“Duyệt Vi Thảo Đường bút ký” của đại học sỹ Kỷ Hiểu Lam thời nhà Thanh là cuốn sách ghi chép lại rất nhiều sự việc kỳ lạ mà tác giả chứng kiến hàng ngày, trong đó có không ít câu chuyện về nhân quả báo ứng. Dưới đây là một trong những trường hợp như thế…
Có một thương nhân giàu có người Sơn Tây trú ở khách sạn Thành Tín trong kinh thành, trang phục và người hầu, ngựa xe đi theo đều rất sang trọng. Lần này ông đến kinh thành là để hiến một món tiền mua một chức quan.
Có một ông lão nghèo đến thăm ông. Những người hầu đều không muốn thông báo giúp ông lão, thế nên ông lão đó đành phải đứng ngoài cổng chờ đợi, đợi mãi cuối cùng cũng được gặp. Thương nhân giàu có đối xử với ông lão rất lạnh nhạt, sau khi tiếp đãi một chén trà nguội thì chẳng hàn huyên thêm một câu nào.
Ông lão ngồi một lát, rụt rè bày tỏ ý muốn xin được giúp đỡ. Thương nhân giàu có liền xị mặt xuống lắc đầu nói: “Hiện nay ngay cả tiền mua chức quan tôi còn chưa gom đủ, đâu có sức giúp ông?”.
Ông lão không phục, bèn trước mặt mọi người nói rõ lai lịch của thương nhân giàu có này. Ông nói:
“Trước kia tôi làm quan, khá thanh liêm chính trực và yêu dân. Người thương nhân giàu có này xưa kia rất nghèo, sống luôn phải dựa vào tôi tiếp tế. Tôi giúp ông ta mười mấy năm, cuối cùng lại tặng ông ta 100 lạng bạc để làm ăn, dần dần ông ta mới trở thành thương nhân giàu có.
Bây giờ tôi bị hãm hại, bị bãi chức quan, lưu lạc nơi kinh thành. Nghe nói thương nhân này đến, tôi vô cùng vui mừng, giống như gặp được cứu tinh. Lão già tôi đây cũng không có yêu cầu gì quá cao, chỉ cần có thể có được 100 lạng bạc tôi đã cho ông ta trước kia để tôi trang trải nợ nần, chỗ còn lại cũng đủ lộ phí để tôi về quê, thế cũng đã mãn nguyện lắm rồi”.
Nói đến đây, ông lão sụt sịt mãi không nguôi. Thương nhân giàu có vẫn cứ tỉnh bơ như chưa hề nghe thấy gì.
Bỗng nhiên một người Giang Tây cùng ở khách sạn bước đến, anh ta tự xưng là họ Dương, chắp tay bái thương nhân giàu có rồi hỏi: “Ông lão kia nói có đúng không?”.
Thương nhân giàu có đỏ bừng mặt mũi trả lời: “Tình hình quả là như vậy, nhưng hiện nay tôi không có sức báo đáp ông ấy, thật đáng tiếc”.
Người họ Dương nói: “Ông sắp làm quan rồi, không lo không có chỗ mượn tiền. Nếu có người sẵn lòng cho ông vay 100 lạng bạc, trong vòng một năm hoàn trả, không thu bất kỳ lời lãi nào, ông có thể đem toàn bộ số bạc này trả cho ông lão đó được không?”.
Thương khách Sơn Tây miễn cưỡng trả lời: “Rất vui lòng”.
Người họ Dương nói: “Thế thì ông viết giấy vay mượn đi, tôi có 100 lạng bạc đây”.
Thương khách Sơn Tây dưới sức ép của công luận đành viết một tờ giấy vay mượn. Người họ Dương cầm tờ giấy rồi mở chiếc rương cũ ra, lấy ra 100 lạng bạc giao cho thương nhân giàu có nọ. Thương nhân giàu có nét mặt rất không vui, cầm bạc rồi giao cho ông lão kia.
Người Giang Tây họ Dương này sau đó không lâu cũng trả phòng khách sạn ra đi. Từ đó, không ai biết tin tức gì về anh ta nữa.
Sau đó, thương nhân giàu có mở rương kiểm đếm lại số bạc của mình thì phát hiện ra thiếu mất 100 lạng bạc. Nhưng khóa và niêm phong trên rương đều còn nguyên vẹn, chưa có ai động chạm đến, thế nên ông ta không thể nào tra xét chất vất người khác được. Thương nhân lại phát hiện ra có dư chiếc áo da cáo và một giấy cầm đồ, trên có viết cầm đồ với số tiền 2000 xu. Số tiền này hoàn toàn trùng với chi phí mà người họ Dương đã mở tiệc rượu ở khách sạn.
Thương nhân giàu có lúc này mới sực tỉnh: “Người họ Dương này biết pháp thuật, ông ta dùng pháp thuật để lấy 100 lạng bạc của mình, để mình hoàn trả ông lão kia. Ông ta còn để mình bỏ tiền mở tiệc rượu chiêu đãi họ”.
Lữ khách và chủ nhân khách sạn sau khi biết sự việc này đều thầm khen ngợi nhân vật bí ẩn họ Dương kia.
Thương nhân giàu có Sơn Tây thì vừa xấu hổ vừa buồn rầu, vội vàng rời khỏi khách sạn Tín Thành. Sau này người đời cũng không biết ông ta trú ở đâu nữa.
Kiến Thiện–Theo Epoch Times