổi trở lên được Trung Quốc đưa ra giữa lúc nước này đang ghi nhận sự xuất hiện của các ổ dịch quy mô nhỏ.
Tỉnh Cam Túc, khu vực vốn phụ thuộc lớn vào ngành du lịch, đã thông báo cho đóng cửa toàn bộ các địa điểm du lịch vào ngày 25/10 sau khi phát hiện các ca mới mắc Covid-19. Người dân sinh sống ở khu tự trị Nội Mông cũng được yêu cầu chỉ ở trong nhà do dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Theo thông báo hôm 25/10 từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nước này có 35 ca mới mắc Covid-19 trong vòng 24 giờ với 4 ca ở tỉnh Cam Túc và 19 trường hợp ở Nội Mông.
Cho tới nay, Trung Quốc đã thực hiện tiêm phòng vắc xin Covid-19 đầy đủ cho 1,07 tỷ người trong tổng số 1,4 tỷ dân.
Dù tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Covid-19 ở mức cao, nhưng chính phủ Trung Quốc hiện vô cùng lo ngại trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát diện rộng với sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta.
Mối lo càng gia tăng bởi vào tháng 2/2022, Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh sẽ diễn ra và sự kiện thể thao quốc tế này có sự tham gia của rất đông các vận động viên nước ngoài. Cổ động viên nước ngoài cũng đã bị cấm tới xem Thế vận hội ở Bắc Kinh.
Theo Infonet