Khi được sếp hỏi có bận không, nói “bận” không đúng, mà trả lời “không bận” cũng không được. Vậy nên trả lời thế nào mới đúng ý sếp?
Một cậu bạn từng hỏi tôi:
“Buổi tối sau khi tan làm, sếp hỏi tớ có bận không. Thầm nghĩ phải gây ấn tượng tốt trước mặt sếp, nên tớ đã trả lời không bận. Không biết trả lời như vậy có đúng không?”
Những trường hợp như trên, nói “bận” cũng không đúng, mà trả lời “không bận” cũng không được. Vậy chúng ta nên trả lời thế nào?
Mọi ông chủ đều thích nhân viên của mình làm việc không ngừng nghỉ. Chỉ cần bạn nghỉ một lúc thôi, anh ta sẽ cho rằng bạn đang làm biếng.
Không một vị lãnh đạo nào muốn bỏ tiền ra thuê người làm mà lại không chịu làm việc chăm chỉ. Lúc này trả lời “không bận”, không những khiến sếp cảm thấy khó chịu, thậm chí còn có thể liên lụy cả bộ phận của bạn, khiến mọi người phải làm thêm nhiều công việc hơn.
Vậy nếu trả lời: “Gần đây em hơi bận ạ, ban ngày làm không hết việc, tối nào cũng đều tăng ca” thì sao?
Cách trả lời như trên sẽ khiến sếp cho rằng bạn phân bổ công việc chưa hợp lí, hiệu quả làm việc kém mới chưa hoàn thành xong việc.
Muốn biết cách trả lời, trước hết hãy xem xét vấn đề đằng sau câu nói đó
Nghe lời nói đừng chỉ nghe bên ngoài, bạn nên học cách tìm hiểu ý nghĩa đằng sau câu nói ấy. Khi sếp hỏi bạn có bận không, thứ anh ta quan tâm chắc chắn không phải cá nhân bạn. Thông thường sẽ có 2 khả năng:
Khả năng thứ nhất, sếp muốn hiểu rõ hơn về bạn hoặc là tình trạng công việc gần đây của bộ phận bạn.
Khả năng thứ hai, sếp muốn bạn sắp xếp để làm công việc khác.
Trong cả hai trường hợp, dù trả lời bận hay không bận đều khiến sếp bạn khó nói ra việc tiếp theo, thậm chí nói “không bận” còn chặn những gì anh ta muốn nói tiếp. Vậy nên, hãy thuận theo suy nghĩ của sếp, để anh ta nói ra việc muốn nói.
Sếp tình cờ gặp bạn, hỏi bạn có bận không
Sếp chủ động chào bạn, thực ra đó là cách thể hiện sự thân thiện. Cũng giống như bình thường chúng ta hay chào nhau: “Ăn cơm chưa?“. Tùy ý hỏi một câu có thể giúp mối quan hệ trở nên gần gũi thân thiết hơn.
Lúc này bạn chỉ cần trả lời đơn giản: “Em cảm ơn, gần đây vẫn ổn lắm ạ!”
Không cần những lời hoa mỹ nhưng lại thể hiện cách xử lí vô cùng khéo léo.
Nếu gặp sếp trong thang máy, bạn có thể nói: “Cảm ơn anh quan tâm ạ, gần đây em mới nhận dự án abc, tiến độ hiện tại là xyz, sắp tới dự định…”
Hãy biến câu trả lời của bạn thành bản báo cáo ngắn gọn. Như vậy vừa thể hiện bạn đã nắm chắc công việc trong lòng bàn tay, tạo ấn tượng sâu sắc với sếp, hơn nữa qua đó sếp có thể sẽ giúp đỡ hoặc cho bạn một vài gợi ý về bản báo cáo.
Khi sếp đang nói chuyện với bạn, đột nhiên hỏi bạn có bận không
Trong trường hợp này, anh ta cũng không có ý gì khác, chỉ cảm thấy bạn làm việc mệt mỏi nên hỏi thăm mà thôi. Đương nhiên cũng có thể có việc gì đó muốn giao cho bạn làm.
Cách xử lí rất đơn giản: nói cảm ơn và báo cáo công việc.
Vì có nhiều thời gian để nói chuyện, tôi khuyên bạn nên liệt kê tất cả công việc và tận dụng cơ hội để đưa ra ý kiến của mình. Ví dụ như cảm thấy công việc gần đây quá nhiều, muốn giảm bớt áp lực; muốn làm việc gì đó hay dự án nào đó cần sự hỗ trợ của sếp…
Khi bạn đang làm việc, sếp hỏi bạn có bận không
Trong tình huống đó, hãy chuẩn bị 2 câu hỏi, chuyển thế bị động thành chủ động
Bước 1: “Anh có việc gì cần xử lí ạ?”
Khi nghe câu hỏi này, sếp thường sẽ kể chi tiết công việc, vì đó chính là điều anh ta muốn nói.
Lúc này hãy dồn sự chú ý vào câu chuyện đó, suy nghĩ nên làm thế nào, tiêu tốn bao nhiêu sức lực, cần tạo ra kết quả gì? Theo đó, chỗ nào không hiểu hãy trực tiếp hỏi lại.
Bước 2: “Việc này anh cần gấp không ạ?”
Công việc mà sếp nói có thể gấp, cũng có thể không, vậy nên hãy hỏi cho rõ. Chú ý, đừng bao giờ để bản thân quyết định, hãy để sếp quyết định mọi thứ.
Khi được sếp hỏi có bận không, đừng nghĩ rằng đó là cái bẫy, có thể đó là cơ hội để bạn giao tiếp và tạo ấn tượng với sếp. Do đó khi trả lời, hãy tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản sau:
Thứ nhất, hãy để sếp biết bạn đang làm gì, xử lí công việc vô cùng chu đáo.
Thứ hai, chủ động cho sếp biết những suy nghĩ của bạn về công việc, đồng thời tìm kiếm sự giúp đỡ từ anh ấy.
Thứ ba, việc sắp xếp công việc, bạn chỉ được góp ý, còn để sếp quyết định. Hãy thể hiện thái độ có trách nhiệm, chăm chỉ làm việc, sắp xếp mọi thứ hợp lí và tôn trọng sếp.
Nếu bạn là lãnh đạo, bạn có thích nhân viên như vậy không?
Theo Quê Hương-Doanh nghiệp và tiếp thị